07:04, 27/04/2005

VN có tốc độ tăng trưởng cao thứ hai trong khu vực

Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng cao thứ hai trong khu vực Đông Nam Á trong năm 2004 với mức tăng GDP là 7,7%. Đó là nhận định của Uỷ ban Kinh tế và Xã hội của LHQ...

Ảnh minh họa.

Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng cao thứ hai trong khu vực Đông Nam Á trong năm 2004 với mức tăng GDP là 7,7%. Đó là nhận định của Uỷ ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) tại Báo cáo điều tra về kinh tế - xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2005 do Văn phòng Điều phối viên Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức họp báo công bố chiều 25-4.

Theo bản báo cáo, cả công nghiệp và dịch vụ của Việt Nam đều phát triển mạnh. Tốc độ tăng trưởng GDP cao ở Việt Nam đã tạo ra nhiều việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị cũng như nông thôn đã giảm xuống. Năm 2004, số hộ gia đình có mức sống dưới chuẩn nghèo quốc gia giảm xuống còn 8,3%. Tuy nhiên tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam trong năm 2004 tăng gấp 3 lần (từ 3% năm 2003 lên tới 9,5%) do những cú sốc liên tiếp về cung. Đặc biệt, giá lương thực, thực phẩm và nhiên liệu tăng mạnh. Hy vọng trong năm 2005, tỷ lệ lạm phát sẽ giảm xuống còn 6-7% với giả định là giá dầu mỏ và luơng thực, thực phẩm sẽ hạ.

Báo cáo cũng nêu rõ, trong năm 2004, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng rất mạnh, đặc biệt từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Những mặt hàng xuất khẩu mạnh là dầu thô, cao su, các sản phẩm điện tử và đồ gỗ. Việt Nam đã tiến hành một số bước nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, xúc tiến xây dựng một bộ luật thống nhất cho tất cả các loại hình doanh nghiệp cũng như luật đầu tư chung và hiện đang tiến hành các bước nhằm hạ thấp chi phí kinh doanh, trong đó có việc giảm tỷ lệ thuế doanh nghiệp và cước phí của các dịch vụ viễn thông. Chính phủ Việt Nam cũng đã hoàn thành các nghĩa vụ trong khuôn khổ AFTA và đang tiếp tục đàm phán về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đã kết thúc vòng đàm phán thứ 9 vào tháng 12-2004 và đã đạt được thoả thuận song phương với một số nước, trong đó có EU.

ESCAP cũng đề xuất một số giải pháp về công cuộc giảm nghèo, đó là cần phải cải cách cơ cấu dựa trên việc cơ cấu lại các ngân hàng cũng như doanh nghiệp nhà nước. Theo ESCAP, tiến độ cải cách trong lĩnh vực này cho đến nay vẫn còn chậm. Bên cạnh đó, mặc dù Việt Nam đã tiến hành một số bước nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, song vẫn tồn tại một số trở ngại và để đạt được mục tiêu của kế hoạch 5 năm (2001-2005), năm nay, Việt Nam phải đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế là 8,5%.

Theo VOV