03:08, 05/08/2004

Nguồn nhân lực - Chìa khóa của du lịch Khánh Hòa

Với biển xanh mênh mông sóng, mênh mông gió và ngập tràn nắng; với núi cao, thác đổ, suối chảy hiền hòa; với làng chài nơi đầu sông cửa biển, di tích chiến tranh, di tích lịch sử đan xen...

Khu du lịch Thủy cung Trí Nguyên, Nha Trang.

Với biển xanh mênh mông sóng, mênh mông gió và ngập tràn nắng; với núi cao, thác đổ, suối chảy hiền hòa; với làng chài nơi đầu sông cửa biển, di tích chiến tranh, di tích lịch sử đan xen, Khánh Hòa mời gọi và là điểm đến hấp dẫn của du khách từ khắp nơi trên thế giới và từ mọi miền của đất nước. 5 năm trở lại đây, du khách đến Khánh Hòa ngày một tăng, đặc biệt từ năm 2000 đến nay, số lượng khách tăng nhanh với tốc độ khoảng 15 - 16% năm, số ngày lưu trú của khách đạt mức 2,4 ngày. Để khai thác được thế mạnh về du lịch, nhiều năm qua, tỉnh đã và đang đầu tư rất lớn cho cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Dự án cầu cảng Dốc Lết, cầu cảng Đầm Môn, tuyến đường Cổ Mã - Đầm Môn vào khu du lịch Vân Phong, đường lên khu du lịch Hòn Bà, đại lộ Nguyễn Tất Thành từ Nha Trang đi sân bay Cam Ranh và khu du lịch Bãi Dài… là chiếc cầu nối Khánh Hòa gần hơn với du khách trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung tạo lập cơ sở vật chất phục vụ du lịch mà không có chiến lược phát triển nguồn nhân lực đồng bộ thì việc đầu tư sẽ giảm hiệu quả. Có thể nói, phát triển nguồn nhân lực chính là chìa khóa của sự thành công.

Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực của ngành dịch vụ du lịch còn rất thiếu và yếu. Hiện nay, các khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ mát cao cấp kinh doanh thành công, hầu như giám đốc điều hành và nhân viên quản lý đều phải thuê người nước ngoài với tiền lương và các khoản chi phí rất cao. Các nhà quản lý và nhân viên trong nước chưa đủ trình độ để quản lý và điều hành những khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ mát cao cấp này, còn lực lượng lao động đã qua đào tạo chuyên môn về du lịch lại rất ít, ngoại ngữ và trình độ phục vụ của nhân viên chưa mang tính chuyên nghiệp cao. Hầu hết các nhà đầu tư khi đầu tư vào kinh doanh dịch vụ du lịch thường phải chi phí khá nhiều về tài chính và thời gian cho công tác tự đào tạo tại cơ sở, song kết quả vẫn hạn chế về nhiều mặt. Để nâng cao trình độ ngoại ngữ và chuyên môn, ngoài việc tổ chức những khóa đào tạo liên tục tại khu nghỉ mát, khách sạn ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, các nhà đầu tư còn gửi nhân viên của mình đi đào tạo tại một số nước như New Zealand, Australia, Trung Quốc, Thụy Sĩ, Thái Lan… Đơn cử trong thời gian qua, Khánh Hòa mới chỉ có 3 nhà đầu tư tổ chức tuyển dụng nhân viên cho 3 khách sạn và khu nghỉ mát cao cấp là VinPearl, Sunrise, Ninh Vân mà chỉ có một số ít lao động đáp ứng được yêu cầu. Số lao động này chủ yếu từ các khách sạn Ana Mandara, Yasaka-Saigon-Nhatrang, Nha Trang Lodge muốn thay đổi môi trường làm việc nên tham gia tuyển dụng. Hầu hết số còn lại các nhà đầu tư phải tự tổ chức đào tạo hoặc cử đi TP. Hồ Chí Minh đào tạo. Không chỉ các khu nghỉ mát, khách sạn thiếu lao động có tay nghề, mà các công ty lữ hành cũng khá vất vả khi tìm những hướng dẫn viên “cứng”. Mới chỉ xét riêng về trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Pháp, Nhật, Đức… số hướng dẫn viên thông thạo những thứ tiếng này chỉ chiếm khoảng từ 5 - 12% tổng số trên 5.000 hướng dẫn viên được cấp thẻ, trong khi yêu cầu đối với một hướng dẫn viên du lịch không chỉ là ngoại ngữ, kiến thức về các điểm du lịch, văn hóa, mà còn phải có một số nghiệp vụ du lịch khác.

Nhu cầu nhân lực được đào tạo cơ bản về chuyên môn và ngoại ngữ của ngành du lịch nói chung và của Khánh Hòa nói riêng là rất lớn, nhưng nguồn cung cấp lại rất hạn chế do công tác đào tạo nhân lực cho ngành chưa được thực hiện đồng bộ với chiến lược phát triển ngành. Ở Khánh Hòa, việc đào tạo nhân lực cho ngành dịch vụ du lịch mới được tổ chức tại trường Trung học Kỹ thuật và Nghiệp vụ và trường Trung học Văn hóa nghệ thuật (VHNT - nay là trường Cao đẳng VHNT và Du lịch Nha Trang). Tuy nhiên, việc đào tạo tại các trường này tồn tại rất nhiều vấn đề: Quy mô đào tạo còn manh mún (vì đây là những trường đào tạo đa nghề và du lịch là một nghề mới của các trường này nên số lượng không nhiều), chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Cơ cấu đào tạo chưa hợp lý, mới chỉ đào tạo theo diện rộng, chưa đào tạo chuyên sâu. Cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập ở các trường còn nghèo nàn, thiếu phương tiện dạy học, nhất là các phương tiện giảng dạy hiện đại và phương tiện thực hành của học sinh. Các trường đều chưa có khách sạn, nhà hàng để học sinh vừa học vừa thực hành. Kinh nghiệm đào tạo chưa nhiều; chưa có đủ cán bộ giảng dạy có chất lượng và kinh nghiệm cho việc đào tạo chuyên sâu, đặc biệt là đào tạo cán bộ quản lý, điều hành và hướng dẫn viên du lịch giỏi… Với những tồn tại nêu trên, việc đào tạo tại các trường này không thể đáp ứng được yêu cầu về nhân lực cho các khu nghỉ mát, khách sạn cao cấp mà Khánh Hòa đã có và đang xây dựng tại Nha Trang, Vân Phong, Bãi Dài… (chỉ tính riêng khu du lịch Bãi Dài đến năm 2010 phải sử dụng khoảng 3.200 lao động được đào tạo cơ bản, giỏi ngoại ngữ). Đây là một trong những thách thức đối với ngành du lịch Khánh Hòa.

Giải quyết những tồn tại về nguồn nhân lực phục vụ du lịch vừa là vấn đề cấp bách trước mắt vừa là vấn đề mang tính chiến lược của Khánh Hòa. Mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2010, ngành du lịch sẽ có 100% cán bộ công nhân viên được đào tạo kiến thức cơ bản về du lịch, trong đó 50% được đào tạo đạt trình độ chuyên sâu theo tiêu chuẩn quốc tế” chỉ có thể đạt được khi Khánh Hòa có một trường chuyên đào tạo nghề du lịch. Sự ra đời của một trường đào tạo nghề du lịch tại Khánh Hòa sẽ đáp ứng nhu cầu cấp bách về nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và ngoại ngữ giỏi không chỉ cho Khánh Hòa mà còn góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực có chất lượng cao tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Thạc sĩ NGUYỄN THÁI NHẠN