Từ 1-7-2004, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ xây dựng thị trường điện lực cạnh tranh với mức độ thấp, bắt đầu từ khâu phát điện...
Thị trường điện lực cạnh tranh sẽ thực hiện từ 1-7-2004 bắt đầu bằng khâu phát điện. (Ảnh Nhà máy Thủy điện Hòa Bình). |
Từ 1-7-2004, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ xây dựng thị trường điện lực cạnh tranh với mức độ thấp, bắt đầu từ khâu phát điện.
Theo EVN, thị trường điện lực cạnh tranh sẽ gồm 3 giai đoạn.
Giai đoạn đầu là thị trường phát điện cạnh tranh: Các công ty phát điện sẽ phải cạnh tranh với nhau để bán điện cho EVN. Để tăng mức độ cạnh tranh, tạo sự lựa chọn cho các công ty phát điện, EVN dự kiến sẽ cho phép các công ty phát điện (ngoài EVN) được bán điện trực tiếp đến một cụm các khách hàng trên một khu vực địa lý hành chính. EVN sẽ cho các công ty này thuê lưới truyền tải, phân phối và chỉ phải trả chi phí quản lý, đầu tư.
Giai đoạn 2 là thị trường bán buôn điện cạnh tranh: Sẽ đưa cạnh tranh vào khâu phát điện ở mức cao hơn. Các công ty điện lực và các khách hàng mua điện lớn sẽ tham gia mua điện trên thị trường và được quyền lựa chọn nhà cung cấp cho mình.
Giai đoạn 3 là thị trường điện bán lẻ cạnh tranh: Đây là giai đoạn phát triển cao nhất của mô hình thị trường điện cạnh tranh. Ngoài các công ty phát điện, các công ty phân phối, bán lẻ đều phải cạnh tranh để bán điện. Tất cả các khách hàng mua điện kể cả trực tiếp từ lưới truyền tải hay phân phối đều được quyền tự do lựa chọn người bán.
Trong giai đoạn đầu, thị trường sẽ hoạt động theo cơ chế sau:
Xác định lịch huy động cho tuần tới của các tổ máy trên cơ sở tối ưu hóa thủy - nhiệt điện có xét đến các ràng buộc của lưới điện, các yêu cầu của hợp đồng mua điện dài hạn và các giao dịch song phương của nhà máy điện với các phụ tải.
Nhận các bản chào giá ngày tiếp theo.
Tính toán giá thị trường trên cơ sở các bản chào giá của các nhà máy điện theo phương pháp tối ưu trên cơ sở các ràng buộc là dự báo phụ tải, an toàn lưới điện, hợp đồng mua điện dài hạn, giao dịch song phương, tối ưu hóa việc sử dụng các loại nguồn sơ cấp...
Các nhà máy điện sẽ chào giá theo từng giờ của ngày tiếp theo bao gồm công suất và giá tương ứng, giá này không được vượt quá định mức chi phí đã được EVN duyệt.
Về phía điều độ có trách nhiệm công bố công suất và chào giá hàng ngày của các nhà máy điện, công bố phương thức huy động ngày tới, điều độ thời gian thực hiện, tính và công bố kết quả vận hành thị trường..
Theo EVN, từ 2002 đến nay, các nhà máy điện cung cấp điện năng ngoài ngành điện đã tăng từ 2% lên đến 13,4%. Một thị trường điện lực đã và đang được hình thành với các bên tham gia là các nhà máy điện, các công ty truyền tải điện, các công ty phân phối điện, thông qua hệ thống điều độ các cấp.
Kết quả cải cách cơ cấu và xây dựng thị trường điện ở nhiều nước cho thấy đây là một tiến bộ của khoa học quản lý trong ngành kinh tế năng lượng. Nó tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng giữa các DN và là giải pháp hữu hiệu huy động nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN kinh doanh điện.
Việc xây dựng thị trường điện cạnh tranh sẽ giúp tạo môi trường rõ ràng trong khâu phát điện, giảm chi phí sản xuất trên cơ sở phải cạnh tranh giá bán, đảm bảo cân bằng cung cầu và thu hút được nhiều vốn đầu tư vào phát triển điện năng.
Theo VietNamNet