03:06, 14/06/2004

Nuôi tôm hùm lồng ở Cam Phúc Nam

Phường Cam Phúc Nam (Cam Ranh) có 2,5km bờ biển (thuộc địa bàn khóm Xuân Ninh 1 và Xuân Ninh 2). Với điều kiện thủy triều lên xuống đều, nhiệt độ môi trường, độ mặn nước biển...

Ông Nguyễn Văn Sang đang thu hoạch tôm hùm lồng.

Phường Cam Phúc Nam (Cam Ranh) có 2,5km bờ biển (thuộc địa bàn khóm Xuân Ninh 1 và Xuân Ninh 2). Với điều kiện thủy triều lên xuống đều, nhiệt độ môi trường, độ mặn nước biển rất thuận lợi cho việc nuôi tôm hùm lồng, vì vậy, những năm 1998 - 1999, 17 hộ dân phường Cam Phúc Nam đã đưa gần 100 lồng tôm hùm vào nuôi thử nghiệm, mỗi lồng từ 60 - 70 con. Sau 12 tháng nuôi, trừ mọi khoản chi phí, bà con lãi 200.000 đồng/con. Tuy nhiên, thời kỳ này kỹ thuật nuôi chưa cao nên dẫn đến tình trạng tôm chết nhiều.

Chính quyền địa phương, các ngành chức năng và Hội Nông dân phường đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) thị xã tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về nuôi tôm để bà con áp dụng vào sản xuất, hạn chế dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Nhờ vậy, số hộ nuôi ngày càng tăng, từ 17 hộ nuôi năm 1999, đến nay toàn phường có hơn 400 hộ nuôi tôm hùm lồng, đưa nghề này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Hiện nay, toàn phường có 1.200 lồng tôm hùm và 31 bè, tăng hơn 1.000 lồng so với năm 1999. Để tạo điều kiện cho bà con có vốn phát triển sản xuất, từ năm 2000, Hội Nông dân phường đã đứng ra tín chấp cho các hộ vay vốn Chi nhánh Ngân hàng NN - PTNT thị xã theo Nghị quyết liên tịch 2308. Đến nay, toàn phường đã có hơn 400 hộ dư nợ hơn 8,7 tỷ đồng. Hầu hết các hộ vay vốn đều làm ăn có hiệu quả, đời sống được nâng lên rõ rệt, nhiều hộ nghèo vươn lên khá giàu, điển hình như các hộ: Nguyễn Văn Bảo, Tô Văn Hưng, Nguyễn Xuân Nghi… Ông Nguyễn Văn Sang, khóm Xuân Ninh I tâm sự: Là một nông dân sống bằng nghề đánh bắt hải sản, cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn. Từ khi có chủ trương của Đảng và Nhà nước cho vay vốn Ngân hàng NN - PTNT theo Nghị quyết liên tịch 2308 để phát triển nghề nuôi tôm hùm lồng, đến nay tôi nuôi được 4 lồng, mỗi năm thu nhập từ 10 - 30 triệu đồng, nhờ vậy gia đình tôi đã vươn lên thoát khỏi đói nghèo.

Nhờ phát triển nuôi tôm hùm lồng, hàng năm Cam Phúc Nam đã giải quyết việc làm cho từ 700 - 1.000 lao động nhàn rỗi tại địa phương, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Số hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã tăng nhanh, từ 54 hộ năm 2000, nay đã tăng lên 302 hộ; số hộ nghèo từ 115 hộ năm 2000, nay giảm còn 44 hộ. Ông Nguyễn Thành Nhật, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường cho biết: Bà con rất mong các ngành liên quan cần quan tâm phối hợp chặt chẽ với địa phương phổ biến rộng rãi các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, đặc biệt quan tâm đến nghề nuôi tôm hùm và cũng cần có những quy chế về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường, nước thải, để khi có dịch bệnh xảy ra bà con có biện pháp xử lý kịp thời; đồng thời phải quy hoạch lại vùng nuôi, hướng dẫn bà con phương thức đầu tư nuôi công nghiệp cho năng suất cao.

Hiện nay, thị xã Cam Ranh đang vận động nông dân chuyển hình thức nuôi tôm hùm lồng sang nuôi bằng bè nổi. Đây là hình thức nuôi đạt hiệu quả cao, bởi có thể di chuyển bè dễ dàng, kiểm soát được thức ăn thừa, tôm ít bị dịch bệnh. Tuy nhiên vốn đầu tư khá lớn so với nuôi tôm hùm lồng, nên bước đầu, các nông hộ có thể liên kết với nhau thành từng nhóm hộ gia đình cùng đầu tư vốn để phát triển bè tôm. Mong rằng, với sự đầu tư của Nhà nước, người nuôi tôm phường Cam Phúc Nam sớm tìm ra hướng đi mới để nghề nuôi tôm hùm thực sự phát huy được thế mạnh của mình trên vùng vịnh Cam Ranh.

KHÁNH VĨNH