Chính thức khai trương từ ngày 26-3-2003, nhưng ngay từ những ngày đầu năm, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Khánh Hòa đã vượt qua những điều kiện hết sức khó khăn về cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, mô hình tổ chức mạng lưới, cán bộ… để tập trung triển khai ngay nhiệm vụ. Chính vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, NHCSXH tỉnh đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới, đồng thời hoàn thành việc nhận bàn giao nguồn vốn, dư nợ và triển khai giải ngân theo kế hoạch, đảm bảo tiếp nối liên tục việc cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi, không để ách tắc, gián đoạn làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các đối tượng khách hàng.
Chính thức khai trương từ ngày 26-3-2003, nhưng ngay từ những ngày đầu năm, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Khánh Hòa đã vượt qua những điều kiện hết sức khó khăn về cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, mô hình tổ chức mạng lưới, cán bộ… để tập trung triển khai ngay nhiệm vụ. Chính vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, NHCSXH tỉnh đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới, đồng thời hoàn thành việc nhận bàn giao nguồn vốn, dư nợ và triển khai giải ngân theo kế hoạch, đảm bảo tiếp nối liên tục việc cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi, không để ách tắc, gián đoạn làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các đối tượng khách hàng.
Có nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội, các hộ nghèo đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả tốt. |
Qua gần một năm hoạt động, nguồn vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay tại NHCSXH tỉnh là 149 tỷ đồng, tăng 42,3 tỷ so với đầu năm. Nguồn vốn tăng là do NHCSXH tỉnh tranh thủ được nhiều nguồn, trong đó đã huy động từ ngân sách địa phương 15,8 tỷ đồng và huy động tiền gửi tiết kiệm trong cộng đồng dân cư là 2,7 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn tăng trưởng nên số lượng hộ nghèo vay vốn cũng tăng. Trong năm có 18.532 hộ nghèo vay 74,4 tỷ đồng, nâng số dư nợ lên 121 tỷ, tăng 17 tỷ so với đầu năm. Ngoài ra, NH đã thực hiện giải ngân dự án lồng ghép “sức khỏe sinh sản” với số vốn gần 2 tỷ đồng cho trên 450 hộ nghèo ở huyện Ninh Hòa vay và cho hộ nghèo vay theo dự án Khu Bảo tồn biển Hòn Mun với số vốn 426 triệu đồng. Đối với vốn giải quyết việc làm (GQVL), NH đã tiếp nhận dư nợ từ Kho bạc tỉnh 20 tỷ và cho vay mới trên 10 tỷ với 136 dự án, thu hút 1.193 lao động. Có thể nói, nguồn vốn cho vay của NHCSXH đã giúp bà con nghèo trên địa bàn tỉnh sản xuất kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả tốt; vốn cho hộ nghèo vay góp phần giúp các tổ chức Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh hoạt động sôi nổi, thiết thực, hội viên gắn bó với tổ chức Hội nhiều hơn. Nhiều hộ bà con dân tộc thiểu số vay vốn sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả tốt, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương từ 9,8% (năm 2002) xuống còn 5,53% (năm 2003).
Bên cạnh nguồn vốn tín dụng tăng trưởng, việc quản lý và thu hồi dư nợ đã được NH thực hiện chặt chẽ với phương châm “tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với chất lượng tín dụng”. Ngay từ đầu năm, NHCSXH đã tổ chức phân loại các tổ vay vốn làm 3 loại A, B, C để cùng với chính quyền địa phương củng cố các tổ vay vốn yếu kém; chuyển các tổ hoạt động tốt sang tổ tiết kiệm vay vốn. Đến nay, toàn tỉnh có 586 tổ tiết kiệm vay vốn hoạt động tốt. Ngoài ra, NH cũng coi trọng công tác huy động tiền gửi tiết kiệm trong cộng đồng người nghèo với mục tiêu giúp hộ nghèo thực hiện chi tiêu tiết kiệm, giảm nhẹ gánh nặng khi trả nợ. Đối với vốn GQVL, NH đã tiến hành phân loại, tham mưu UBND tỉnh thành lập các ban thu nợ cho NHCSXH. Nhờ có nhiều biện pháp tích cực nên tỷ lệ nợ quá hạn đã giảm được phần nào, chỉ còn chiếm 2,8% tổng dư nợ. Ngoài ra, nhận thức của người nghèo trong vay vốn đã được nâng lên nên việc sử dụng vốn luôn gắn với phát triển sản xuất để bảo toàn vốn và sinh lời.
Năm 2004, NHCSXH tỉnh phấn đấu đưa nguồn vốn và dư nợ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay là 180 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho hộ nghèo vay là 146 tỷ, cho vay GQVL 30 tỷ, cho sinh viên và người đi lao động ở nước ngoài vay 4 tỷ đồng. Giảm tỷ lệ nợ quá hạn xuống dưới 2%. Để làm được điều này, theo ông Bùi Quang Tập, Quyền Giám đốc NHCSXH tỉnh, phải hết sức coi trọng và phối hợp chặt chẽ các hoạt động của NHCSXH với các tổ chức Hội và đoàn thể, với các Ban Xóa đói giảm nghèo xã, phường để tuyên truyền phổ biến kiến thức, lựa chọn hộ vay vốn, kiểm tra việc sử dụng vốn vay… Đặc biệt phải tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay để nguồn vốn thực sự đến tận tay người dân, chống tình trạng cắt xén, chiếm dụng vốn của người nghèo; tạo lòng tin với Đảng, Nhà nước, với nhân dân về một địa chỉ tin cậy, một chủ trương và mô hình đúng đắn, bạn đồng hành của người nghèo và các đối tượng chính sách trên con đường xóa đói giảm nghèo.
NGUYỄN LÊ NGUYÊN