03:03, 31/03/2004

Năm 2004, năm du lịch Điện Biên

Từ một Điện Biên Phủ đầy máu lửa và tràn ngập niềm vui chiến thắng cách đây nửa thế kỷ, hôm nay, chúng ta đã có một thành phố Điện Biên Phủ phát triển mạnh mẽ và đang thay da đổi sắc từng ngày. Nhằm tiếp tục tạo sức bật, thu hút công chúng đến với Điện Biên và hướng về Điện Biên, Chính phủ đã quyết định chọn năm 2004 là Năm Du lịch Điện Biên...

Từ một Điện Biên Phủ đầy máu lửa và tràn ngập niềm vui chiến thắng cách đây nửa thế kỷ, hôm nay, chúng ta đã có một thành phố Điện Biên Phủ phát triển mạnh mẽ và đang thay da đổi sắc từng ngày. Nhằm tiếp tục tạo sức bật, thu hút công chúng đến với Điện Biên và hướng về Điện Biên, Chính phủ đã quyết định chọn năm 2004 là Năm Du lịch Điện Biên.

Du khách Pháp đến xem tận mắt căn hầm của bại tướng Đờ-cát-xtơ-ri.

Thành phố Điện Biên Phủ trải rộng trên cánh đồng Mường Thanh. Từ xưa, đây là nơi hội tụ làm ăn, sinh cơ lập nghiệp của các dân tộc Thái, Dao, Kinh, La Hủ, Lô Lô, Mông, Pu Péo… Ngày nay, Điện Biên Phủ giữ vai trò trung tâm kinh tế - xã hội của cả vùng Tây Bắc, có đầu mối giao thông đường bộ, đường không với các nước trong khu vực và có vị trí quốc phòng an ninh hết sức quan trọng.

Được sự đầu tư rất lớn của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Điện Biên đã chuẩn bị chu đáo cho Năm Du lịch Điện Biên 2004. Đây là “cơ hội vàng” để ngành Du lịch địa phương cất cánh. Dự án tổng thể trùng tu di tích lịch sử Điện Biên Phủ đã và đang triển khai thực hiện với tổng số vốn ước khoảng 300 tỷ đồng. Trong đó có các hạng mục lớn: Xây dựng tượng đài chiến thắng, phục chế nguyên trạng Sở Chỉ huy chiến dịch tại Mường Phăng; tôn tạo, phục hồi các di tích: cứ điểm đồi A1, đồi Him Lam, đường kéo pháo, đường hào bao vây tấn công địch, hầm Đờ-cát-xtơ-ri và khu trung tâm tập đoàn cứ điểm… Tất cả cụm di tích này như là một chứng nhân lịch sử cho các thế hệ con cháu Lạc Hồng và bè bạn năm châu biết đến một trang sử chống ngoại xâm oanh liệt của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Đến Điện Biên Phủ, du khách còn được tham quan rất nhiều di tích lịch sử. Đền Đại Giá Đại Vương mang đậm nét kiến trúc nghệ thuật thời nhà Trần. Thành Bản Phủ là nơi lưu dấu cuộc khởi nghĩa của lãnh tụ nông dân Hoàng Công Chất. Đèo Pha Đin với độ cao 1.000m được ví là “nơi tiếp giáp giữa đất và trời”. Hồ chứa nước Pa Khoang rộng 600 ha, bao đời nay được gọi là “Biển hồ ở vùng Tây Bắc”.

Hôm nay, đứng trên đỉnh đồi D1, bên công trình tượng đài chiến thắng, du khách có thể nhìn bao quát toàn bộ lòng chảo Điện Biên Phủ, với cánh đồng Mường Thanh bao la, với dòng sông Nậm Rốm uốn lượn như một dải lụa đào, với bát ngát màu xanh của lúa, khoai, hoa trái… Nghĩa trang đồi A1 là nơi yên nghỉ của những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sân bay Mường Thanh hôm nay cũng chính là sân bay tại phân khu trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ năm xưa. Nhìn về phía Long Nhai, ta còn thấy rõ tượng đài tưởng niệm 444 đồng bào bị Pháp ném bom giết hại ngày 10-4-1954.

Ngành Du lịch địa phương đang tập trung khai thác tiềm năng từ hệ thống di tích chiến thắng Điện Biên Phủ, hệ thống hồ nước, rừng nguyên sinh, suối khoáng, du lịch sinh thái… Trong đó, quần thể di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ có rất nhiều hạng mục đã được Nhà nước xếp hạng như: các trận địa pháo, cầu Mường Thanh, sông Nậm Rốm… Bảo tàng Điện Biên Phủ lưu giữ nhiều hiện vật vô giá trong cuộc chiến đấu khốc liệt và quả cảm của quân ta để làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. UBND tỉnh Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ phối hợp với Tổng cục Du lịch và các ngành chức năng đã xây dựng đề án chi tiết về Năm Du lịch Điện Biên Phủ 2004. Theo đó, các hoạt động được thực hiện thành 3 chủ đề chính: Chủ đề 1: “Điện Biên Phủ - Mùa ban trắng” gồm chương trình lễ hội công bố Năm Du lịch Điện Biên, được tổ chức ngày 13-3-2004, đúng vào ngày mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 50 năm; hội thảo chiến thắng Điện Biên Phủ và một số hoạt động văn hóa thể thao khác. Chủ đề 2: “Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử”, tiến hành từ ngày 1 đến ngày 10-5-2004 với các hoạt động kỷ niệm 50 chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hội chợ thương mại - du lịch quốc tế, Hội thi ẩm thực của các dân tộc và Ngày thơ Điện Biên. Chủ đề 3: “Điện Biên Phủ cùng đất nước đổi mới” với hàng loạt hoạt động tuyên truyền nghệ thuật, vui chơi giải trí mang đậm bản sắc các dân tộc ở vùng Tây Bắc nước ta.

Hy vọng Năm Du lịch Điện Biên sẽ tạo ra dấu ấn sâu sắc trong lòng mỗi người dân Việt, để chúng ta thêm tự hào về mảnh đất đã từng làm nên chiến công:

“Giáng một trận dập đầu quỷ dữ

Sáng nghìn năm lịch sử Điện Biên” (Tố Hữu)

TRỊNH ĐỔNG HOÀI