07:05, 27/05/2005

Bao giờ con sam biển VN sẽ thành nguồn hàng xuất khẩu?

Thập niên 50 của thế kỷ trước, nhà khoa học Michael Downson thuộc Trung tâm nghiên cứu Hải dương học Cape Cod đã phát hiện ra một đặc tính rất quý giá của chiết xuất từ máu con sam...

Sam biển.

Trước đây, người ta thường phải dùng một số loài động vật như chuột, thỏ, khỉ... để thử phản ứng phụ trước khi chính thức tung các loại mỹ phẩm ra bán trên thị trường. Thập niên 50 của thế kỷ trước, tại bờ biển phía Đông nước Mỹ, nhà khoa học Michael Downson thuộc Trung tâm nghiên cứu Hải dương học Cape Cod đã phát hiện ra một đặc tính rất quý giá của chiết xuất từ máu con sam (có tên tiếng Anh là Horseshoe Crab, tên khoa học Limulus polyphemus), chất Limulus Amoebocyte Lysate (LAL). Chất này có phản ứng đổi màu nếu trong mỹ phẩm có chứa các chất độc hại. Phát hiện này hết sức quan trọng, bởi tính chính xác cao và giúp rút ngắn đáng kể quá trình thử phản ứng, khiến các hãng mỹ phẩm tung sản phẩm ra thị trường nhanh chóng hơn. Năm 1977, LAL đoạt giải thưởng "Test of the year", công nhận là thử nghiệm thành công nhất trong năm tại Mỹ; đồng thời được chấp nhận dùng thay thế cho việc thử mỹ phẩm trên động vật. Vào những năm 1970, khi mà các nhà hoạt động môi trường và các hội bảo vệ thiên nhiên tổ chức những cuộc biểu tình rầm rộ chống lại việc động vật phải hy sinh vì những mặt hàng làm đẹp cho con người, thì chiết xuất LAL nhanh chóng trở thành một thị trường nóng bỏng.

Ý tưởng sản xuất LAL từ con sam Việt Nam đến với nhà khoa học Việt Kiều Nguyễn Trọng Hào khi ông tình cờ đọc được 1 bài báo trên số ra ngày 21-5-1992 của tờ Nature, 1 tờ báo rất có uy tín trong giới khoa học quốc tế. Bài báo viết rằng các nhà khoa học Ấn Độ rất muốn sản xuất chất chiết xuất LAL, nhưng không thể triển khai chương trình do biển Ấn Độ không đủ con sam để thương mại hóa sản phẩm. Tác giả bài báo đã ước tính giá trị thị trường tiêu thụ LAL toàn cầu lúc đó lên tới 5 tỷ USD, trong khi mới chỉ có nước Mỹ sản xuất và cung ứng hầu như toàn bộ nhu cầu của thế giới. Đức và Pháp cũng rất quan tâm đến thị trường này, nhưng cũng vấp phải vấn đề thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất. Nếu thành công , tiền lãi của chương trình sản xuất LAL có thể giúp Ấn Độ trang trải được kinh phí cho tất cả các công trình khoa học khác tại nước này.

Ông Hào nhớ lại chuyến đi đến Nha Trang năm 1967, khi ông vừa mới tốt nghiệp tú tài và chuẩn bị sang Đức du học. Khi đó, lần đầu tiên ông được nhìn thấy những con sam biển. Bài báo đã thúc giục ông lập một dự án táo bạo: sản xuất chiết xuất LAL từ chính những con sam trên quê hương Việt Nam để bán ra thị trường thế giới. Ông thuyết phục chủ hãng dược phẩm Orpegen Pharma (Heidelberg, CHLB Đức), nơi ông đã làm việc hàng chục năm kể từ khi tốt nghiệp đại học, rằng Việt Nam có nền chính trị ổn định, nhân công rẻ, và quan trọng nhất là có rất nhiều sam, chính là nơi để đầu tư. Dự án được hãng chấp nhận và năm 1994, ông đã trở về Việt Nam lần đầu tiên sau 27 năm xa cách. Khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, ông đã xúc động đến trào nước mắt.

Lấy máu sam tại Viện Hải dương học Nha Trang.

Sau đó, ông Hào cùng với các cộng sự tại Viện Hải dương học Nha Trang đi khắp đó đây dọc bờ biển miền Trung để tìm kiếm sam; đo, đếm, đánh giá khả năng xây dựng vùng nguyên liệu. Rồi là những ngày tháng miệt mài với việc chích máu con sam, tiến hành tách chiết xuất LAL. Ông đánh giá cao tinh thần làm việc của các đồng nghiệp Việt Nam. "Trời nóng lắm, mà khi đó phòng thí nghiệm còn chưa được trang bị máy lạnh nên nhiệt độ ban ngày trong phòng lên tới 38oC. Anh em đưa ra sáng kiến làm ban đêm cho... mát. Vậy là cứ nửa đêm về sáng tất cả lại bắt tay vào việc. Nói là "mát" nhưng nhiệt độ không khí ban đêm cũng vẫn còn tới 33oC..." – ông Hào nhớ lại.

Theo ông Hào, con sam có nhiều trong tự nhiên ở nước ta, rất dễ lập trại nuôi ở quy mô công nghiệp. Khi con sam đạt chiều dài khoảng 30 cm là có thể lấy máu để tách chiết xuất LAL. Mỗi lần chích, một con sam có thể cho 20 ml máu, chiết xuất được khoảng 5 ml LAL, trị giá 25 USD. Đặc biệt, không cần phải giết sam để lấy máu, mà có thể khai thác lâu dài, chích máu xong lại thả vào trại nuôi tiếp.

Khi tại Việt Nam công trình đang tiến triển khá tốt thì tại Đức, hãng Orpegen Pharma gặp một số khó khăn, phải chuyển hướng sản xuất sang hóa học cơ bản nên dự án buộc phải dừng lại. Ông Hào trở lại Đức, nhưng vẫn đau đáu ước mong một ngày nào đó ông sẽ được tiếp tục công trình để giúp đất nước có thêm một mũi nhọn xuất khẩu. Ông nói: "Hiện thời hãng Orpegen đã ổn định với thị trường các sản phẩm hóa học cơ bản nên không có ý định tiếp tục dự án cũ. Nếu các hãng dược phẩm trong nước quan tâm đến đề tài này, tôi rất sẵn sàng hợp tác..."

Theo VOV