Quý I/2005, sản xuất công nghiệp (SXCN) tỉnh Khánh Hòa chỉ tăng 15,5%. Đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nhiều người sốt ruột đặt câu hỏi:
Giữ vững tốc độ, quy mô tăng trưởng công nghiệp đang là vấn đề được đặt ra rất cấp bách. |
Quý I/2005, sản xuất công nghiệp (SXCN) tỉnh Khánh Hòa chỉ tăng 15,5%. Đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Như vậy là hậu quả của việc thu hút đầu tư chậm, ít nhất là trên lĩnh vực CN, đã thể hiện ngày càng rõ nét. Như dự báo từ trước, nếu không được đầu tư đưa vào năng lực sản xuất mới, mức tăng trưởng CN năm 2005 sẽ khó bảo đảm như các năm trước. Bởi năng lực sản xuất CN toàn tỉnh hiện có gần như đang ở mức kịch trần, đang chạy hết công suất. Nếu như quý I/2004, SXCN tăng 23,9% thì quý I/2005 chỉ còn tăng 15,5%. Đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Điều này khiến nhiều người lo ngại. Vì nhiệm vụ tăng trưởng CN trong năm 2005 được xác định là 20%.
Có thể thấy nguyên nhân sâu xa của việc chững lại nói trên là do sự hẫng hụt về đầu tư tăng thêm năng lực sản xuất của ngành CN vài năm trước đây. Mà sự hẫng hụt này lại xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nhiều nguyên nhân quan trọng như cơ sở hạ tầng của Khánh Hòa chưa bảo đảm, đơn cử như chưa có cảng container; chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư chưa thật sự hấp dẫn; công tác cải cách hành chính trong thu hút đầu tư chưa thông thoáng…
Trở lại vấn đề tăng trưởng CN, trên thực tế, quý I/2005, nhiều sản phẩm CN có mức tăng rất cao, như muối hạt tăng 88,9%, xi-măng tăng 21,5%, cát xuất khẩu tăng 16,8%, nước khoáng tăng 16,4%… Nhưng, tỷ trọng các sản phẩm này trong cơ cấu tổng sản lượng của ngành CN lại không lớn. Trong khi đó, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, quý I/2005, những “ông lớn” chiếm tỷ trọng cao trong ngành như Tổng Công ty Khánh Việt (KHATOCO), Công ty TNHH Nhà máy Tàu biển Hyundai - Vinashin, Công ty Đường Khánh Hòa… lại có mức sản xuất tăng không cao. Mức tăng thấp của những “đầu tàu” ấy đã kéo mức tăng chung toàn ngành xuống một cách dữ dội. Và, điều này cho thấy, một lần nữa vấn đề đầu tư mới để tăng thêm năng lực sản xuất của ngành CN được đặt ra hết sức bức thiết, vừa có tính chất cấp bách vừa có tính chất lâu dài.
Ngành dệt. |
Trước tình hình trên, nhiều người sốt ruột đặt câu hỏi: Liệu quý II/2005 sẽ thế nào, và làm thế nào để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng CN - một chỉ tiêu rất quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2005? Được biết, trong kế hoạch quý II, mức sản xuất của KHATOCO, đặc biệt là thuốc lá điếu (ngành hàng được coi là chủ lực của KHATOCO) sẽ tăng. Cũng từ tháng 4 này, một tin mừng là Hyundai - Vinashin bắt đầu thực hiện hoán cải 5 chiếc tàu vận chuyển ô tô. Công ty Đường Khánh Hòa tiếp tục đẩy mạnh sản xuất. Cạnh đó, ở nhiều thành phần kinh tế khác, sau những ngày vui Tết, đón Xuân các DN đã bắt đầu tăng tốc. Như vậy, có thể tin rằng, sản lượng CN quý II sẽ có mức tăng cao hơn quý I.
Hiện đang có nhiều dấu hiệu đáng mừng cho ngành CN, trong đó có nhiều dự án lớn về SXCN đang được xúc tiến triển khai. Có thể ví dụ như dự án Nhà máy Xi-măng Nghi Sơn đầu tư vào KCN Ninh Thủy; dự án lắp ráp xe gắn máy đầu tư ở Vạn Ninh… Song có một công việc mà chúng ta không bao giờ được phép xao lãng là luôn phải tạo ra được sự cuốn hút hấp dẫn, hiệu quả trong đầu tư nâng cao năng lực sản xuất của ngành CN.
PHONG NGUYÊN