Cuối năm 2003, Công ty Cổ phần Giấy Rạng Đông (Tổng Công ty Khánh Việt) đã nghiên cứu thành công một loại keo chống thấm...
Công nhân bộ phận máy xeo kiểm tra độ nén vòng của giấy. |
Cuối năm 2003, Công ty Cổ phần Giấy Rạng Đông (Tổng Công ty Khánh Việt) đã nghiên cứu thành công một loại keo chống thấm cho giấy Medium có tên là AKD, thay thế cho keo nhựa thông phèn. Keo AKD đã giúp Công ty giải quyết được các vấn đề về kỹ thuật, đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong sản xuất bao bì carton, giấy Medium được dùng để chạy lớp sóng giữa, tùy yêu cầu độ cứng của thùng mà người sản xuất chạy từ 1 hoặc nhiều lớp sóng. Do đó, để đảm bảo chất lượng cho loại giấy Medium, Công ty phải đáp ứng các yêu cầu như: Độ chống thấm, chịu bục, chịu kéo và độ nén vòng… Trong đó, độ chống thấm tuyệt đối cho giấy chiếm vai trò quan trọng. Trước đây, Công ty đã sử dụng phương pháp truyền thống là dùng nhựa thông nấu với xút cộng với phèn nhôm gia vào giấy để tạo hệ keo AL - monoresinate và resinacid mang tính kỵ nước, không tan để bám lên xơ sợi nhờ lực hút tĩnh điện tạo chống thấm cho giấy Medium. Qua quá trình sản xuất, keo nhựa thông phèn đã đạt yêu cầu về độ chống thấm cho giấy nhưng lại bộc lộ quá nhiều hạn chế như: Phương pháp gia phức tạp, nhiều công đoạn (nấu nhựa thông xút - pha loãng - gia vào giấy + quậy phèn - pha loãng - gia vào giấy); sinh bọt lớn khi máy xeo chạy, làm các thao tác máy khó khăn, thất thoát một lượng lớn bột theo bọt và giảm công suất máy làm giá thành sản phẩm tăng; môi trường gia bắt buộc có độ pH thấp nên làm ảnh hưởng đến các loại hóa chất gia chung vào giấy… Trước những nhược điểm trên, năm 2000 cán bộ Phòng Công nghệ Công ty đã thử nghiệm các loại keo như: Keo nhựa thông biến tính, trung tính… những loại keo này không phải nấu xút, ít bọt hơn nhưng giá thành vẫn còn rất cao. Hiện giấy Medium được bán tại TP. Hồ Chí Minh nên muốn đứng vững trên thị trường, Công ty phải ngày càng nâng cao về chất lượng giấy và hạ giá thành sản phẩm.
Trước những đòi hỏi trên, cuối năm 2003, Phòng Công nghệ đã nghiên cứu thành công loại keo chống thấm AKD cho giấy Medium. Bước đầu đưa vào sử dụng, keo chống thấm AKD đã giải quyết được các vấn đề về kỹ thuật và đem lại hiệu quả kinh tế cao… Sử dụng keo chống thấm AKD đã làm tăng được độ chịu bục, độ chịu kéo của giấy, làm giảm tối đa hiện tượng sinh bọt, từ đó tăng tốc độ máy xeo lên. Do dùng hàm lượng hóa chất thấp nên giảm được sự nhiễm bẩn của nước và không phải dùng phèn nên độ pH trong nước thải luôn đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, tính kiềm còn giúp cho sự kết hợp với các hóa chất khác khi cùng gia vào bột giấy, đặc biệt sử dụng được các loại chất độn làm tăng hiệu quả kinh tế. Trong sản xuất giấy, sử dụng keo chống thấm AKD vừa đơn giản, vừa giảm thiểu được số lần đứt giấy, chống thất thoát bột do trào theo bọt nên giảm được cường độ làm việc cho người công nhân. Anh Trần Hoàng Ngọc Thảo - Trưởng phòng Công nghệ cho biết: “Sau khi áp dụng công nghệ chống thấm mới đã thu được nguồn lợi rất đáng kể cho Công ty, đồng thời thu nhập của công nhân cũng tăng lên. Trước đây, Công ty sản xuất được 5.000 tấn/năm, bây giờ sản xuất được 9.000 tấn/năm”.
Ngoài việc cải tiến keo chống thấm, Công ty còn đặc biệt chú trọng cải tiến các bộ phận của máy xeo giấy như: Lắp thêm lò sấy để tăng tốc độ máy đưa giấy ra nhanh hơn nhưng vẫn đảm bảo độ khô cho giấy; tăng thêm các trục ép nước để giảm chi phí về hơi, nhiệt độ sấy và tăng tốc độ của máy, đưa năng suất cao lên… Ông Trần Văn Bầu - Phó Quản đốc Xưởng Xeo cho biết: “Từ khi áp dụng cải tiến kỹ thuật, công nhân đỡ vất vả hơn trước nhiều lần. Cơ cấu máy hợp lý nên giảm được các thao tác, người công nhân không vất vả mà thu nhập vẫn cao”.
Việc cải tiến kỹ thuật ở Công ty Giấy Rạng Đông đã góp phần làm hạ giá thành sản phẩm, tháo gỡ được những khó khăn trong thao tác vận hành máy, tăng tốc độ máy lên 40% và hạn chế một lượng lớn chất thải rắn thải ra môi trường.
KHÁNH HÀ