Giá trị gia tăng thấp là một trong những đặc điểm được các chuyên gia kinh tế đặc biệt nhấn mạnh khi nói về việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2001 - 2005.
Nhiệm vụ cấp bách là tăng giá trị nội địa trong sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. |
Hầu hết các chỉ tiêu giá trị sản xuất đều có thể đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra, song giá trị gia tăng thấp là một trong những đặc điểm được các chuyên gia kinh tế đặc biệt nhấn mạnh khi nói về việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2001 - 2005. Đây cũng chính là một trong khó khăn mà kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm tới sẽ phải đối mặt.
Theo những thông tin tổng hợp, dù mới có những báo cáo tình hình phát triển kinh tế của quý I năm 2005, song nhiều khả năng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, dịch vụ... đều có thể vượt kế hoạch đã được đề ra của giai đoạn 5 năm 2001 - 2005. Nhiều chỉ tiêu được dự báo là vượt mức kế hoạch, như chỉ tiêu về kim ngạch xuất khẩu, giá trị sản xuất công nghiệp, tỷ trọng công nghiệp trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP)... do những thuận lợi trong sản xuất - kinh doanh, sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp cũng như sự nổi lên của những mặt hàng xuất khẩu tiềm năng mới (sản phẩm gỗ, máy vi tính và linh kiện, sản phẩm nhựa...).
Tuy nhiên, một thực tế vẫn chưa được giải quyết là giá trị nội địa trong các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam quá thấp, mức độ phụ thuộc vào thị trường bên ngoài quá lớn (có ngành phụ thuộc tới 70 - 80%), khiến độ doãng giữa giá trị sản xuất và giá trị gia tăng trong các sản phẩm ngày càng lớn. Theo phân tích của ông Ngô Doãn Vịnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), với giá trị nội địa trong sản phẩm cơ khí xuất khẩu chỉ là 10%, điện tử 6%, trong ngành dệt 4%, thì khó có thể tạo ra được thế và lực bền vững cho các sản phẩm của Việt Nam.
Sự chao đảo của các sản phẩm dệt may Việt Nam khi mới đặt một chân vào thị trường không hạn ngạch là một minh chứng đáng lo ngại, bởi mặc dù ngành dệt may đã có định hướng tăng hàm lượng sản xuất, giảm gia công nhưng vẫn chưa thực hiện được. Một trong những lý do rất cũ là ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp sản xuất phụ tùng, phụ kiện... không được chú trọng đúng mức, khiến tính chủ động của nhiều ngành sản xuất rất kém. Bên cạnh đó, công nghệ thấp, chi phí cao, năng suất lao động thấp... tiếp tục được đánh giá là những lý do khiến các sản phẩm của Việt Nam luôn bấp bênh trong thế cạnh tranh yếu. Đơn cử, tỷ lệ tiêu hao 1 kwh điện trên 1 đồng GDP gia tăng của Việt Nam lên tới 1,1%, trong khi ở Trung Quốc chỉ là 0,4%, Nhật Bản là 0,2%. Tương tự, mức đóng góp của năng suất lao động trong một sản phẩm của Việt Nam chỉ là 62%, trong khi mức trung bình của các nước trong khu vực là 80%...
Trong khi đó, khoa học - công nghệ đáng ra phải là một trong những trọng tâm tham gia giải quyết rốt ráo các tồn tại về năng suất, công nghệ... thì dường như lại chưa tìm được sự liên kết hiệu quả trong mối quan hệ nhà khoa học - nhà nông - nhà doanh nghiệp mà các nhà kinh tế đang nỗ lực tạo dựng. Ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp đã phải đặt một câu hỏi rằng, trong tình hình mới hiện nay như giá xăng dầu lên thì doanh nghiệp phải giảm chi phí ở đâu, việc thay đổi công nghệ như thế nào để giảm suất tiêu hao năng lượng, tăng tỷ lệ tái chế... “Đây là câu hỏi lớn của 5 năm tới vì các nước trong khu vực, như Thái Lan, luôn có kế hoạch thay đổi công nghệ cho phù hợp với tình hình”, ông Doanh nói. Bên cạnh đó, những chi phí phát sinh do chất lượng các ngành dịch vụ thấp, do chất lượng dịch vụ công còn nhiều hạn chế... cũng có tác động không nhỏ tới chất lượng phát triển của các ngành sản xuất của Việt Nam.
Rõ ràng, đây không chỉ là những thách thức, mà thực sự là những bài toán khó cho giai đoạn phát triển kinh tế những năm tới đây. Bởi, theo các chuyên gia kinh tế, khi đặt những thực tế này vào bối cảnh mới của giai đoạn 2006 - 2010 là hội nhập sâu, cạnh tranh toàn diện, sự xuất hiện của mặt bằng giá mới trên thị trường thế giới... thì những thách thức trên rất có thể sẽ trở thành lực cản đối với chất lượng phát triển nếu không có những giải pháp hiệu quả và mạnh mẽ.
Vietnam Investment Review