05:04, 17/04/2005

Năm 2005, nhiều dự án đầu tư nước ngoài lớn sẽ được cấp phép

Theo dự báo, năm 2005, nền kinh tế của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, thị trường được mở rộng. Việc thực hiện các cam kết của Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, Hiệp định tự do, xúc tiến và bảo hộ đầu tư với Nhật Bản...

Vốn đầu tư thực hiện trong năm 2005 sẽ đạt khoảng 3,1 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2004.

Theo dự báo, năm 2005, nền kinh tế của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, thị trường được mở rộng. Việc thực hiện các cam kết của Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, Hiệp định tự do, xúc tiến và bảo hộ đầu tư với Nhật Bản và việc chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, cũng sẽ đòi hỏi phải từng bước mở rộng lĩnh vực đầu tư và xoá bỏ phân biệt đối xử giữa đầu tư trong nước và nước ngoài.

Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Bộ kế hoạch và Đầu tư cho biết: Vốn đầu tư thực hiện trong năm 2005 sẽ đạt khoảng 3,1 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2004; trong đó vốn nước ngoài đưa vào khoảng 2,8 tỷ USD. Dự kiến doanh thu và xuất khẩu tăng hơn 20% so với năm trước do năng lực sản xuất của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài được mở rộng. Với nhiều doanh nghiệp mới và các dây chuyền đầu tư mở rộng bắt đầu hoạt động, tham gia thị trường. Bên cạnh đó, năm nay Việt Nam có thể thu hút khoảng 4,2 tỷ đến 4,5 tỷ USD vốn đăng ký mới.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết: trong năm 2005, nhiều dự án lớn về đầu tư nước ngoài sẽ được cấp phép. Trong đó có dự án xây dựng toà nhà 65 tầng ở Hà Nội trị giá 114 triệu USD, dự án sản xuất xe máy Yamaha ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long và dự án Poshung sản xuất giấy tại khu công nghiệp Đồng Nai trị giá 119 triệu USD…

Để đạt được mục tiêu trên, các ngành chức năng cần có những chính sách đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, môi trường đầu tư cần được cải thiện; quy hoạch ngành cần được điều chỉnh theo hướng nới lỏng hạn chế đối với đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục hoàn chỉnh luật và các văn bản dưới luật… nhằm tạo điều kiện thực hiện các cam kết trong điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết; đồng thời bảo đảm ổn định hệ thống pháp luật, không gây đảo lộn hoạt động đầu tư nước ngoài.

Ngoài nguồn vốn của ngân sách và vốn ODA, Việt Nam cần khuyến khích đầu tư tư nhân trong và ngoài nước vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng. Đặc biệt là các dự án giao thông, cảng biển, nhà máy điện, nước… Để làm được điều đó, Việt Nam phải đa dạng hoá hình thức đầu tư theo hướng nghiên cứu khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức gián tiếp, thông qua việc cho phép mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam; thành lập các doanh nghiệp cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài; thành lập công ty quản lý vốn… Đồng thời cần lựa chọn trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dự án quốc gia gọi vốn đầu tư nước ngoài đến năm 2010, bao gồm các dự án có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế cả nước.

Hơn thế nữa, các ngành chức năng cần đổi mới việc xúc tiến đầu tư trên cơ sở đa dạng hoá các hình thức và tập trung vào các địa bàn chiến lược, các dự án trọng điểm, đồng thời cần thực hiện có hiệu quả sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản và Việt Nam - Xingapo.

Khu vực đầu tư nước ngoài là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp lớn trong tổng GDP, tăng trưởng công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu. Hy vọng trong năm 2005, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sẽ ngày càng đa dạng và phát triển hơn nữa.

Theo VOV