Nhiều năm nay, cứ vào vụ thu hoạch rộ là trái cây rớt giá thê thảm, bán tháo bán đổ. Từ chỗ bức xúc, nhà vườn, cơ quan quản lý nhà nước lẫn người tiêu dùng đã trở nên quen thuộc...
Cứ vào vụ thu hoạch rộ là trái cây rớt giá thê thảm. |
Nhiều năm nay, cứ vào vụ thu hoạch rộ là trái cây rớt giá thê thảm, bán tháo bán đổ. Từ chỗ bức xúc, nhà vườn, cơ quan quản lý nhà nước lẫn người tiêu dùng đã trở nên quen thuộc và chấp nhận tình trạng này như một thực tế không thể xoay chuyển nổi.
Trái cây, vì vậy, đành chịu đựng số phận trôi nổi, dù sứ mạng của nó là phải đem về cho đất nước 1 tỷ USD xuất khẩu vào năm 2010, theo kế hoạch mà Chính phủ đã giao cho ngành nông nghiệp.
Xuất khẩu trái cây tươi ngày càng giảm
Thật bất ngờ khi mới đầu vụ thu hoạch (6-2004), nhưng giá trái cây lại rớt thảm hại. Ở các chợ, từ chợ thành đến chợ quê, trái cây bày bán la liệt, giá cả rớt đến nỗi người mua còn thấy ngại. Tại TP.Hồ Chí Minh, trái cây được bán khắp các đầu đường, ngõ hẻm, theo giá thuận mua vừa bán, nhưng chung quy hầu hết các loại đều không quá 10.000đ/kg.
Tại ĐBSCL, giá sầu riêng từ 25.000đ/kg giảm xuống chỉ còn 6.000đ - 7.000đ/kg; xoài cát Hòa Lộc, chôm chôm cũng chung số phận tụt giá từ 50% - 300% so với hồi đầu tháng 5-2004.
Anh Trần Hùng, tài xế xe tải Bắc - Nam cho biết thêm: “Mùa này đi trái cây cực lắm, nhiều khi ra tới Lạng Sơn, đụng hàng hoặc rớt giá là nằm đó muốn khóc. Lỗ một chuyến, lời 2, 3 chuyến không bù được”.
Hiện nay, diện tích cây ăn trái của cả nước khoảng 450.000 ha với sản lượng 5,1 triệu tấn. Chỉ tính riêng Nam bộ, diện tích cây ăn trái hiện nay vào khoảng 340.000 ha, cho sản lượng khoảng 4 triệu tấn, chưa kể vùng duyên hải Bắc Trung bộ, đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc.
Với diện tích trên, tổng sản lượng trái cây Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Lẽ ra, Việt Nam phải là một nước xuất khẩu trái cây mạnh, tuy nhiên, nhìn vào biểu đồ kim ngạch xuất khẩu trái cây, có thể hình dung ngay được sự tụt hậu đáng cảnh báo: Năm 2001, kim ngạch xuất khẩu rau quả (chủ yếu là trái cây) của cả nước đạt 330 triệu USD, năm 2002 xuống còn 220 triệu USD và năm 2003 là 182,5 triệu USD và năm 2004 chưa có dấu hiệu khả quan.
Thương hiệu cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến tình hình xuất khẩu trái cây đang “tụt dốc”, lợi nhuận đã bị san sẻ cho doanh nghiệp nước ngoài vì phải “mượn tên” của họ.
Trái thanh long là một ví dụ. Dù chất lượng được công nhận là số 1 ở khu vực, nhưng nhiều doanh nghiệp ở Long An và Tiền Giang khi xuất khẩu sang Đài Loan đã phải dán nhãn hiệu bằng chữ của họ. Thương hiệu trái cây Việt Nam trên thị trường thế giới còn rất mờ nhạt.
Canh tác theo phong trào
Trồng cây gì, bán được không và bán cho ai, với giá nào là nỗi lo cầm canh của nhà vườn. Theo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế, một phần lớn diện tích đất canh tác đã chuyển từ trồng lúa, mía sang trồng cây ăn trái. Họ nghe thông tin từ tất cả mọi nguồn, cây gì bán được thì mua giống về trồng.
Ông Nguyễn Văn Chiến ở Mỏ Cày (Bến Tre), nhà có 4 công đất mía, vụ vừa rồi thất quá, ông đã chuyển sang trồng sơ-ri. Thế là cả xóm theo ông trồng… sơ-ri. Điều này cũng giống như những năm trước, dân Tiền Giang, Vĩnh Long đổ xô đi trồng nhãn, hay các trang trại ở Long Khánh (Đồng Nai) đua nhau trồng chôm chôm. Sản lượng và chất lượng trái cây hàng hóa đều kém, hạn chế khả năng cạnh tranh ngay trong thị trường nội địa chứ chưa nói đến chế biến xuất khẩu.
Một nguyên nhân khác nữa dẫn đến tình hình ế ẩm và bi đát của trái cây hiện nay là chưa hình thành được các vùng chuyên canh. Cả nước có 27 vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, nhưng chỉ có vài vùng chuyên canh như thanh long (Bình Thuận), nho (Phan Rang), vải thiều (Lục Ngạn - Bắc Ninh), vú sữa (Vĩnh Kim)… còn hơn 25% diện tích là vườn tạp, nông dân tùy tiện trồng rất nhiều loại giống dẫn đến tình trạng sản xuất manh mún nhỏ lẻ.
Ai cũng thấy rõ điều đó nhưng cách nào để quy hoạch lại thì chẳng biết bắt đầu từ đâu. Các loại trái cây như xoài cát Hòa Lộc, nhãn xuồng cơm vàng… mà không được quy hoạch trồng trên diện tích lớn, thì không thể thành sản phẩm hàng hóa để phục vụ tiêu dùng nội địa hay xuất khẩu. Nếu không có quy hoạch trồng cây gì, trồng ở đâu thì nhà vườn không có định hướng cần thiết để tạo một vùng sản xuất hàng hóa lớn.
Hệ thống tiêu thụ hàng nông sản trong nông dân hiện nay chủ yếu dựa vào tập quán: nông dân - chợ. Cả miền Tây chưa thiết lập được một chợ bán - buôn tầm cỡ nào, ngoài chợ đầu mối trên sông (Phong Điền và Cái Răng), nhưng chủ yếu vẫn là trái cây tươi. Hệ thống các HTX, tổ sản xuất trái cây… chỉ đếm được trên đầu ngón tay, dù những năm qua ngành thương mại các tỉnh ĐBSCL cũng lên kế hoạch xây dựng các chợ trái cây đầu mối.
Nổi đình nổi đám nhất trong phong trào xây chợ trái cây đầu mối là Tiền Giang, nơi được mệnh danh là “vương quốc trái cây”. Tại tỉnh này, ngoài Trung tâm Thương mại trái cây quốc gia trị giá hơn 92 tỉ đồng được đầu tư xây dựng với quy mô gần 12 ha ở xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, còn có các chợ trái cây đầu mối Long Trung, (huyện Cai Lậy), Vĩnh Kim (huyện Châu Thành), Thạnh Trị (phường 4, TP Mỹ Tho).
Hiện tại, Trung tâm Thương mại trái cây quốc gia Hòa Khánh chỉ mới hoàn thành phần xây dựng hạ tầng, chợ trái cây đầu mối Vĩnh Kim và Thạnh Trị mới triển khai thi công. Mới đây UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt dự án xây dựng chợ trái cây đầu mối tại xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh.
Tại Bến Tre, UBND tỉnh cũng quyết định đầu tư 9,3 tỉ đồng từ nguồn vốn “phát triển chợ đầu mối” của Trung ương để xây dựng chợ trái cây Lương Quới (huyện Giồng Trôm). UBND TP Cần Thơ cũng đồng ý cho xây dựng chợ trái cây đầu mối tại An Bình (TP Cần Thơ)… Hiện nay, khắp thôn quê phố phường, vẫn còn có bóng dáng những xe đẩy trái cây với biển đề “đại hạ giá”!
Theo Sài Gòn Giải Phóng