Trên tạp chí kinh doanh "Business Week" (Mỹ) số mới nhất có bài viết của nhà báo Frederik Balfour từ TP. Hồ Chí Minh về đánh giá triển vọng môi trường đầu tư tại Việt Nam từ góc độ của các nhà đầu tư nước ngoài...
Các mặt hàng chủ lực như cà phê, thủy sản, giày Nike, hàng dệt may xuất khẩu sang Mỹ đã tăng gấp 4 lần. |
Trên tạp chí kinh doanh "Business Week" (Mỹ) số mới nhất có bài viết của nhà báo Frederik Balfour từ TP. Hồ Chí Minh về đánh giá triển vọng môi trường đầu tư tại Việt Nam từ góc độ của các nhà đầu tư nước ngoài. Bài báo cho biết, cuối tháng 3-2005, Tập đoàn xuất bản và nghiên cứu thị trường công nghệ International Data Group Inc. (IDG) có trụ sở chính tại Boston, Mỹ đã khai trương công ty IDG Ventures Vietnam (IDGVV) với số vốn 100 triệu USD và công bố 2 khoản đầu tư ban đầu vào các công ty phần mềm ở Việt Nam. IDG không phải là tập đoàn duy nhất phát hiện ra tiềm năng của Việt Nam. 18 tháng qua, nguồn vốn đầu tư mới đã ùn ùn đổ vào Việt Nam. Quỹ phát triển Việt Nam (Vietnam Growth Fund Ltd., được niêm yết tên tại thị trường chứng khoán Dublin, Ailen), do Công ty Dragon Capital Ltd. có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh quản lý, đã tăng vốn đầu tư thêm 60 triệu USD, trở thành nhà đầu tư tư nhân lớn nhất ở Việt Nam, với số vốn 200 triệu USD. Quỹ cơ hội Việt Nam (VOF) (được niêm yết tên tại thị trường chứng khoán Luân Đôn) đã tăng vốn đầu tư thêm 37 triệu USD kể từ năm 2003 và đang có kế hoạch đầu tư thêm 45 triệu USD...
Các nhà đầu tư đều có nhận xét rằng môi trường đầu tư tại Việt Nam giờ đã được cải thiện hơn rất nhiều so với hồi giữa những năm 90. Chính phủ đã dẹp bỏ những trở ngại đối với khu vực tư nhân, điều chỉnh nhiều quy định và đang đẩy nhanh tiến trình tư nhân hóa. Nền kinh tế Việt Nam trong 4 năm qua đều đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm hơn 7% và thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên 540 USD, gấp đôi so với 10 năm trước. Năm 2004, chính phủ đã cấp phép cho các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn 4,2 tỷ USD, ngang với Trung Quốc nếu tính theo tỷ lệ phần trăm trong tổng sản phẩm quốc nội.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, trong đó các mặt hàng chủ lực như cà phê, thủy sản, giày Nike, hàng dệt may, đã tăng gấp 4 lần (đạt gần 7 tỷ USD/năm) kể từ khi Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ có hiệu lực năm 2001. Tốc độ phát triển chắc chắn sẽ còn tăng hơn nữa khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mục tiêu là cuối năm nay.
Theo VOV