Cây buông trên vùng đất Khánh Vĩnh đang dần tìm lại vị thế của mình. Giữ lại được rừng buông không những mang lại giá trị kinh tế mà còn giữ lại một nét đẹp đặc trưng của huyện...
|
Vườn buông mới được phục hồi của gia đình chị Triệu Thị Bình. |
Tháng 5. Chúng tôi đến Khánh Hiệp, một trong 2 xã có diện tích cây buông lớn nhất huyện, khi hai lớp học về sản xuất hàng thủ công xuất khẩu từ lá buông với hơn 40 học viên ở 2 thôn Hòn Lay và Ba Cẳng vừa kết thúc. Anh Văn Tấn Việt, Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Khánh Vĩnh cho biết, rừng buông đang được phục hồi bằng một kế hoạch lâu dài và khả thi, trong đó có việc ra đời tổ hợp sản xuất hàng thủ công từ cây buông mà học viên 2 lớp học trên sẽ là những người đảm nhiệm chính trong việc mở rộng khai thác tiềm năng cây buông.
Dự án phục hồi 500 ha rừng buông do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh triển khai đã được đồng bào dân tộc thiểu số đồng tình ủng hộ. Với chương trình này, mỗi hộ dân sẽ được nhận 1 - 2 ha rừng buông để chăm sóc. Dự án sẽ hướng dẫn bà con từ cách chăm sóc, theo dõi sự phát triển của cây buông đến việc đào tạo nghề thủ công làm ra sản phẩm từ cây buông… Khi chúng tôi đến, Xí nghiệp Điều tra - Thiết kế nông lâm nghiệp đang tiến hành đo đạc tại các thôn Hòn Lay, Ba Cẳng (xã Khánh Hiệp) và thôn Ba Dùi (xã Khánh Bình). Đây là các địa bàn có mật độ buông dày nhất. Chị Triệu Thị Bình, dân tộc Tày ở xã Khánh Hiệp dẫn chúng tôi thăm vườn buông gần 2 ha của mình. Chị nói: “Cây buông không tốn nhiều công sức chăm sóc nhưng có hiệu quả cao. Với dự án bảo tồn rừng buông, mình rất vui vì tin rằng cây buông sẽ mang lại hiệu quả. Hy vọng đầu ra của cây buông ngày càng được mở rộng để thấy rừng buông xanh lại…”
Cái nắng gay gắt của Khánh Vĩnh cùng với độ ẩm tương đối cao tại Khánh Hiệp là môi trường sinh trưởng thích hợp với cây buông. Qua một số tài liệu, cây buông trên vùng đất này đã cho những búp buông nặng đến 18kg và dài 4m, đạt tiêu chuẩn cho việc sản xuất hàng thủ công, và rừng buông ở Khánh Vĩnh, Khánh Hòa là một trong những rừng buông hiếm hoi ở Việt Nam. Nhìn những cây buông xanh cao ngút mắt, tỏa bóng mát mới thấy hết vẻ đẹp của loại cây này. Với một cái nhìn đầy lạc quan về dự án, anh Minh - một trí thức trẻ tình nguyện về công tác tại xã và là người đang dành hết tâm sức vào dự án cho biết: Tại Hội chợ du lịch Nha Trang biển hẹn tháng 8-2003, những mặt hàng sản xuất từ lá buông của Hợp tác xã Vĩnh Phước huyện Ninh Hòa, đơn vị xuất khẩu hàng thủ công mỗi năm có doanh thu hàng chục tỷ đồng là mặt hàng chiếm được cảm tình đặc biệt của du khách nước ngoài và trong nước. Quả thật, cây buông đang tìm lại vị thế của mình.
Các học viên lớp học sản xuất hàng thủ công đang phơi lá buông. |
Cây buông vốn đã gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số và khả năng tiêu thụ của thị trường hiện nay khá cao. Được biết, hiện nay HTX Vĩnh Phước có vài chục mặt hàng được sản xuất từ lá buông để xuất khẩu nhưng HTX vẫn phải mua nguyên liệu từ các tỉnh bạn.
Với những người đã từng gắn bó ở đây, rừng buông là một nét đẹp được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Làm sao phát triển cây buông, tạo nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng thủ công luôn là điều trăn trở của người dân nơi đây. Nếu thực hiện được điều này, cây buông không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn giữ được nét đẹp đặc trưng của một vùng quê miền núi.
KIM TRANG