08:04, 17/04/2005

Thấp thỏm vào vụ tôm

Đến thời điểm này, người dân nuôi trồng thủy sản đã bắt đầu khởi động cho vụ nuôi tôm sú. Sau bao phen thất bát, hầu như không khí vào vụ tôm đang chùng xuống với bao trăn trở lo âu...

Nuôi tôm hùm lồng, một trong những thế mạnh về nuôi trồng thủy sản.

Đến thời điểm này, người dân nuôi trồng thủy sản đã bắt đầu khởi động cho vụ nuôi tôm sú. Sau bao phen thất bát, hầu như không khí vào vụ tôm đang chùng xuống với bao trăn trở lo âu. Liệu người nuôi tôm có tiếp tục trắng tay khi tâm trạng còn đang thấp thỏm vào vụ?

Không thể phủ nhận, trước năm 2000, nghề nuôi tôm sú ở các địa phương trong tỉnh là một đòn bẩy mạnh mẽ cho việc phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn. Liên tiếp những mùa bội thu, cuộc sống của những người nuôi tôm như thay da đổi thịt. 

Hiện nay, nghề nuôi tôm sú ở các địa phương trong tỉnh chỉ đạt khoảng 40% diện tích. Con số này cho thấy nghề nuôi tôm sú đang ở thời kỳ khó khăn nhất trong nhiều năm qua. Nhìn lại đầu ra của sản phẩm, người nuôi tôm sẽ không gặp trở ngại khi trên địa bàn tỉnh có tới 38 doanh nghiệp chuyên chế biến các mặt hàng thủy hải sản đông lạnh xuất khẩu. Khách quan mà nói, chính vì sự thờ ơ của các cơ quan chức năng khi không khuyến cáo kịp thời đến người nuôi tôm là rất đáng trách. Hầu hết diện tích vùng nuôi đều không được quy hoạch một cách chi tiết. Do mở rộng ồ ạt theo kiểu mạnh ai nấy lo, nên môi trường tại các vùng nuôi đều bị ô nhiễm nghiêm trọng. Thật mâu thuẫn khi đổ lỗi cho nguyên nhân thất bại xuất phát từ chất lượng con giống không đảm bảo. Bởi lẽ, từ trước tới nay, cùng một nguồn cung cấp, cùng nguồn nước vì sao con tôm những năm trước đây vẫn phát triển bình thường. Mặt khác, nếu người sản xuất không tuân thủ uy tín thì chính họ là người gánh chịu hậu quả. Không ít các cơ sở sản xuất giống đã phá sản chỉ vì sản xuất ra không có nơi tiêu thụ. Điều này vô tình đã đẩy người nuôi và người sản xuất cùng lúc chìm xuồng. Từ năm 2001 đến nay, toàn tỉnh đã sản xuất 18.218 triệu con tôm Post. Ngoài cung cấp cho các vùng nuôi tôm trong tỉnh, tôm Post giống ở Khánh Hòa đã có mặt ở hầu hết các vùng nuôi tôm trong cả nước. Theo đánh giá của Bộ Thủy sản, Khánh Hòa là một trong những Trung tâm sản xuất tôm Post giống có chất lượng.

Hầu hết đìa nuôi tôm ở Vạn Ninh đang bỏ hoang.

Theo những người nuôi trồng, nguyên nhân tôm bị bệnh dịch rồi chết hàng loạt là do chất lượng con giống và môi trường ô nhiễm. Suy cho cùng, môi trường vẫn là tác nhân chính quyết định sự thành bại của người nuôi tôm. Chất lượng con giống dù có đảm bảo, nhưng môi trường không tốt thì dịch bệnh vẫn có thể xảy ra. Không một chút vốn liếng kỹ thuật, chỉ bằng một chút kinh nghiệm sơ đẳng, người dân đã quá mạo hiểm khi tham gia nuôi tôm. Chính vì con số lãi quá cao, từ nuôi thâm canh người dân đã chuyển dần theo hướng nuôi công nghiệp. Từ chỗ không tuân thủ quy trình thời gian, đến nuôi thả mật độ quá dày, lượng thức ăn công nghiệp dư thừa và chất thải quá lớn đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Không ít hộ nuôi tôm, mặc dù tôm không bị bệnh dịch, khi thu hoạch vẫn không thể có lãi vì con tôm chậm phát triển. Do không am hiểu, người nuôi bắt đầu tăng số lượng, hàm lượng chất dinh dưỡng thức ăn gấp nhiều lần nên khấu hao vào chi phí quá lớn. Một nguyên nhân khác, ý thức bảo vệ môi trường của người nuôi còn nhiều hạn chế. Khi phát dịch, không thực hiện các khâu xử lý trước khi thải ra ngoài môi trường nên dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Ghi nhận của chúng tôi tại Vạn Ninh, Ninh Hòa, thị xã Cam Ranh và TP. Nha Trang người dân không còn mặn mà với nghề nuôi tôm sú. Hầu hết số diện tích đìa bị bỏ hoang là do các hộ gia đình không còn khả năng huy động vốn. Riêng số hộ đang tiếp tục thả nuôi chỉ vì hy vọng vớt vát chút đỉnh để trả nợ. Số lượng nuôi chỉ ở mức cầm chừng vì thấp thỏm nỗi lo trắng tay. Vấn đề người nuôi trồng luôn quan tâm là sự tiếp sức của các ngành chức năng, nhất là các nhà khoa học. Nếu có sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất giống, xử lý môi trường, nguồn thức ăn được sản xuất trong nước thì thiệt hại của người nuôi trồng không còn là chuyện đáng bàn.

Khi không còn hy vọng nhiều ở con tôm sú, người dân lại chuyển sang các mô hình khác như nuôi tôm hùm lồng, cá, cua, vẹm xanh, bào ngư… Vấn đề đặt ra ở đây là tính bền vững của các loài này kéo dài bao lâu khi vấn đề môi trường vẫn chưa tìm ra lời giải.

CHÂU AN KHÁNH