Những biến động của thị trường hàng hóa thế giới do ảnh hưởng của hạn hán, thiên tai và việc một số mặt hàng của Trung Quốc bị áp dụng hạn ngạch đang tạo cơ hội thuận lợi cho một số...
Những biến động của thị trường hàng hóa thế giới do ảnh hưởng của hạn hán, thiên tai và việc một số mặt hàng của Trung Quốc bị áp dụng hạn ngạch đang tạo cơ hội thuận lợi cho một số ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam như gạo, dệt may, cà phê, đồ gỗ, cao su tự nhiên.
Theo nhận định của giới chuyên môn, các mặt hàng trên đều là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn. Do đó nếu các doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt tốt thời cơ có thể thu được lợi nhuận và kim ngạch xuất khẩu cao trong năm nay, giúp họ có điều kiện gia tăng nội lực để chuẩn bị cho việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Đối với mặt hàng gạo, thị trường thế giới đang có nhu cầu khá cao. Tuy nhiên, do nhiều nước bị mất mùa nên sản lượng giao dịch thương mại dự kiến chỉ đạt khoảng 25 triệu tấn, giảm 117.000 tấn so với năm ngoái. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện thấp hơn giá gạo Thái Lan khoảng 20USD/tấn nên một số khách hàng từ Iran, Philíppin đã quyết định chuyển sang đàm phán mua gạo của Việt Nam.
Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất khẩu 1.870.000 tấn gạo, đạt kim ngạch 466 triệu USD, trong đó có 47% được xuất theo các hợp đồng tập trung (ký hợp đồng thông qua quan hệ chính phủ) và 53% thông qua hợp đồng thương mại.
Giá xuất bình quân đạt 247USD/tấn, cao hơn năm ngoái 40USD/tấn. Với những thuận lợi như hiện nay, giới chuyên môn nhận định từ nay đến cuối năm kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mục tiêu đã đề ra là 1 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, các nhà chức trách cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cân nhắc khi ký hợp đồng xuất khẩu gạo với giá có lợi nhất, vì các đơn hàng đã ký có thể đảm bảo kế hoạch xuất khẩu của cả năm và đạt kim ngạch khoảng 1 tỷ USD. Đặc biệt, Thái Lan đang muốn cùng Việt Nam liên kết giá. Hai nước sẽ sử dụng giá tham khảo đối với một số loại gạo xuất khẩu làm cơ sở để báo giá xuất khẩu. Điều này vừa giúp Thái Lan tăng sản lượng gạo xuất khẩu, vừa giúp Việt Nam tăng giá trị gạo xuất khẩu.
Cùng với gạo, thị trường xuất khẩu của các sản phẩm dệt may Việt Nam cũng có nhiều tín hiệu khả quan. Việc Hoa Kỳ tái áp dụng hạn ngạch đối với 3 mặt hàng may mặc xuất khẩu của Trung Quốc có khả năng sẽ làm cho các khách hàng chuyển sang đặt hàng dệt may của Việt Nam. Hiện phần lớn các doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực dệt may đang vào mùa sản xuất nên khả năng đáp ứng các đơn hàng lớn, với nhiều chủng loại (cat) nóng, là hoàn toàn có thể thực hiện được.
Dẫu cơ hội xuất khẩu đang hết sức sáng sủa, song Bộ Công nghiệp vẫn yêu cầu các doanh nghiệp lớn tiếp tục tăng cường liên kết và đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể tiếp nhận ngay các đơn hàng được chuyển từ khu vực khác đến Việt Nam.
Theo TTXVN