Sáng 7-6, bà Hoàng Hồng Hạnh - Trưởng phòng Vốn Vietcombank "choáng váng" khi đọc tin Ngân hàng (NH) Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn VND...
Chỉ số giá tăng cao khiến lãi suất thực của VND quá thấp. |
Sáng 7-6, bà Hoàng Hồng Hạnh - Trưởng phòng Vốn Vietcombank "choáng váng" khi đọc tin Ngân hàng (NH) Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn VND 13 tháng với lãi suất lên tới 8,28%/năm (gần 0,7%/tháng). Ngưỡng chịu đựng của các ngân hàng và người gửi tiền đang bị đẩy đến mức cuối cùng.
Án binh bất động
Trước khi BIDV công bố phát hành chứng chỉ tiền gửi kể từ 9-6 với mức lãi suất (LS) cao bằng các ngân hàng cổ phần (NHCP), tất cả các ngân hàng quốc doanh (NHQD) đều giữ LS "án binh bất động", mặc dù 5 tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng tới 6,3%.
Tại Quốc hội, trả lời các cơ quan báo chí, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy liên tục khẳng định, lạm phát vẫn ở mức kiểm soát và chưa tăng LS VND.
Lãnh đạo của tất cả các NHQD đều cho biết hiện chưa có phương án tăng lãi suất VND dù đều thừa nhận, huy động vốn VND đang suy giảm vì chỉ số giá tăng quá cao. Thậm chí ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc NHCP Techcombank cũng nói: "Chúng tôi chưa tăng LS bởi việc này có thể ảnh hưởng đến việc bình ổn giá cả".
Cuối tháng 5, NH Nhà nước Việt Nam công bố mức LS cơ bản vẫn là 0,625%/ tháng (giữ nguyên kể từ đầu năm). LS tại các NH lúc này như chiếc lò xo bị ép.
Người gửi VND đang bị thiệt
Hiện tại, mức LS tiền gửi tiết kiệm VND kỳ hạn 12 tháng của các NH dao động trong khoảng từ 7,2 - 8,4%/ năm trong khi chỉ số giá 5 tháng tăng tới 6,3%. Việc gửi VND lợi hại như thế nào thì ai cũng có thể thấy rõ.
Chuyên viên của một NHQD nhận xét: "Lạm phát được tuyên bố vẫn ở mức chấp nhận được và gửi tiền đồng vẫn có lợi, nhưng chính bản thân người trong ngành NH cũng không tin vào điều này. Gửi tiền dài hạn thì chưa thể nói chính xác nhưng gửi VND ngắn hạn thì chắc chắn là không có lợi". Chuyên viên này còn tiết lộ, các NHQD đang cố "gồng mình" để giữ không cho LS trên thị trường tăng lên, nhưng có lẽ không giữ được lâu nếu giá cả tiếp tục tăng mạnh.
Theo Vietcombank, huy động vốn VND của NH này ngày càng kém và việc BIDV phát hành chứng chỉ tiền gửi, Ngân hàng Công thương phát hành kỳ phiếu 6 tháng VND, Ngân hàng Nông nghiệp phát hành kỳ phiếu 364 ngày khiến Vietcombank đứng trước nguy cơ bị chảy nguồn vốn VND. Một quan chức của Vietcombank cho biết: "Chúng tôi chỉ chiếm 7% thị phần huy động vốn VND, chi nhánh ít hơn, LS lại thấp hơn; nếu không tăng LS, khách hàng sẽ gửi tiền sang các NH khác hết".
BIDV - Giọt nước tràn ly?
Quan chức cấp cao của một NHQD nhận xét: "Việc BIDV phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao hơn cả các NHCP có thể coi như một giọt nước làm tràn ly. Đây có thể coi như một phát súng khai cuộc cho một làn sóng tăng LS trong thời gian tới".
Tuy nhiên, chính thức thì Ngân hàng Nhà nước vẫn khẳng định: cung cầu về vốn VND vẫn chưa đến mức quá căng thẳng và chưa có dấu hiệu của một làn sóng tăng LS VND.
Tổng giám đốc của một NHCP tại Hà Nội cho biết: "Chúng tôi vẫn đang chờ xem phản ứng của các NHQD khác trước việc BIDV tăng mạnh LS cho kỳ hạn trên 13 tháng. Nếu các NHQD khác không có phản ứng thì chúng tôi cũng cố gắng giữ không tăng LS".
Theo Lao Động
Bình tĩnh trước lãi suất
Đó là thông điệp mà ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sài Gòn thương tín (Sacombank), muốn gửi đến giới ngân hàng trước sức ép tăng lãi suất đang nặng dần.
Ông Thành nhận định chỉ số giá tiêu dùng trong 5 tháng đầu năm tăng chưa thật sự phản ánh lạm phát; và "đó không phải là cơ sở buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất dù nguồn vốn các ngân hàng hiện nay chưa vững (80% vốn là từ tiết kiệm dân cư) nên chịu ảnh hưởng khi chỉ số giá tăng”.
“Các ngân hàng nên thật sự bình tĩnh trước việc tăng lãi suất huy động vốn. Sacombank chưa tính đến việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, nếu các ngân hàng khác tăng thì Sacombank cũng buộc phải tăng theo để giữ thị phần", ông Thành nói.
Đề cập đến một khía cạnh khác: việc lãi suất tăng sẽ tác động khiến chỉ số giá càng tăng cao hơn, ông Phạm Văn Thiệt, Tổng giám đốc Ngân hàng Á châu (ACB), phân tích: "Nếu lãi suất ngân hàng tăng để tránh cho người gửi tiền thua thiệt khi chỉ số giá tăng thì ở vế ngược lại, lãi suất huy động tăng kéo theo lãi suất cho các doanh nghiệp vay cũng tăng. Khoản lãi suất tăng này sẽ được tính vào giá thành sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Cuối cùng, người tiêu dùng sử dụng hàng hóa, dịch vụ phải chịu sự tăng giá này”.
Tuy nhiên, ông Thiệt cho biết, trong tình hình hiện nay, tùy thuộc vào diễn biến của thị trường, ACB cũng có thể tăng lãi suất khi cần thiết.
Theo Thanh Niên