Không ai biết chính xác làng đúc đồng ở xã Diên Thủy, huyện Diên Khánh có tự bao giờ và ông tổ nghề là ai. Nhưng ở Phú Lộc Tây, ai cũng biết gia đình ông Mười Cư - một gia đình có nhiều đời là nghệ nhân đúc đồng của làng. Lúc tôi đến, xung quanh ông ngổn ngang các mặt hàng bằng đồng đang làm dang dở, gương mặt đầy bụi nhưng ông rất vui, vừa chỉ vừa giải thích cặn kẽ cho tôi xem các tác dụng của dụng cụ làm đồng...
° Gia đình nghệ nhân
Ông Mười Cư lau chùi lại tượng Bác Hồ do ông đúc mô phỏng theo khuôn của cha ông. |
Không ai biết chính xác làng đúc đồng ở xã Diên Thủy, huyện Diên Khánh có tự bao giờ và ông tổ nghề là ai. Nhưng ở Phú Lộc Tây, ai cũng biết gia đình ông Mười Cư - một gia đình có nhiều đời là nghệ nhân đúc đồng của làng. Lúc tôi đến, xung quanh ông ngổn ngang các mặt hàng bằng đồng đang làm dang dở, gương mặt đầy bụi nhưng ông rất vui, vừa chỉ vừa giải thích cặn kẽ cho tôi xem các tác dụng của dụng cụ làm đồng. Ông nói: Cái nghề này nếu đã quyết theo thì cũng đủ sống, nhưng phải chịu khó, chịu cực cô à! Tỷ như muốn làm khuôn bằng đất thì trước hết đất đó phải là đất sét không lẫn cát, sau đó đem đi phơi nắng, khi đất đã khô lại giã nhuyễn đánh qua với bông tây rồi trộn với đất đã qua lửa sau đấy mới làm khuôn được. Rồi phải nung khuôn, nấu đồng sao cho đồng bộ, cho đúng độ lửa để khi khuôn vừa nóng tới thì đồng cũng vừa nấu xong. Nghe tưởng đơn giản chứ thực ra phải nấu đi nấu lại nhiều lần và thức suốt đêm để canh lửa, đổ khuôn. Như thế đâu đã xong, sau khi đúc phải qua các công đoạn mài, giũa, đánh bóng mới thành một sản phẩm hoàn chỉnh.
Thân sinh ông tên là Biện Có, người đã từng được Nhà nước khen thưởng vì đúc được tượng Bác Hồ năm 1978. Ông kể: Hồi đó làng chỉ đúc các mặt hàng như lư đồng, bộ đèn. Cha ông vốn là người ham học hỏi, không bằng lòng với những mặt hàng ít ỏi của làng mình đã nhiều lần khăn gói ra Bình Định, Quảng Nam, Huế học đúc chuông, đúc tượng. Năm 1978, khi Hợp tác xã (HTX) Đúc Cao Thắng ra đời cũng là lúc UBND xã đặt HTX đúc tượng Bác. Ông Biện Có là người trực tiếp chỉ huy và chịu trách nhiệm cao nhất. Ông Mười Cư vẫn còn nhớ như in khuôn mặt và câu nói của cha mình khi chuẩn bị mở khuôn đúc tượng Bác: “Nếu trưa nay khuôn đất được đập ra, tượng Bác có làm sao thì ba đi theo Bác Hồ luôn đó!”. Trời không phụ lòng người, bức tượng được hoàn thành xuất sắc, được đem ra Hà Nội triển lãm. Sau đó, HTX được nhận Huân chương Lao động còn cha ông thì được nhận giấy khen.
Nối nghiệp cha, ông Mười Cư có nhiều sáng tạo độc đáo góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm của làng nghề. Năm 1999, có lần ra Tuy Hòa, ông gặp một người bạn vừa mới mua được một bình cắm hoa bằng đồng (mà bấy giờ ở làng ông chưa ai làm được) với giá 70.000 đồng, ông hỏi mua lại thì được bán với giá 120.000 đồng kèm theo một câu thách đố: “Nếu ông làm được bình hoa y như thế này thì tui sẽ chịu làm ngựa cho ông cưỡi”. Tự ái nghề nghiệp và niềm vui sáng tạo đã kích thích ông nghiên cứu để tìm ra cách làm bình hoa bằng đồng, nhưng muốn đúc bình hoa thì phải có khoảng 2kg đồng của vỏ đạn, mà vỏ đạn ngày càng khan hiếm tìm đâu ra. Không nản, suốt một tuần trằn trọc suy nghĩ hì hục đục, đẽo, nhào, nặn, phá bỏ nhiều khuôn mẫu không ưng ý, rồi cuối cùng ông đã tạo ra được một khuôn mẫu như mong muốn có thể sử dụng nhiều lần với công thức rất đơn giản gồm 2 phần: Phần trên là miệng và thân bình, phần dưới là đế bình. Sau khi sản phẩm ra khỏi khuôn, ông chỉ cần hàn chúng lại với nhau rồi đem gia công, thế là thành một bình hoa hoàn chỉnh mà chỉ tốn 1,5kg đồng thường. Người bạn ông khi thấy bình hoa do ông làm ra bày tỏ sự thán phục bằng cách đặt mua luôn một lần 50 cái. Từ công thức ấy, ông đã tạo ra các sản phẩm khác như ống nhổ trầu, chén đựng nước để trên bàn thờ của người Chăm. Ông cũng là người đầu tiên ở làng Phú Lộc Tây nghĩ ra được cách dùng dầu lửa đổ vào lòng chuông, lư đồng để tìm các vết nứt rất nhỏ mắt thường không thể thấy.
° Và HTX ở làng nghề
Ông Mười Cư đang gia công sản phẩm. |
Không chỉ biết đúc đồng, ông Mười Cư còn là người rất tâm huyết với nghề. Năm 1990, nhiều nhà bỏ nghề chuyển sang kinh doanh các mặt hàng khác, số người còn giữ nghề bị các “đầu nậu” chèn ép, trả tiền nhân công với giá rẻ mạt, cho vay vốn với lãi suất cao nên nghèo lại càng nghèo thêm. Ông Mười Cư xót lắm nhưng “lực bất tòng tâm” nên chỉ biết nuôi nghề bằng cách nhận dạy nghề miễn phí cho bất cứ ai muốn học. Năm 2000, khi Nhà nước thực hiện dự án khôi phục lại các làng nghề truyền thống, ông đại diện cho nghề đúc đồng được tỉnh cử đi học tập, tham quan nhiều nơi, từ đó ông nung nấu ý định thành lập HTX để các gia đình có tay nghề cao nhưng thiếu vốn được làm việc và hưởng quyền lợi đúng với tay nghề của họ. Năm 2001, được sự ủng hộ nhiệt tình của Sở Công nghiệp và Phòng Công thương huyện, ông đi vận động, thuyết phục mọi người tham gia HTX. Cứ tưởng việc làm của mình sẽ được nhiều người hưởng ứng, nhưng do tâm lý e ngại vì nghĩ rằng HTX này cũng giống như HTX thời bao cấp nên không ai dám tham gia. Thế là vợ chồng ông cùng với cán bộ Phòng Công thương huyện thay phiên nhau tới từng nhà vận động, thuyết phục. Và, tháng 11-2003, HTX Đúc Phú Lộc chính thức ra đời gồm 20 xã viên với số vốn ban đầu chưa tới 60 triệu đồng. Nhưng thời điểm ấy, cũng là lúc giá đồng lên cao, lại khan hiếm mà Tết thì cận kề… Bấy giờ, ông Nguyễn Văn Nhường - Chủ nhiệm HTX đứng ra thế chấp căn nhà để vay ngân hàng được 40 triệu đồng, giải quyết việc làm cho xã viên. Từ khi HTX được thành lập đến nay, Ban quản trị - trong đó có ông Mười Cư - chưa ai được lĩnh một đồng lương nào, đã thế, tất cả các bạn hàng của gia đình, vợ chồng ông đều nhường lại cho HTX. Thu nhập giảm, công việc thì nhiều hơn, HTX mới thành lập chưa có thủ kho, một tay vợ ông vừa kiểm hàng vừa vô thùng, còn ông và Ban quản trị phải tất tả nhiều nơi tìm mua nguyên liệu. Ông nói: “Không sợ cực nhọc vất vả, chỉ sợ nếu giá đồng cứ cao như thế này thì không biết xoay sở thế nào. Vốn vay thì chưa có, nên không đủ tiền để mua nguyên liệu tái sản xuất, hàng làm ra bán thì lỗ mà không bán thì không có việc làm. Ông vừa lo cho sự tồn tại của làng nghề vừa mơ ước có được mảnh đất để thờ và cúng ông tổ nghề chứ năm nào cũng chuyển ông tổ làng nghề từ nhà này sang nhà khác thì tội lắm”.
Khó khăn lắm HTX Đúc Phú Lộc mới được thành lập, để giữ cho HTX và nghề đúc đồng đứng vững lại càng khó khăn hơn. Vì thế cần lắm sự quan tâm, hỗ trợ từ phía các ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương.
THẢO LY