Ngày 5-4, Ngân hàng (NH) Ngoại thương (Vietcombank) tăng lãi suất huy động tiền đồng và USD, ngay sau đó các NH khác cũng tăng theo. Cuộc đua tăng lãi suất của các NH đang hấp dẫn người gửi tiền. Nhưng lãi suất nào...
Ngày 5-4, Ngân hàng (NH) Ngoại thương (Vietcombank) tăng lãi suất huy động tiền đồng và USD, ngay sau đó các NH khác cũng tăng theo. Cuộc đua tăng lãi suất của các NH đang hấp dẫn người gửi tiền. Nhưng lãi suất nào: VND hay USD hấp dẫn hơn?
Ngày 5-4, Vietcombank tăng lãi suất huy động tiền đồng với mức tăng 0,36 – 0,96%/năm và USD với mức tăng 0,2 – 0,4%/năm. Đây là lần tăng lãi suất thứ ba của Vietcombank từ đầu năm đến nay. Ngay sau đó, ngày 7-4, NH TMCP Xuất Nhập khẩu cũng tăng lãi suất huy động tiền đồng và USD. Từ đây, cuộc đua tăng lãi suất huy động giữa các NH bắt đầu và thực sự hấp dẫn hơn khi các NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Á Châu (ACB), NHTM Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long, NHTM Đầu tư - Phát triển… cũng vào cuộc.
* Sức ép nào buộc các NH phải tăng lãi suất?
Theo các NH, việc tăng lãi suất cả hai đồng tiền trên xuất phát từ một nguyên nhân cơ bản. Đó là chính sách tăng lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn của NH Nhà nước từ ngày 1-4.
Từ 1-4, NH Nhà nước đã tăng 0,5% lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn, lần lượt lên mức 4% và 6%. Mục đích của chính sách này là để “hích” các NHTM nỗ lực hơn trong việc hút vốn nhàn rỗi từ dân cư, hút bớt lượng tiền mặt trong lưu thông. Nhưng trên thực tế, các NH đang chịu một sức ép lớn hơn buộc phải tăng lãi suất VND. Đó là cuối tháng 3-2005, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lại một lần nữa tăng lãi suất USD, lên 2,75%/năm và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng nữa. Lý do này đã khiến lãi suất thương mại trên thị trường thế giới vượt lên trên 3% và lãi suất tiết kiệm USD ở trong nước cũng vì thế tăng theo, lên đến 3,4%/năm (tăng gần gấp đôi). Lãi suất USD tăng trong khi lãi suất VND không thay đổi đã dẫn đến chuyện người dân chuyển sang gửi tiền bằng USD. Dự báo FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất USD đã gây sức ép buộc các NH phải tăng lãi suất VND để giữ chân người gửi tiền VND.
Ngoài ra, nhu cầu vay vốn của xã hội trong những tháng đầu năm luôn ở mức cao cũng là một trong những lý do buộc các NH phải điều chỉnh lãi suất để đẩy mạnh huy động vốn.
Ảnh minh họa. |
* Gửi tiền VND hay USD?
Vừa qua, do lãi suất USD hấp dẫn hơn lãi suất VND nên người gửi tiền có xu hướng chuyển từ gửi tiết kiệm bằng tiền đồng sang USD. Nay lãi suất VND tăng cao, đặt ra cho người gửi tiền những tính toán mới. Gửi tiền VND hay USD, cái nào hấp dẫn hơn?
Theo ông Đoàn Vĩnh Tường, Giám đốc Chi nhánh NH Nhà nước tỉnh, trong bối cảnh lãi suất VND tăng như hiện nay thì giữ và gửi tiết kiệm bằng VND là có lợi nhất. Bởi ngoài lãi suất VND tăng, người gửi tiền còn được hưởng các chương trình khuyến mãi, trúng thưởng, tặng thêm tiền… do các NH tổ chức. Ngoài ra, mục tiêu của Chính phủ và NH Nhà nước là không để tình trạng “đô la hoá” xảy ra lần nữa; nguồn vốn tiền đồng phải ổn định và phát triển. Đồng thời, tới đây, Chính phủ sẽ cho phát hành một số trái phiếu với lãi suất hấp dẫn. Vì vậy, gửi tiền bằng VND là kênh đầu tư hiệu quả và an toàn.
NGUYỄN LÊ NGUYÊN