Trước đây người dân thôn Xuân Tự (Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) nuôi tôm với số lượng lớn, mật độ cao. Thức ăn của tôm dư thừa bị thối rữa, gây nên...
Trại nuôi vẹm trên đầm Nha Phu. |
Trước đây người dân thôn Xuân Tự (Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) nuôi tôm với số lượng lớn, mật độ cao. Thức ăn của tôm dư thừa bị thối rữa, gây nên tình trạng hàng trăm héc-ta diện tích mặt nước gần bờ bị ô nhiễm, tôm chết hàng loạt. Người dân đã phải dời lồng nuôi ra xa để nuôi trồng. Nhiều người đã chuyển hẳn sang làm nghề khác.
Trăn trở về tình trạng đó, chị Phạm Thị Dự cùng tổ nghiên cứu ở Viện Hải Dương học Nha Trang đã nghiên cứu đề tài: “Dùng vẹm xanh làm thức ăn cho tôm và tìm hiểu khả năng phát triển - cải tạo môi trường của vẹm xanh trong khu vực nuôi tôm hùm lồng ở thôn Xuân Tự”. Được sự hướng dẫn của Viện Hải Dương học Nha Trang, bà con thôn Xuân Tự rất hăng hái tham gia nuôi tôm hùm lồng lồng ghép nuôi vẹm xanh. Ông Nguyễn Văn Chim là người đầu tiên của thôn Xuân Tự, được Viện Hải Dương học chọn nuôi thí điểm vẹm xanh lồng ghép tôm hùm nhằm cải tạo môi trường, nguồn nước. Ông được Viện cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, nuôi thử nghiệm 3 lồng theo mô hình mới.
Các lồng tôm được thả xuống biển với độ sâu 5 - 6m. Những lồng tôm hùm thả nuôi được bao quanh bởi những dây vẹm treo xung quanh. Nuôi tôm, thức ăn thừa, chất thải của tôm ở trong nước khá cao, làm tăng độ Fecal coliform ở tầng mặt và trong trầm tích. Mật độ vi sinh vật phù du, chất hữu cơ trong nước làm tầng trầm tích và tầng đáy bị ô nhiễm. Nắm bắt được điều đó, Viện đã nghiên cứu cách nuôi vẹm xanh để ăn chất thải và những vi sinh vật phù du, làm sạch nguồn nước. Qua 6 tháng thả nuôi, vẹm xanh của ông Nguyễn Văn Chim đã cho thu hoạch, lãi trên 3 triệu đồng. Ông cho biết: Nếu giá vẹm xanh trên thị trường cao thì bán, giá thấp sẽ dùng làm thức ăn cho tôm thay cho cá tạp. Bởi chất lượng vẹm làm thức ăn cho tôm không kém cá tạp, lại không gây ô nhiễm môi trường, vì tôm ăn bằng cách tách đôi hoặc bẻ gãy con vẹm để lấy thức ăn, không dư thừa, không gây ô nhiễm môi trường. Tôm ăn vẹm có tỷ lệ sống cao.
Nhiều tài liệu cho biết: Một con vẹm có thể lọc được 60 lít nước/ngày. Vùng mặt nước đầm Bến Gỏi, xã Vạn Hưng có nhiều vi sinh vật độc hại như: Vibrio, Feacal coliform, những vi sinh vật này gây bệnh cho các khu vực nuôi trồng thủy sản và khả năng lây nhiễm của chúng rất cao. Ngoài ra, rác, phân… từ sinh hoạt của con người là nguồn gây ô nhiễm cho môi trường, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của con tôm. Nhờ khả năng lọc nước, vẹm xanh khi được nuôi ghép với tôm hùm đã cải tạo được môi trường nuôi. Như vậy nuôi vẹm xanh rất hữu hiệu, vừa cải tạo môi trường, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Đây là một hướng đi mới cho người nuôi trồng thủy sản hiện nay.
NGUYỄN XUÂN TUẤN