Chỉ tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2005 được xác định 4,5 tỷ USD. Kết thúc quý I, các nguồn vốn từ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đạt hơn 1,7 tỷ USD...
Chỉ tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2005 được xác định 4,5 tỷ USD. Kết thúc quý I, kể cả góp vốn cấp mới và vốn đăng ký mở rộng, các nguồn vốn từ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đạt hơn 1,7 tỷ USD, tăng xấp xỉ hai lần so cùng kỳ năm ngoái và đạt trên 30% chỉ tiêu năm 2005. Theo dự đoán của ngành chuyên trách, nếu tiến độ nói trên được duy trì, thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm nay có khả năng thực hiện trên 6 tỷ USD.
Đến hết quý I có 109 dự án của nước ngoài cấp phép đầu tư với tổng nguồn vốn đăng ký 1,31 tỷ USD, tăng hơn hai lần so cùng kỳ năm 2004. Hà Nội, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh là ba địa phương thuộc tốp dẫn đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Riêng Hà Nội, địa phương dẫn đầu của cả nước, thu hút được hơn 824 triệu USD.
Ngoài số dự án được cấp phép đầu tư lần đầu, cùng thời gian trên, còn có 72 dự án đầu tư từ các năm trước nay tiếp tục mở rộng đầu tư với nguồn vốn bổ sung thêm 422 triệu USD. Riêng chỉ tiêu này, so cùng kỳ năm ngoái, tăng hơn hai lần về số dự án và hơn 40% về tổng số vốn đầu tư mở rộng.
Tại Hà Nội, trong số những dự án mới được cấp phép đầu tư, trước hết phải kể đến hợp doanh điện thoại di động COMA có tổng số vốn đăng ký đầu tư lên đến gần 656 triệu USD. Đồng Nai thường xuyên thuộc tốp dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, mới đây địa phương này tạo thêm dấu ấn bằng cách "khai sinh" Công ty công nghiệp cổ phần Pousong (sản xuất giầy) vốn đầu tư nước ngoài 190 triệu USD.
Liên tục nhiều năm trước đây vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn nhất thuộc lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (gần 70% số dự án và gần 60% tổng số vốn). Để cân bằng sự phát triển và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, Chính phủ đưa ra chủ trương khuyến khích phát triển đầu tư lĩnh vực dịch vụ. Chủ trương mang tầm chiến lược nói trên đã trở thành hiện thực trong những tháng đầu năm 2005: Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dịch vụ chiếm hơn 65% trong tổng số vốn đăng ký. Nhiều năm trước đây các nước châu Âu gần như đứng ở tốp cuối thực hiện đầu tư ở Việt Nam, chiếm tỷ trọng hơn 15% số dự án và hơn 24% vốn đăng ký. Tỷ trọng nói trên đã thực sự có bước “nhảy vọt” trong những tháng đầu năm nay với gần 65% tổng số vốn đăng ký thuộc về các nước châu Âu. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước châu Âu đang từng bước hồi phục và phát triển theo truyền thống vốn có trước đây.
Đến hết quý I năm nay, sau hơn 15 năm thực hiện đầu tư nước ngoài, trên địa bàn cả nước hiện có hơn 6.000 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 60 tỷ USD. Nhiều tỉnh phía Nam, các thành phố lớn và một số tỉnh phía Bắc chiếm tỷ trọng cao nhất. Các nhà đầu tư nước ngoài đưa ra khuyến cáo rất đáng lưu ý: Cải cách thủ tục hành chính và miễn giảm một số chế độ tài chính là rất cần nhưng quan trọng hơn cả là tạo đủ cơ sở hạ tầng và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp được phát triển theo chủ trương của Chính phủ Việt Nam đã công bố.
Theo VOV