Chỉ trong vòng 8 giờ đồng hồ, một đám cháy lớn xảy ra trên địa bàn 2 xã Sơn Bình, Sơn Hiệp (huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) đã thiêu rụi hoàn toàn trên 82 ha rừng...
Rừng thông 7 năm tuổi ở khu vực xã Sơn Bình đã bị thiêu rụi. |
Chỉ trong vòng 8 giờ đồng hồ, một đám cháy lớn xảy ra trên địa bàn 2 xã Sơn Bình, Sơn Hiệp (huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) đã thiêu rụi hoàn toàn trên 82 ha rừng thông 6 - 7 năm tuổi. Tuy diện tích không lớn hơn vụ cháy rừng đầu tháng 4 ở Lâm trường Bắc Khánh Vĩnh, nhưng đây là vụ cháy gây thiệt hại lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn tỉnh khi toàn bộ diện tích rừng cháy đã chuẩn bị đến kỳ thu hoạch.
Do thời tiết khô hạn, từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện Khánh Sơn liên tiếp xảy ra hàng chục vụ cháy rừng. Được sự chỉ đạo kịp thời của các ngành chức năng, sự tham gia tích cực của người dân địa phương, hầu hết các đám cháy đã được dập tắt kịp thời, không để lan ra diện rộng. Tuy vậy, ngày 7-5, tại khu vực rừng giáp ranh 2 xã Sơn Bình và Sơn Hiệp, một đám cháy bùng phát dữ dội đã thiêu rụi hoàn toàn trên 82 ha rừng thông 6 - 7 năm tuổi do Lâm trường Khánh Sơn quản lý. Ngọn lửa bùng cháy lúc 11 giờ 30, do giữa trưa nắng nóng, gặp gió nên bùng phát và lan khá nhanh. Sau khi nhận được tin báo, Ban chỉ đạo phòng chống cháy rừng (PCCR) huyện đã huy động trên 200 người là người dân địa phương, thanh niên tình nguyện phối hợp với lực lượng lâm trường, kiểm lâm tham gia chữa cháy. Đến 21 giờ cùng ngày, đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn. Diện tích rừng bị cháy là rừng thông 2 lá và 3 lá, trong đó rừng trồng năm 1998 tại tiểu khu 635a thuộc xã Sơn Bình 71,8 ha, tiểu khu 635 tại Sơn Hiệp 10,3 ha. Riêng giá trị thiệt hại về đầu tư là trên 236 triệu đồng, nhưng tính thiệt hại về giá trị tăng trưởng của rừng thì con số này cao hơn gấp nhiều lần khi diện tích rừng tại khu vực này chuẩn bị cho thu hoạch.
Từ nhiều năm nay, người dân Khánh Sơn vẫn quen với phong tục phát, đốt, chọc, trỉa để sản xuất nông nghiệp. Nhiều vụ cháy rừng đã xảy ra trên địa bàn là do người dân sơ ý khi đốt rẫy. Tuy nhiên, xác minh tại hiện trường thì nguyên nhân của vụ cháy rừng ngày 7-5 là do có người trực tiếp đốt. Điểm cháy xuất phát bên trong rừng, không gần khu vực đất rẫy của người dân địa phương. Được biết, trước ngày 7-5, tại khu vực này đã xảy ra 2 vụ cháy nhỏ, được sự hỗ trợ của lực lượng Huyện đội và người dân địa phương, các đám cháy đã được dập tắt. Qua điều tra, xác minh hiện trường và thông tin của người dân gần khu vực, do đốt rừng ban đêm không thành, đối tượng lại chuyển sang đốt ban ngày. Thời gian cháy vào giữa trưa nên công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn, chính vì thế, hầu hết rừng nằm trong khu vực 2 tiểu khu đều bị thiêu rụi một cách nhanh chóng. Theo cơ quan điều tra, có thể bọn lâm tặc chủ động đốt rừng để thu hút lực lượng kiểm lâm tham gia chữa cháy để dễ bề khai thác lâm sản. Một nguyên nhân khác, một số đối tượng bị Lâm trường đề nghị truy tố về tội chặt phá rừng đốt để trả thù. Tuy nhiên, cũng không loại trừ tình huống người dân đốt rừng để xâm chiếm đất canh tác. Ông Tô Quốc Hùng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khánh Sơn cho biết: Cháy rừng ở Khánh Sơn diễn biến hết sức phức tạp, ngoài đốt rẫy, còn có hiện tượng đốt rừng già để khai thác trầm kỳ. Lực lượng Kiểm lâm đã nhiều lần truy quét, tuy bắt được một số đối tượng khai thác, nhưng do không đủ chứng cứ cấu thành tội phạm nên không thể truy tố trước pháp luật. Thời điểm này, có một số cơn mưa nên bà con tranh thủ phát đốt để trồng trỉa, đã có nhiều vụ cháy lan từ rẫy sang rừng. Tuy nhiên, các vụ cháy này đã được dập tắt kịp thời không để lan ra diện rộng.
Qua vụ cháy này cho thấy công tác phòng chống cháy, trồng và quản lý bảo vệ rừng còn khá nhiều bất cập. Bên cạnh phương tiện chữa cháy thô sơ “biết rồi, khổ quá nói mãi”, ngay cả thông tin liên lạc, hậu cần, y tế phục vụ cho công tác chữa cháy chưa hề được quan tâm. Đáng nói nhất, tại các khu vực rừng trồng không có đường ranh cản lửa, hoặc có nhưng chỉ bao bọc bên ngoài toàn bộ diện tích mà không hề có đường ranh phân chia khu vực bên trong.
Đám cháy chỉ dừng lại khi đường ranh cản lửa là một khe suối. |
Ông Nguyễn Quốc Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện - Trưởng ban chỉ đạo PCCR huyện cho biết: Khi vụ cháy rừng xảy ra, chỉ sau 30 phút lực lượng tham gia chữa cháy đã có mặt. Tuy vậy, do cây rừng đã lớn, tầm quan sát để nhận biết phương hướng rất hạn chế nên khó có thể dập tắt đám cháy. Để chữa cháy hiệu quả, ngoài lực lượng tham gia, công tác hậu cần tiếp tế cho lực lượng này cũng rất quan trọng. Ngoài ra, cần sử dụng các loại cưa máy cầm tay làm đường ranh thay vì các phương tiện thô sơ. Thêm vào đó, cần xây dựng chòi canh để quan sát, có như thế đám cháy mới được dập tắt kịp thời.
Sau khi vụ cháy xảy ra, ông Nguyễn Trọng Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo PCCR tỉnh có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Khánh Sơn và các ngành liên quan. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trọng Hòa yêu cầu Ban chỉ đạo PCCR huyện, xã, các đơn vị chủ rừng tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm liên đới của các tập thể, cá nhân; triển khai các biện pháp cấp bách PCCR. Chi cục Kiểm lâm kiểm tra lại các phương án cụ thể của các đơn vị chủ rừng, trên cơ sở đó đưa ra những biện pháp khả thi nhất trình lên UBND tỉnh; rà soát lại phương tiện chữa cháy, bổ sung các thiết bị cần thiết như cưa máy, bộ đàm và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng khi có cháy xảy ra. Thực hiện việc giao đất, giao rừng phải đúng mục đích, qua đó tuyên truyền cho người dân thấy được việc hưởng lợi để tích cực tham gia tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng...
CHÂU AN KHÁNH