07:04, 23/04/2005

Động lực mới trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

Những năm gần đây, tiến trình chuyển đổi DNNN tỉnh có những bước tiến vượt bậc. Trong giai đoạn 2003 - 2005, Khánh Hòa phải chuyển đổi hình thức sở hữu 30 DNNN...

Chế biến mực xuất khẩu ở Công ty Cổ phần Thủy sản Cam Ranh.

Những năm gần đây, tiến trình chuyển đổi DNNN tỉnh có những bước tiến vượt bậc. Trong giai đoạn 2003 - 2005, Khánh Hòa phải chuyển đổi hình thức sở hữu 30 DNNN. Nhưng chỉ sau 2 năm, tỉnh đã chuyển đổi 24 DN, bằng 80% kế hoạch (CPH 20 DN, bán cho người lao động 1 DN, chuyển 3 DN thành đơn vị sự nghiệp có thu). Nét nổi bật trong 2 năm chuyển đổi DNNN ở Khánh Hòa là đã xây dựng được 1 mô hình “Công ty mẹ - con” và xây dựng thí điểm Công ty TNHH một thành viên… Như vậy, số lượng DNNN phải chuyển đổi theo phê duyệt của Chính phủ thì năm 2005 chỉ còn 6 DNNN tiến hành CPH. Để ngày càng nâng cao hiệu quả SXKD, đồng thời giúp cho người lao động có việc làm ổn định, có trách nhiệm hơn với DN, tỉnh đã có bước điều chỉnh phương án sắp xếp, đổi mới DNNN theo hướng tăng số lượng DN CPH. Theo đề án sửa đổi, đến hết năm 2005, Khánh Hòa chỉ giữ lại 14 DNNN nên tỉnh chuyển đổi tất cả 16 DNNN. Trong đó, CPH toàn bộ 13 DN, CPH bộ phận 2 DN, chuyển sang mô hình đơn vị có thu 1 DN.

Nhìn lại quá trình chuyển đổi DNNN trong những năm qua, Khánh Hòa luôn là một trong những địa phương có tốc độ CPH khá so với nhiều tỉnh thành trong cả nước. Nhân tố để thúc đẩy các DNNN tự giác tập trung CPH là có lợi nhuận đáng kể trong SXKD sau khi CPH. Năng lực và hiệu quả SX của các DN tăng, tiếp nhận thêm lao động, cải thiện đời sống cho công nhân. Năm 2003, chỉ tính riêng 19 DNNN đã CPH trên 2 năm đều có lợi nhuận (trước thuế) bình quân đạt 24,5%, cổ tức chia bình quân đạt 13%/năm. Đặc biệt, có DN chia cổ tức xấp xỉ 50%/năm… Tư tưởng né tránh CPH đã được khắc phục trong lãnh đạo các DN.

Năm 2004, các DN đã có thêm một động lực mới để đẩy nhanh tiến độ CPH khi Chính phủ ra Nghị định 187 về “Chuyển công ty Nhà nước thành công ty CP và vấn đề CPH gắn với thị trường chứng khoán”. Trong đó đã khắc phục được những bất cập về công tác định giá và bán CP, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận được nguồn cổ phiếu. Đồng thời, DN cũng huy động được nhiều vốn hơn trước. Đây chính là động lực giúp các DN an tâm thực hiện chuyển đổi hình thức sở hữu, tạo ra sự đa dạng về đối tượng nắm giữ cổ phiếu. Theo ông Bùi Quang Hùng - Phó Giám đốc Điện lực Khánh Hòa: “Nghị định 187 giúp Nhà nước định giá được giá trị thực tài sản của DN; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà đầu tư bên ngoài DN tính toán, nghiên cứu để tham gia vào hoạt động DN, góp phần đề xuất phương thức quản lý DN, tạo điều kiện cho DN ngày càng phát triển”. Trước đây, mệnh giá mỗi cổ phiếu 100.000 đồng thì theo Nghị định 187, mệnh giá chỉ còn 10.000 đồng/cổ phiếu. Trước đây, người lao động được mua CP theo giá sàn với mức giảm giá 30% và chỉ được chuyển nhượng sau 3 năm sở hữu thì Nghị định 187 cho phép người lao động được mua CP theo giá đấu thành công bình quân với mức giá giảm 40% và được quyền tự do mua, bán, chuyển nhượng CP ưu đãi. Tất cả CP được bán rộng rãi chứ không còn bó hẹp như trước…

Những kết quả đạt được trong CPH DNNN ở Khánh Hòa cùng với động lực mới đang được thực hiện sẽ tạo điều kiện cho 16 DNNN tỉnh nhanh chóng thực hiện CPH trong năm 2005. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm hiện nay là việc cấp sổ sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất thuê gắn liền với tài sản mà các công ty CP đã mua chưa thống nhất làm các DN gặp khó khăn trong việc xác định giá trị tài sản để thế chấp vay vốn cũng như lập thủ tục đầu tư mở rộng SXKD sau CPH. Vấn đề này tỉnh đang kiến nghị với Trung ương để kịp thời tháo gỡ từng bước.

L.H.T