03:05, 05/05/2005

Cơ hội và thách thức

Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ở Khánh Hòa. Những năm qua, các lĩnh vực sản xuất công nghiệp...

Khách sạn Yasaka-Saigon-Nhatrang - đơn vị liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động rất có hiệu quả tại Nha Trang - Khánh Hòa.

Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ở Khánh Hòa. Những năm qua, các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ của các doanh nghiệp (DN) có vốn ĐTNN đóng góp không nhỏ vào tổng thu ngân sách địa phương. Để tiếp tục phát huy tiềm năng đó, tỉnh luôn có những chính sách ưu đãi để mời gọi ĐTNN. Cơ hội đã mở ra, song vẫn còn nhiều thách thức cho nhà đầu tư (ĐT) và cả địa phương.

Như tin đã đưa, vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Câu lạc bộ (CLB) Giao lưu kinh tế - văn hóa (KT-VH) quốc tế tổ chức cho đoàn đại sứ các nước: Hà Lan, Bỉ, Iran, Indonesia, Philippines cùng một số DN nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội hợp tác ĐT tại Khánh Hòa. Trước khi trao đổi với tỉnh một số thông tin và danh mục ĐT đang được khuyến khích, đoàn đã có chuyến khảo sát vịnh Vân Phong - khu kinh tế tổng hợp đã được Chính phủ phê duyệt (trong đó có cảng trung chuyển container quốc tế làm chủ đạo), nắm tình hình phát triển kinh tế du lịch phía Bắc bán đảo Cam Ranh và TP. Nha Trang. Theo Giáo sư Viện sĩ Phan Cự Đệ - Chủ tịch CLB Giao lưu KT-VH quốc tế: Mục đích chuyến thăm Khánh Hòa nhằm đẩy mạnh công cuộc hợp tác và ĐTNN vào địa phương; đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực du lịch và công nghiệp. Từ năm 1999 đến nay, CLB đã giới thiệu cho đoàn đến với Hải Phòng, Quảng Nam, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Ninh, Bắc Cạn, TP. Đà Nẵng… Đây cũng là đề nghị của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm cho đại sứ, tham tán KT-VH, các tổng giám đốc các công ty nước ngoài đi tham quan tìm hiểu cơ hội ĐT ở một số tỉnh, thành phố.

Trong thời gian làm việc với lãnh đạo tỉnh, các thành viên trong đoàn đã nghe bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh giới thiệu về điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc ĐT tại Khánh Hòa, những khu công nghiệp đã, đang và sẽ xây dựng cũng như một số lĩnh vực sản xuất được khuyến khích ĐT. Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Thu Hằng nhấn mạnh định hướng phát triển du lịch tại vịnh Nha Trang và khu vực phía Bắc bán đảo Cam Ranh, khu kinh tế đa ngành vịnh Vân Phong trong những năm tới. Các thành viên trong đoàn còn được thông tin thêm về tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng, KT-XH của địa phương.

Ông Philippe Jottard - Đại sứ Bỉ cho biết: “Đến Khánh Hòa, tôi muốn biết rõ hơn sự cạnh tranh kinh tế và du lịch trong 2 khu vực Vân Phong và Cam Ranh”. Trong khi đó, Đại sứ Iran - ông Hunssein M.Abdolllhi muốn tìm hiểu rõ hơn những ưu đãi và điều kiện dành riêng cho các nhà ĐTNN. Riêng Đại sứ Hà Lan - ông Gerben De Jong muốn biết thêm mức độ ưu tiên trong những danh mục kêu gọi đầu tư…

Với những mục tiêu phát triển kinh tế trong những năm tới, để thu hút ĐT, tỉnh Khánh Hòa luôn tạo điều kiện cho các DN có vốn ĐTNN vào hoạt động với những ưu đãi hợp lý, những chính sách cởi mở, thông thoáng. Trong quá trình phát triển kinh tế, Cảng Cam Ranh sẽ tiếp tục được nâng cấp; Nha Trang sẽ trở thành một trong mười trung tâm du lịch lớn của cả nước khi tỉnh chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi thành phố; cảng trung chuyển Vân Phong hội đủ các điều kiện cho cảng trung chuyển tốt nhất. Trên thực tế, các DN có vốn ĐTNN hoạt động trên địa bàn tỉnh được tạo điều kiện tốt nhất nên làm ăn rất có hiệu quả. Điển hình như: Khách sạn Yasaka-Saigon-Nhatrang, Vinpearl - Hòn Ngọc Việt (du lịch - dịch vụ), Công ty Liên doanh TNHH Cát Phú, Công ty TNHH Long Shin, Công ty TNHH F.L.D (công nghiệp)… Nhiều DN có mức tăng trưởng trung bình cao từ 30%/năm.

Khánh Hòa luôn tạo cơ hội cho tất cả các DN trong và ngoài nước vào ĐT, song việc cải tạo và bảo vệ môi trường cho các dự án ĐT là vấn đề được các DN và đại sứ các nước quan tâm. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết: Hiện nay, công tác xử lý chất thải công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Chất thải rắn được xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Tỉnh cũng đang kêu gọi các dự án ĐT trong lĩnh vực này. Vấn đề xử lý chất thải rắn, lắng lọc rất khó khăn vì khả năng tài chính… Nếu những khó khăn này được sự tham gia ĐT giúp đỡ của các nước và các DN thì trong thời gian tới Khánh Hòa sẽ thật sự phát triển mạnh hơn trong lĩnh vực công nghiệp, du lịch, dịch vụ.

L.H.T