10:05, 05/05/2005

Làm gì để doanh nghiệp ngoài quốc doanh phát triển?

Đến hẹn lại lên, cứ qua 1 năm hoạt động, các doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh (NQD) lại có cơ hội giãi bày nguyện vọng của mình trong việc đầu tư (ĐT) trên địa bàn...

Mặt hàng thủ công mỹ nghệ là một trong những sản phẩm mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn trong khu vực kinh tế tư nhân.

Đến hẹn lại lên, cứ qua 1 năm hoạt động, các doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh (NQD) lại có cơ hội giãi bày nguyện vọng của mình trong việc đầu tư (ĐT) trên địa bàn. Thực tế cho thấy, bên cạnh những chính sách ưu đãi thu hút ĐT của tỉnh Khánh Hòa, các DN NQD vẫn còn “đụng” không ít khó khăn từ nhiều ngành chức năng. Muốn khu vực này thật sự phát triển, việc tháo gỡ các vướng mắc để tạo điều kiện cho DN nắm lấy cơ hội ĐT là cần thiết.

° Hiệu quả còn thấp

Năm 2004, các DN NQD tiếp tục nhận được nhiều lợi thế từ việc hoàn thiện các chính sách ưu đãi của tỉnh. Nhìn tổng thể, năm 2004, số lượng DN đăng ký ĐT mới tăng lên đáng kể. Trong tổng số 2.327 DN và 252 chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động trên địa bàn, đã có 547 DN đăng ký mới. Nhiều DN đã chủ động nắm lấy cơ hội để đưa sản phẩm của mình thâm nhập thị trường EU, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… DN NQD đóng vai trò quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Liên tục nhiều năm liền, các DN NQD có kim ngạch xuất khẩu khá; riêng năm 2004, các DN đã có lượng sản phẩm xuất khẩu bằng 56,1% tổng kim ngạch xuất khẩu địa phương. Các sản phẩm chủ yếu vẫn là hải sản cao cấp và hàng mỹ nghệ…

Tuy nhiên, ngoài những sản phẩm có giá trị xuất khẩu, nhiều DN vẫn còn hạn chế trong việc tìm đầu ra; sản phẩm chỉ manh mún cung cấp cho thị trường trong nước. Do đó, không ít DN làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ, vi phạm pháp luật. Trên thực tế, khu vực NQD chiếm phần lớn số lượng DN trong tổng số DN đang ĐT trên địa bàn tỉnh nhưng đóng góp ngân sách không cao. Trong hơn 3.000 tỷ thu ngân sách năm 2004 thì DN NQD chỉ nộp ngân sách đạt 200 tỷ đồng (chiếm gần 9%)…

° Khó khăn chưa khắc phục

Tuy có đóng góp ngân sách khiêm tốn nhưng không vì thế mà có thể phủ nhận vai trò của các DN NQD. Đây là khu vực giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động địa phương (hiện đã giải quyết hơn 75.000 lao động, năm 2004 thu hút hơn 5.000 lao động)… Song, trong quá trình hoạt động, nhiều DN còn vướng không ít khó khăn từ các thủ tục hành chính, quá trình sử dụng đất của DN hoặc thực hiện chính sách pháp luật. Trong cuộc đối thoại mới đây của UBND tỉnh với các DN NQD, nhiều DN vẫn tỏ ra bức xúc trong việc thu thuế và các thủ tục thuê đất, sử dụng đất. Điển hình như: Công ty Sao Mai Thế kỷ 21 chuyên hoạt động trong lĩnh vực tắm khoáng bùn, dự án mở rộng ĐT đã được tỉnh phê duyệt trong 3 năm nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa giải tỏa được những phần có liên quan đến người dân, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Công ty; hoặc hồ sơ xin mở rộng mặt bằng bãi đỗ xe đã gửi Sở Xây dựng 1 năm nhưng chưa có phản hồi; rồi chuyện DN được tỉnh cấp phép khai thác tận thu khoáng sản trong 3 năm nhưng thủ tục thuê đất còn quá chậm, gia hạn hợp đồng chưa kịp thời trong khi giấy phép sắp hết hạn, thủ tục thuê đất chưa xong, làm DN thiếu yên tâm trong hoạt động kinh doanh… Còn Công ty Cổ phần Thương mại - Vật liệu khí đốt Nha Trang kiến nghị về chuyện giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không được giải quyết đã ảnh hưởng đến việc vay vốn phát triển của DN. Vấn đề này đã được DN kiến nghị liên tục trong 4 năm nay nhưng vẫn không có tiến triển nhiều.

Bên cạnh các kiến nghị về thuê đất, cấp quyền sử dụng đất, nỗi bức xúc của các Hợp tác xã (HTX) Vận tải là chuyện HTX nộp quá nhiều loại thuế, chính sách thuế không hợp lý đã làm cho các xã viên rút xe ra khỏi HTX để đăng ký hoạt động ở TP. Hồ Chí Minh với mức thuế chỉ bằng 1/3 số thuế tại địa phương…

° Tập trung tháo gỡ

Theo ông Trần Sủng - Trưởng Văn phòng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Khánh Hòa: Sau khi có thông báo của tỉnh về thời gian gặp gỡ DN NQD, nhiều DN đã gửi kiến nghị đến VCCI tại Khánh Hòa. Một số vấn đề về thu thuế, phí, lệ phí, đất đai đã được VCCI tổng hợp để chuyển UBND tỉnh. Bên cạnh đó còn có một số vấn đề đang được DN nêu lên như: nhanh chóng triển khai và đưa vào hoạt động Khu công nghiệp Hòn Ông cho DN có cơ hội mở rộng nhà xưởng, di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư; đề nghị tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương hoặc quỹ hỗ trợ phát triển giúp các DN xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động…

Riêng trong cuộc đối thoại giữa UBND tỉnh với DN NQD đã có 18 ý kiến DN tập trung vào 2 vấn đề chính: đất đai và chính sách thuế. Ông Võ Lâm Phi - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức gặp mặt riêng DN, nhóm DN có cùng loại hình để nắm rõ định hướng phát triển trong nhiều năm tới và giải thích cụ thể những vướng mắc của DN. Trước mắt, mong các DN nghiên cứu những quy định mới trong luật để đồng thuận với các ngành thực hiện tốt hơn Luật Đất đai mới, Luật Xây dựng mới. Tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành nghiên cứu từng vấn đề một và trả lời cụ thể bằng văn bản cho các DN có kiến nghị nhằm tạo ra sự công bằng, sòng phẳng giữa người quản lý với DN. Những vướng mắc của DN sẽ được UBND tỉnh cùng các ngành tập trung tháo gỡ ngay trong thời gian tới…

L.H.T