Ngày 16-2-2004, UBND tỉnh đã ra Quyết định phê duyệt dự án đầu tư đường nối Khánh Lê (Khánh Vĩnh) với tỉnh Lâm Đồng. Chiều dài toàn tuyến là 29,95km. Điểm đầu tại cột Km 37 Tỉnh lộ 2, điểm cuối tại ranh giới tỉnh Lâm Đồng (nối vào đường ĐT 723 của Lâm Đồng). Công trình do Ban Quản lý Dự án các công trình trọng điểm Khánh Hòa làm chủ đầu tư và sẽ được khởi công trong tháng 4 này...
Ngày 16-2-2004, UBND tỉnh đã ra Quyết định phê duyệt dự án đầu tư đường nối Khánh Lê (Khánh Vĩnh) với tỉnh Lâm Đồng. Chiều dài toàn tuyến là 29,95km. Điểm đầu tại cột Km 37 Tỉnh lộ 2, điểm cuối tại ranh giới tỉnh Lâm Đồng (nối vào đường ĐT 723 của Lâm Đồng). Công trình do Ban Quản lý Dự án các công trình trọng điểm Khánh Hòa làm chủ đầu tư và sẽ được khởi công trong tháng 4 này.
Hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng giáp ranh với nhau theo hướng Đông Bắc - Tây Nam và chưa có tuyến đường bộ nối thông trực tiếp với nhau. Từ Nha Trang đi Đà Lạt chỉ có một lộ trình duy nhất: Nha Trang - Phan Rang - Sông Pha - Finôm - Đà Lạt với tổng chiều dài 228km. Trên thực tế, tại xã Liên Sang (Khánh Vĩnh) có Tỉnh lộ 2 nối từ Quốc lộ (QL) 1A vào huyện Khánh Vĩnh đã được láng nhựa dài 37km. Tại xã Đạ Cháy, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng có ĐT 723 nối liền TP. Đà Lạt (tại phường 12 - Thái Phiên) vào xã Đạ Cháy đang được thi công mặt đường bê tông nhựa dài 21,5km. Để nối thông tuyến, phía Lâm Đồng theo ĐT 723 còn 30km, phía Khánh Hòa theo Tỉnh lộ 2 còn 31km chưa thông tuyến, tổng cộng khoảng 61km. Hiện nay, dân cư hai vùng giáp ranh qua lại trao đổi hàng hóa theo đường mòn và mất 1 ngày đi bộ. Điểm ranh giới trên thực địa xác định tại tim đường mòn trên dải yên ngựa của dãy núi Hòn Giao lớn và Hòn Giao nhỏ. Việc mở tuyến đường bộ nối thông hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng có chiều dài khoảng 140km, sẽ rút ngắn khoảng cách của hai thành phố có đặc thù du lịch biển (Nha Trang) và đồi núi (Đà Lạt) khoảng 88km. Bên cạnh đó, mục tiêu của việc đầu tư xây dựng tuyến đường này còn nhằm hoàn thiện mạng lưới đường giao thông trong khu vực theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, phục vụ phát triển các ngành kinh tế - xã hội (KT - XH), phát triển cơ sở hạ tầng vùng sâu vùng xa của hai tỉnh, từ đó từng bước nâng cao đời sống nhân dân trong khu vực; kích thích và phát triển các tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch dã ngoại. Đây là tuyến đường dự kiến sẽ nâng cấp thành QL và trong tương lai còn là một trục đường ngang quan trọng nối tắt từ QL1A vùng Trung bộ đến Nam Tây Nguyên.
Đoạn đường từ Km 37 (Khánh Lê) đến ranh giới tỉnh Lâm Đồng nằm trong khu vực có địa hình núi và đèo. Xét về bình diện cao độ và mức độ khó khăn về địa hình thì khu vực này tương đương với đèo Ngoạn Mục của QL27. Hướng tuyến đi qua sườn núi với độ nghiêng hơn 45 độ và có nhiều vách đá dựng đứng, cao độ tự nhiên từ +40 đến +1.800m. Đoạn này chỉ có đường lâm nghiệp, đường mòn và vùng rừng chưa có đường. Do vậy sẽ được đầu tư xây dựng mới.
Cấp đường: Cấp quản lý cấp IV, cấp kỹ thuật 40. Chỉ giới xây dựng 9m, trong đó mặt đường ô tô rộng 6m, lề gia cố 2m (mỗi bên rộng 1m), lề không gia cố 1m (mỗi bên rộng 0,5m). Kết cấu mặt đường bê tông nhựa. Toàn tuyến có 2 cầu là cầu Bến Lội tại Km 36+109 dài 85,6m và cầu Gộp Dài tại Km 55+149,79 dài 78m. Khổ cầu lấy bằng khổ nền đường, lề bộ hành cùng mức mặt đường xe chạy, trong đó mặt cầu rộng 8m, dãy an toàn rộng 1m (mỗi bên rộng 0,5m). Tổng kinh phí dự toán hơn 397 tỷ đồng. Các điểm khống chế: cột Km 37 Tỉnh lộ 2, cầu Bến Lội, cầu Gộp Dài, tuyến đi qua đỉnh Yên ngựa, các đường cong lát xê quay đầu tại các vị trí theo điều kiện địa hình khống chế và điểm cuối nối vào đường ĐT 723 của Lâm Đồng. Công trình dự kiến sẽ thực hiện trong 2 năm và sẽ hoàn thành đồng bộ theo phía đầu tư của tỉnh Lâm Đồng (đang triển khai thi công). Sau khi hoàn thành công trình này, giai đoạn 2 sẽ làm đường từ Diên Khánh lên Khánh Lê. Theo phương án dự kiến sẽ làm một con đường mới song song với Tỉnh lộ 2 dài 20km, để đáp ứng yêu cầu của QL và tránh giải tỏa nhà dân.
Việc thông được tuyến đường này trong giai đoạn hiện nay để giải quyết lưu thông thuận lợi từ Nha Trang đi Đà Lạt và các tỉnh ven biển miền Trung có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT - XH và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Nam Trung bộ thời kỳ 2001 - 2010 nói chung. Đặc biệt, tạo được động lực để xây dựng phát triển Nha Trang - Khánh Hòa thành khu du lịch lớn của cả nước do hình thành được tuyến du lịch liên vùng gắn với du lịch ở các tỉnh ven biển miền Trung.
BÍCH KHUÊ