03:03, 14/03/2004

Sức sống mới trên đồng ruộng Sơn Thái

Làm thế nào để thoát nghèo? Câu hỏi ấy không phải bây giờ mới được đặt ra. Song, với Sơn Thái (Khánh Vĩnh), để trả lời cho hỏi này thật không dễ dàng chút nào. Hiện tại, bằng những bước đi nhẫn nại với những gì mình có, Sơn Thái vẫn đang nỗ lực để cuộc sống thường ngày của người dân bớt cơ cực hơn…

Làm thế nào để thoát nghèo? Câu hỏi ấy không phải bây giờ mới được đặt ra. Song, với Sơn Thái (Khánh Vĩnh), để trả lời cho hỏi này thật không dễ dàng chút nào. Hiện tại, bằng những bước đi nhẫn nại với những gì mình có, Sơn Thái vẫn đang nỗ lực để cuộc sống thường ngày của người dân bớt cơ cực hơn…

Đội Thanh niên tình nguyện đang giúp đỡ bà con dặm tỉa lúa trên những mảnh ruộng vừa bén màu xanh.

Trở lại Sơn Thái vào những ngày đầu năm, tôi thật sự mừng vui khi thấy cuộc sống của người dân nơi đây đang từng bước chuyển mình. Tiếp tôi, đồng chí Hà Biên, Chủ tịch UBND xã cười xởi lởi: “Cậu lên thật đúng lúc, chúng tôi đang triển khai chương trình cây lúa nước tại khu đồng ruộng Bến Lội. Trong năm 2003, chúng tôi được tỉnh và huyện đầu tư 1,4 tỷ đồng phát triển chương trình cây lúa nước. Đến nay chúng tôi đã cải tạo xong diện tích 17,5 ha và đang tiến hành gieo sạ vụ Đông - Xuân”. Cây lúa nước đối với đồng bằng không còn ai xa lạ gì, nhưng đối với các xã miền núi, đặc biệt là xã Sơn Thái thì quả là một đổi thay thực sự. Bởi vì từ bao đời nay người dân Sơn Thái chỉ quen làm cái nương, cái rẫy với những phong tục trồng trỉa lạc hậu. Đó cũng là nguyên nhân có trên 70% hộ dân nơi đây thuộc diện đói nghèo. 2 năm trở lại đây, người dân ở xã vùng sâu này đã có nhiều thay đổi trong nhận thức về các loại cây trồng, vật nuôi. Đáng nói nhất là người dân đã tích cực phát triển kinh tế vườn rừng, vườn nhà, trong đó, có nhiều hộ gia đình đã tự khai hoang, vỡ hóa để trồng cây lúa nước. Tuy nhiên, do phát triển nhỏ lẻ, manh mún và tự phát, chưa am hiểu kỹ thuật, lại phụ thuộc vào thiên nhiên nên năng suất thấp. Được sự hỗ trợ của Đội Thanh niên tình nguyện (TNTN), xã đã vận động một số hộ dân tham gia 2 lớp IPM trên cây lúa, trên cơ sở đó nâng cao nhận thức để người dân tin tưởng vào lợi ích của việc trồng và phát triển cây lúa nước trên địa bàn xã.

Theo chân anh Lê Tài Hiền, Đội phó phụ trách kỹ thuật Đội TNTN tôi lên khu vực đồng ruộng Bến Lội. Dọc đường đi, thỉnh thoảng lại có mấy người dân í ới gọi anh Hiền để hỏi cách cải tạo đất và cách gieo giống. Anh vào luôn vai cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con. Sự hướng dẫn tỉ mỉ của anh khiến tôi phải khâm phục. Anh Hiền cho biết: Do khu vực này mới được cải tạo, chân đất chưa ổn định nên chưa thể đồng loạt trồng cây lúa nước. Vụ Đông - Xuân này, bà con đã gieo sạ 2,5 ha, dự kiến sẽ gieo sạ thêm 4 ha. Sau khi chân đất ổn định sẽ triển khai trồng lúa nước đồng loạt. Xa xa, chiếc máy cày đang phành phạch xới tung những mảng đất vốn đã khô cằn, xen lẫn tiếng cười nói rộn rã của các đội viên TNTN đang giúp bà con trên những đám ruộng vừa bén màu xanh. Nhìn những khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, nhưng không giấu nổi nét phấn khởi, mới thấy được nhận thức của bà con không còn như xưa nữa. Theo anh Hiền, hệ thống mương dẫn nước từ đập Bến Lội đủ cung cấp cho 17,5 ha lúa, nếu như điều phối nước hợp lý cho các vùng lúa ở từng thời điểm. Hiện nay, bà con đang gieo giống lúa MLAM 48 (lúa dẻo), sinh trưởng từ 95 - 100 ngày. Đặc tính của loại lúa này là ít sâu bệnh, thuần chủng, dễ làm, rất phù hợp với chân đất ở đây, nếu chăm sóc tốt, năng suất có thể đạt 30 - 35 tạ/ha. Để bảo đảm cho vụ đầu tiên thắng lợi, ngoài việc tham gia lao động, Đội TNTN còn cử một đội viên chuyên trách là kỹ sư nông nghiệp, hướng dẫn tỉ mỉ cho bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc. Qua đó, người dân sẽ dần quen với cách làm mới này. Anh Aloán nói: “Đây là lần đầu tiên mình biết trồng lúa nước, thấy lúa tốt mình vui lắm”. Không riêng gì Aloán, hầu hết người dân ở đây đều lần đầu tiên tiếp xúc với cách làm lúa nước. Mừng vì từ nay làm lúa nước khỏe hơn làm cái nương, cái rẫy, nhưng vẫn lo, không biết kết quả rồi sẽ ra sao. Đây cũng là tâm lý chung, khi người dân lần đầu chuyển đổi một cách làm vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của họ từ bao đời nay.

Mùa xuân đất trời thay áo mới. Vùng đất Sơn Thái đang đổi thay từng ngày. Vạn sự khởi đầu nan, chương trình cây lúa nước nay mới chỉ bắt đầu. Nhưng đã cho thấy nhiều hướng khả quan. Hy vọng không bao lâu nữa, màu xanh cây lúa sẽ bao trùm trên đồng ruộng Bến Lội. Đó cũng là mong mỏi của bao người dân nơi đây mong sao sớm thoát khỏi đói nghèo.

ANH TUẤN