08:06, 15/06/2004

Cảnh báo sức ép tăng lãi suất cho vay

Nếu như các ngân hàng không tự kiềm chế mà vẫn chạy đua tăng lãi suất thì sẽ tiếp tục tạo sức ép tăng mặt bằng chung về lãi suất huy động vốn, từ đó có thể đẩy sức ép lên...

Hậu quả của cuộc đua huy động vốn là lãi suất tín dụng quá nóng.

Nếu như các ngân hàng không tự kiềm chế mà vẫn chạy đua tăng lãi suất thì sẽ tiếp tục tạo sức ép tăng mặt bằng chung về lãi suất huy động vốn, từ đó có thể đẩy sức ép lên lãi suất cho vay. Tác động dây chuyền này gây bất lợi cho cả nền kinh tế.

Sau khi Ngân hàng thương mại cổ phần các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (VPBank) “châm ngòi”, áp lực tăng lãi suất tiền gửi chính thức bùng phát sau quyết định của các ngân hàng tiếp theo. Qua xu hướng biến động này có thể thấy được diễn biến vốn huy động và dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng thời gian qua.

Tại Hà Nội luôn có khối lượng vốn huy động và cho vay cũng chiếm khoảng 36 - 37% thị phần của cả nước, thì từ đầu năm 2004 đến nay dư nợ cho vay có xu hướng tăng nhanh hơn vốn huy động. Tính đến hết tháng 5-2004, tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại và TCTD ở Hà Nội ước đạt 151.900 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 3,2% so với cuối tháng 12-2003; tuy nhiên dư nợ cho vay ước tính đạt 81.500 tỷ đồng, tăng tới 20,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng tới 9,5% so với 31-12-2003. Như vậy trong 5 tháng đầu năm tốc độ tăng dư nợ cho vay gấp 3 lần tốc độ tăng vốn huy động.

Nhìn vào cơ cấu tiền tệ, nguồn vốn huy động nội tệ có xu hướng tăng chậm, thậm chí còn giảm, vốn huy động ngoại tệ tăng nhanh hơn; còn cơ cấu dư nợ cho vay thì ngược lại. Tính đến hết tháng 5-2004, vốn huy động nội tệ giảm 0,1% so với cuối tháng 12-2003, nhưng dư nợ cho vay thì tăng tới 10,2%; trong khi đó, số dư nguồn vốn huy động ngoại tệ tăng 11,7%, nhưng dư nợ cho vay tăng 8,4%. Điều đó có nghĩa là người dân đang có xu hướng dịch chuyển từ nội tệ sang gửi ngoại tệ, còn doanh nghiệp thì có xu hướng chuyển từ thích vay ngoại tệ sang thích vay nội tệ.

Tại TP. Hồ Chí Minh cũng có xu hướng diễn biến tương tự, nhưng mức độ chậm hơn. Tính đến hết tháng 5-2004, tổng nguồn vốn huy động của các NHTM và TCTD trên địa bàn tăng 12,85% so với cuối tháng 12-2003, còn dư nợ cho vay thì tăng 12,67%. Nhưng xu hướng dịch chuyển tiền tệ của người dân trên địa bàn thành phố thì thấy rõ, tốc độ tăng tiền gửi ngoại tệ cao hơn tốc độ tăng tiền gửi nội tệ. Cụ thể, tháng 1-2004, tiền gửi nội tệ tăng 1,77% so với tháng trước, nhưng tiền gửi ngoại tệ thì tăng 3,08%; tháng 2-2004, nội tệ tăng 2,28% và ngoại tệ tăng 2,93%; tháng 3-2004: nội tệ tăng 1,46% và ngoại tệ tăng 5,68%...

Sức ép tăng lãi suất, xu hướng tăng lãi suất hiện nay là có thực. Tình hình này có nguyên nhân quan trọng đầu tiên là diễn biến tâm lý trong dân chúng trước những bình luận và những thông tin được đưa ra về lo ngại tới chỉ số tăng giá hàng tiêu dùng, lo ngại về lạm phát.

Nguyên nhân tiếp theo là nhu cầu vốn đầu tư, vốn cho sản xuất kinh doanh và làm dịch vụ của các thành phần kinh tế đang khẩn trương hơn. Bên cạnh đó thì nhiều khoản vay đầu tư vào các nhà máy mía đường, vào xây dựng cơ bản, vào làm đường giao thông, vào xây dựng cơ sở hạ tầng ở miền núi do các công ty thi công vay... đang bị nợ đọng hoặc có nguy cơ quá hạn; chất lượng tín dụng một số khoản vay khác cũng đáng quan tâm, làm cho việc thu hồi vốn không đúng thời hạn, không bổ sung được nguồn vốn để tái cho vay.

Thêm nữa, hiện nay người dân cũng có nhu cầu đầu tư khác nhau, nhất là đầu tư vào nhà ở, đầu tư đất đai, đầu tư vận hành doanh nghiệp và người nông dân đầu tư cho các nhu cầu sản xuất khác của mình trong điều kiện thị trường nông phẩm, thuỷ hải sản được giá, sản xuất phục hồi sau dịch cúm gia cầm...

Một nguyên nhân khác cần để ý là những thông tin dự đoán Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất chủ đạo đồng USD của mình trong thời gian tới trước bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới này có dấu hiệu phục hồi.

Do đó nếu như tiếp tục có những bình luận đồng nhất giữa chỉ số tăng giá hàng tiêu dùng với lạm phát, tạo ra diễn biến không lợi trong dân chúng; nếu như các NHTM không tự kiềm chế mà cạnh tranh đua nhau tăng lãi suất như đã xảy ra cùng kỳ này năm ngoái; không kiểm soát các khoản cho vay đầu tư vào bất động sản, vào xây dựng cơ bản và kiểm soát chất lượng tín dụng, thì sẽ tiếp tục tạo sức ép tăng mặt bằng chung về lãi suất huy động vốn. Tình hình đó tạo sức ép dây chuyền tăng lãi suất cho vay. Tác động dây chuyền đó sẽ hết sức bất lợi, bởi vì lãi suất cho vay hiện nay của các NHTM và các TCTD đã lên tới trên đưới 10%/năm, đang được người sử dụng vốn cho là khá cao. Tác động tiếp theo là ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng, cũng như chất lượng tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đã định.

Theo Thời báo kinh tế