Việt Nam có thể tiếp tục đạt mức tăng trưởng kinh tế cao trong 3 năm tới. Năm 2004, nhờ có sự gia tăng mạnh mẽ trong tiêu dùng, đầu tư, nhu cầu thị trường dầu mỏ và hàng hóa quốc tế phát triển mạnh mẽ...
Việt Nam có thể tiếp tục đạt mức tăng trưởng kinh tế cao trong 3 năm tới. Năm 2004, nhờ có sự gia tăng mạnh mẽ trong tiêu dùng, đầu tư, nhu cầu thị trường dầu mỏ và hàng hóa quốc tế phát triển mạnh mẽ, tỷ lệ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,5%. Đà tăng trưởng này được dự báo sẽ tiếp tục trong năm 2005 và 2006.
Ông Bradford Philips, Giám đốc Văn phòng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, đã phát biểu như vậy trong cuộc họp báo giới thiệu cuốn sách "Triển vọng phát triển châu Á năm 2005" tại Hà Nội. Đây là ấn phẩm hàng năm của ADB dự báo xu hướng phát triển kinh tế trong khu vực, nhận định những nguy cơ rủi ro trung hạn có thế xuất phát từ việc mở rộng nền kinh tế thị trường cạnh tranh quốc tế, từ việc tiếp cận thị trường, rớt giá hàng hóa, từ việc mở rộng nhanh chóng thị trường tín dụng, lạm phát và dịch bệnh.
Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đã giúp khoảng hơn 300.000 hộ gia đình thoát cảnh nghèo trong năm 2004 và giảm tỷ lệ nghèo của Việt Nam từ 11% trong năm 2003 xuống còn 8,3% năm 2004. Dự báo nhu cầu nội địa của Việt Nam sẽ tăng ít nhất 8,5% mỗi năm từ năm 2005 đến 2007, trong khi tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu dự tính tăng 11,4% năm 2005 và duy trì mức tăng trưởng cao trong những năm tiếp theo. Theo một bản khảo sát môi trường kinh doanh Việt Nam được tiến hành năm 2004, hơn 2/3 doanh nghiệp nước ngoài được khảo sát tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh trong vòng 3 năm tới.
Tuy nhiên, theo ông Bradford thì để tiếp tục duy trì được tốc độ phát triển kinh tế cao và bền vững thì Chính phủ Việt Nam cần phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút hơn nữa các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn ODA, vì đây chính là động lực quan trọng để duy trì mức tăng trưởng cao như năm 2004. Ông Bradford cũng cho biết thêm nếu chính phủ Việt Nam thực hiện tốt hơn nữa các chính sách thì nền kinh tế có thể phát triển cao hơn.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc ADB sẽ có những biện pháp nào để giúp đỡ Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, ông Bradford cho biết ADB sẽ hỗ trợ theo nhiều hình thức khác nhau. ADB sẽ hỗ trợ thông qua việc tăng cường việc đối thoại với Chính phủ Việt Nam nhằm tư vấn về các chính sách để nâng cao hiệu quả việc hoạch định chính sách, tổ chức đào tạo nâng cao nhân lực, hỗ trợ về mặt tài chính, cụ thể là hỗ trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.
Ông Bradford cũng đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong cuộc chiến chống tham nhũng trong thời gian qua. Ông cho biết Chính phủ Việt Nam có một cam kết mạnh mẽ trong cuộc chiến chống tham nhũng. Có thể nói, cách đây 5 năm những vấn đề về chống tham nhũng không được nêu nhiều lắm. Tuy nhiên, từ năm ngoái đến nay, Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần nêu lên vấn đề chống tham nhũng. Năm 2004, Việt Nam cũng đã tham gia Công ước của LHQ về chống tham nhũng, và tháng 7-2004, Việt Nam trở thành thành viên thứ 23 của Kế hoạch chống tham nhũng khu vực châu Á - TBD theo đề xướng của ADB và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trong cuộc họp với các nhà tài trợ cũng đã nêu lên vấn đề này, đồng thời khuyến khích báo chí, truyền thông tham gia chống tham nhũng.
Theo TTXVN