Nằm sâu trong thôn, xóm nghề mây tre đan Phú Nẫm, xã Diên Phú (Diên Khánh) được biết tới là nhờ sự phát triển của nền kinh tế thị trường trong những năm gần đây. Sự giao lưu, mua bán các sản phẩm từ mây, tre, lá đánh thức xóm nghề một thời mai một…
Nằm sâu trong thôn, xóm nghề mây tre đan Phú Nẫm, xã Diên Phú (Diên Khánh) được biết tới là nhờ sự phát triển của nền kinh tế thị trường trong những năm gần đây. Sự giao lưu, mua bán các sản phẩm từ mây, tre, lá đánh thức xóm nghề một thời mai một…
Đan giỏ bằng nan tre ở gia đình ông Nguyễn Hoàng, làng nghề Phú Nẫm. |
Trước đây, ở thôn Phú Nẫm, nghề mây tre đan đã một thời phát triển mạnh thành làng nghề, thu hút hàng trăm hộ hành nghề vì hỗ trợ cho nó là vùng nguyên liệu tre bạt ngàn chạy dài nhiều cây số dọc theo bờ sông Cái. Ông Nguyễn Dũ, nay đã 90 tuổi, người được xem như bậc tiền bối của làng nghề đã từng ngược xuôi theo dòng sông Cái để chở những sản phẩm của mình làm ra đi bán ở khắp nơi. Chiến tranh và thời gian đã làm mai một làng nghề, nay chỉ còn là xóm nghề, nhưng cả ông Dũ và các con của ông vẫn gắn bó với cái nghề của cha ông để lại. Sau ngày giải phóng, họ vẫn tiếp tục giữ lấy nghề, vượt qua khó khăn của cơ chế để rồi vực dậy xóm nghề.
Ông Nguyễn Hoàng, một trong những người con của ông Dũ, nay đã quy tụ được 10 hộ với hơn 40 lao động để làm nghề. Việc giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa các vùng và nhu cầu cần nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú đã vực dậy sức sản xuất của xóm nghề. Tư thương ở các nơi về đây đặt hàng. Ông Nguyễn Hoàng cho biết: Đây là nghề truyền thống cha ông để lại, nhưng hồi đó chỉ làm các mặt hàng phục vụ nông nghiệp là chính, nay nền kinh tế thị trường phát triển, hàng hóa đòi hỏi nhiều mẫu mã với nhiều mặt hàng như: rổ, rá, sọt trái cây, giỏ trồng hoa… Công việc làm liên tục, từ tháng 11 đến tháng 7 Âm lịch, tập trung làm các mặt hàng chủ yếu phục vụ cho nghề cá như giỏ, thúng đựng cá; từ tháng 8 đến tháng 10 Âm lịch làm các mặt hàng phục vụ trồng hoa Tết.
Có những khâu cần sự khéo léo của bàn tay phụ nữ. |
Các tư thương ở chợ Đầm, cảng cá thường xuyên lên đây đặt hàng. Vừa qua, khách sạn Ana Mandara cũng đã đặt 3.000 hom tre. Xóm nghề từng bước tiếp cận với việc mua bán theo đơn đặt hàng và hợp đồng với đối tác, tạo cơ sở cho hoạt động làng nghề phát triển. Vùng nguyên liệu khá dồi dào, chủ yếu mua tại chỗ các hộ ven sông Cái. Nghề này không đòi hỏi phải có trình độ hoặc tay nghề cao, ai cũng làm được, chỉ cần yêu nghề, gắn bó với nghề; người khỏe thì làm các công đoạn nặng như chặt tre, vót nan, người yếu thì chẻ tre, đan thúng. Mức thu nhập hiện nay của một lao động bình quân 500 - 600 nghìn đồng/tháng. Anh Nguyễn Văn Mai, một người con của ông Dũ cho biết: Anh đã theo nghề này từ khi còn bé, hiện nay gia đình anh có 5 người trực tiếp làm nghề này, bình quân thu nhập 2,4 triệu đồng/tháng. Anh vừa xây được nhà, mua xe máy và mua sắm một số đồ dùng sinh hoạt trong gia đình, cuộc sống ổn định hơn trước.
Xóm nghề phát triển đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Để hỗ trợ xóm nghề phát triển, vừa qua, Hội Nông dân xã đã cho các hộ vay không lãi 5 triệu đồng, bình quân 500.000đ/hộ để phục vụ việc mua nguyên liệu, đẩy mạnh sản xuất. Có thể nói, xóm nghề Phú Nẫm đang dần thoát khỏi tình trạng khó khăn, mai một. Tuy nhiên, để xóm nghề vực dậy, trở thành làng nghề như trước đây thì còn nhiều việc phải làm. Tạo một thương hiệu cho cơ sở, giải quyết lao động, chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, đáp ứng ngày càng cao của nhu cầu thị trường là những công việc cần làm, đòi hỏi sự nỗ lực của những người trong cuộc và sự quan tâm của chính quyền địa phương.
QUANG VIÊN