02:04, 20/04/2005

Vẹm xanh lên ngôi

Đã bao đời nay, đại bộ phận nhân dân xã Ninh Ích (Ninh Hòa) sống nhờ vào nguồn đánh bắt nhỏ ven đầm. Cuộc sống gặp nhiều khó khăn, sống ngày nào biết ngày đó.

Anh Trần Gió - Thôn Tân Đảo đang kiểm tra vẹm nuôi tại đầm Nha Phu.

Đã bao đời nay, đại bộ phận nhân dân xã Ninh Ích (Ninh Hòa) sống nhờ vào nguồn đánh bắt nhỏ ven đầm. Cuộc sống gặp nhiều khó khăn, sống ngày nào biết ngày đó. Mấy năm gần đây, nhờ chuyển sang nuôi vẹm xanh, đời sống bà con đã thay đổi, không những có “của ăn”, mà còn có “của để”.

Xã Ninh Ích có 1.867 hộ dân với 8.871 nhân khẩu, trong đó có hơn một nửa số dân sống bằng nghề biển. Trước đây, cuộc sống của bà con hết sức vất vả. Một số hộ có vốn đầu tư vào nuôi tôm sú nhưng chỉ được giai đoạn đầu. Mấy năm gần đây nuôi tôm đều bị thua lỗ. Người dân chỉ biết trông chờ vào đánh bắt nhỏ ven đầm, nhưng rồi tôm cá cũng ngày càng cạn kiệt.

Trước tình hình khó khăn trên, năm 2001 Trung tâm Khuyến ngư phối hợp với Viện Hải dương học Nha Trang xây dựng 2 nhóm mô hình nuôi vẹm xanh tại đầm Nha Phu trong dự án Bảo vệ cộng đồng nhằm phục hồi lại môi trường và nâng cao đời sống nhân dân quanh đầm. Nhóm 1 nuôi tại thôn Tân Thành, nhóm 2 nuôi tại thôn Ngọc Diêm, con giống được lấy từ đầm Lăng Cô (Thừa Thiên Huế). Sau một năm thả nuôi thử nghiệm, vẹm xanh phát triển tốt, sinh sản và phát tán giống rất nhanh. Từ đó đã nhân rộng cho ngư dân thôn Ngọc Diêm, Tân Thành, Tân Đảo nuôi. Năm đầu nuôi vẹm xanh, các chủ nuôi đều có lãi, trung bình một hộ từ 5 - 10 triệu đồng/năm. Thấy nuôi vẹm xanh có kết quả tốt, Sở Thủy sản, Trung tâm Khuyến ngư… đã giúp đỡ về chuyên môn, khuyến khích người dân chuyển đổi ngành nghề, tạo điều kiện để bà con vay vốn ưu đãi đầu tư vào nuôi vẹm. Số hộ sống bằng nghề nuôi vẹm xanh tăng dần hàng năm, nhất là sau khi nhân rộng mô hình đến hộ dân cư. Năm 2002, có 20 hộ dân nuôi với 3.000 cọc, sản lượng đạt 25 tấn, đến năm 2003, có 50 hộ dân nuôi với 50.000 cọc, sản lượng đạt 450 tấn. Và đến nay, xã Ninh Ích đã có 304 hộ dân nuôi vẹm xanh. Mỗi hộ nuôi ít nhất 2.000 cọc và nhiều nhất là 21.000 cọc. Sau 1 năm thu hoạch, trung bình mỗi cọc thu được 10kg, trừ chi phí người dân còn lãi 45.000đ/cọc xi măng và 20.000đ/cọc cây. Hiện nay, vẹm giống không những đủ đáp ứng cho người nuôi tại chỗ mà còn xuất bán cho các địa phương khác trong tỉnh như: Vạn Ninh, thị xã Cam Ranh… Giá 1kg giống loại 1.000 - 1.100 con là 20.000đ, loại dưới 1.000 con là 18.000đ, giống càng lớn thì giá càng rẻ. 

Một trong những thôn nuôi vẹm xanh nhiều và đạt hiệu quả cao nhất là thôn Tân Đảo. Toàn thôn có 238 hộ dân, trong đó có 116 hộ dân nuôi vẹm xanh. Hiện những hộ dân này đời sống đã khá giả, hộ nào nhà cửa cũng khang trang. Người đầu tiên tôi gặp là anh Nguyễn Minh Tới - trước đây gia đình anh nuôi tôm đìa, bước đầu thu nhập ổn định, nhưng sau một thời gian thấy nuôi tôm không còn hiệu quả, năm 2002, gia đình anh chuyển sang nuôi vẹm xanh. Năm đầu tiên anh cắm 800 cọc, thấy nuôi vẹm có lãi, anh tăng số cọc lên hàng năm, và đến nay gia đình anh đã có 8.000 cọc. Mỗi năm như vậy, trừ chí phí gia đình anh còn lãi từ 50 - 60 triệu đồng, không kể tiền bán con giống. Anh tâm sự: “Năm đầu tiên nuôi vẹm đi bán không ai mua. Vì lúc đó, người dân chưa biết ăn con vẹm thế nào. Có hôm chở đi, rồi chở về cực lắm. Nhưng bây giờ thì đã khác, nhiều người dân đã biết ăn vẹm xanh nên tiêu thụ dễ hơn… So với nuôi tôm trước đây thì nuôi vẹm sướng gấp trăm lần vì nó ít rủi ro nên không phải suy nghĩ, tính toán nhiều. Mặt khác, nuôi vẹm không phải mất công chăm sóc, lợi nhuận vừa cao, lại vừa không cần nhiều nhân lực”. Anh là một trong những gia đình thuộc diện khá giả của thôn. Hiện anh đang có hướng mở rộng thêm số cọc nuôi vẹm.

Ông Nguyễn Công Toàn - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nuôi vẹm xanh kỹ thuật đơn giản nên mọi người dân có thể nuôi được. Mặt khác, vẹm xanh không đòi hỏi phải có nhiều vốn mới nuôi được vì nó vừa tự lọc nước tìm kiếm thức ăn, vừa không gặp rủi ro. Người nuôi chỉ bỏ tiền vốn đúc cọc, ngoài ra không phải mất một khoản chi phí nào khác mà hiệu quả kinh tế lại cao. Nói về hiệu quả kinh tế ông Toàn cho biết: “Việc phát triển nghề nuôi vẹm xanh từng bước đã nâng cao đời sống của ngư dân, không những xóa đói, giảm nghèo mà còn có khả năng làm giàu trong hiện tại và tương lai; góp phần giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm lao động tại chỗ. Đồng thời, nuôi vẹm xanh góp phần làm cân bằng sinh thái, tái tạo lại môi trường nguồn lợi hải sản trên đầm; ngăn chặn các hoạt động đánh bắt hải sản trái phép, vì khi đã cắm cọc nuôi vẹm thì không thể vào được khu vực này để đánh bắt”. Người dân ở đây đã chuyển từ đánh bắt nhỏ có thu nhập thấp và một số nghề cấm sang nghề nuôi vẹm xanh có thu nhập ổn định. Hiện những hộ dân nuôi vẹm xanh ở xã Ninh Ích không còn hộ đói. Hộ nào ít nhất 1 năm cũng thu hoạch được khoảng 15 - 20 triệu đồng, thậm chí có nhiều hộ thu hàng trăm triệu đồng.

Hiện vẹm xanh đang là con nuôi chủ lực ở xã Ninh Ích. Nó mang lại một cuộc sống khá giả cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, điều người dân băn khoăn là chưa có đầu ra ổn định cho vẹm xanh mà còn phải bán trôi nổi trên thị trường. Sự quan tâm lập kế hoạch đầu ra cho vẹm xanh của các ban ngành có liên quan lúc này là thật sự cần thiết để người dân yên tâm sản xuất.

CẨM VÂN