Các dự án đầu tư thường có nhu cầu vốn lớn, thời gian dài… Do vậy, để hoạt động đầu tư vốn theo dự án, các ngân hàng thương mại (NHTM) cần phải huy động được nhiều nguồn vốn trung và dài hạn (TDH) để mở rộng đầu tư. Nhưng hiện nay, việc khai thác và sử dụng nguồn vốn TDH của các NH còn hạn chế, trong đó chủ yếu là do chưa có nhiều giải pháp hấp dẫn để huy động tiền nhàn rỗi của mọi nhà, mọi người…
Các dự án đầu tư thường có nhu cầu vốn lớn, thời gian dài… Do vậy, để hoạt động đầu tư vốn theo dự án, các ngân hàng thương mại (NHTM) cần phải huy động được nhiều nguồn vốn trung và dài hạn (TDH) để mở rộng đầu tư. Nhưng hiện nay, việc khai thác và sử dụng nguồn vốn TDH của các NH còn hạn chế, trong đó chủ yếu là do chưa có nhiều giải pháp hấp dẫn để huy động tiền nhàn rỗi của mọi nhà, mọi người…
Quầy giao dịch của Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Nha Trang. |
Nhiều năm qua, nguồn vốn trung, dài hạn (TDH) của các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ rất thấp trong tổng nguồn vốn huy động, trong khi dư nợ cho vay TDH lại chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế. Cụ thể, năm 2002: vốn huy động TDH đạt 631 tỷ đồng, chiếm 27% tổng nguồn vốn huy động; dư nợ cho vay TDH đạt 1.578 tỷ đồng, chiếm 43,11% tổng dư nợ cho vay. Năm 2003: vốn huy động TDH đạt 843 tỷ đồng, chiếm 40% tổng nguồn vốn huy động; dư nợ cho vay TDH đạt 2.057 tỷ đồng, chiếm 44,51% tổng dư nợ cho vay. Mặc dù các NH được phép sử dụng tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn để cho vay TDH nhưng vẫn còn hạn chế so với nhu cầu. Đây là khó khăn chung của các NHTM. Nhìn nhận vấn đề này, các NHTM đều thừa nhận chưa có giải pháp, chính sách thích hợp khi huy động vốn TDH. Bên cạnh đó, việc huy động còn gặp khó khăn do tâm lý người dân chưa thực sự yên tâm với sự ổn định của giá trị đồng Việt Nam so với các loại dự trữ khác như vàng, ngoại tệ.
Mới đây, tại lễ ký kết giao ước thi đua năm 2004, các NHTM đều thống nhất phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra như: vốn huy động đạt 3.680 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 5.352 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 5%… Để đạt được các chỉ tiêu trên, toàn ngành phải thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp đẩy mạnh công tác huy động vốn, nhất là vốn TDH. Vì hiện nay nhu cầu vốn TDH để xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng, đầu tư đổi mới công nghệ nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và các doanh nghiệp ngày càng tăng. Nhưng giải pháp nào mới thực sự thu hút tiền nhàn rỗi trong dân cư?
Tăng lãi suất tiền gửi để thu hút nguồn vốn huy động tiết kiệm từ dân cư là giải pháp chủ yếu mà lâu nay các NHTM thường sử dụng. Giải pháp này tác động nhanh nhưng có giới hạn, bởi việc tăng lãi suất huy động đồng nghĩa với tăng chi phí đầu vào, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh. Mặt khác, huy động vốn TDH đòi hỏi các NHTM phải tính toán cân nhắc kỹ, bởi kỳ hạn huy động dài đồng nghĩa với rủi ro lớn do lãi suất luôn biến động. Đặc biệt với cơ chế lãi suất “thoáng” như hiện nay càng đòi hỏi sự năng động, linh hoạt của mỗi NH trong quá trình khai thác, tìm kiếm nguồn vốn để cho vay.
Hiện nay, ngoài hình thức tăng lãi suất, các NH đang có những bước cải thiện đáng kể trong dịch vụ NH. Thông qua việc triển khai hiện đại hóa công nghệ của các NHTM, các dịch vụ NH như: Phone Banking, Internet Banking, thanh toán Online… cùng các dịch vụ NH tự động qua máy ATM, dịch vụ chi lương cho các doanh nghiệp có số đông nhân viên, dịch vụ tiết kiệm gửi một nơi lĩnh nhiều nơi… đang được các NHTM đẩy mạnh. Các dịch vụ này đã thu hút khá đông khách hàng mở tài khoản cá nhân và thực hiện các dịch vụ thanh toán qua NH. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 16.000 tài khoản cá nhân với tổng số dư hơn 278 tỷ đồng. Đây là một tiến bộ giúp giảm tỷ trọng thanh toán bằng tiền mặt trong xã hội. Tuy nhiên, theo một số NHTM, so với dân số trong tỉnh, số lượng giao dịch qua NH vẫn còn hạn chế. Một số khách hàng mở tài khoản để đó, hoặc để thanh toán lương, hoặc để sử dụng thẻ ATM. Ngoài ra, thói quen sử dụng tiền mặt trong dân cư đã làm hạn chế tác động này. Ông Hoàng Minh Hùng, Giám đốc Chi nhánh NH Ngoại thương Nha Trang cho biết: “Tâm lý người dân rất ngại gửi tiền kỳ hạn dài. Vì vậy, để huy động được nguồn vốn TDH là cực kỳ khó khăn. Tuy NH đã đưa ra nhiều tiện ích hiện đại đáp ứng nhu cầu khách hàng để thu hút nguồn vốn nhưng đấy cũng chỉ là biện pháp giải quyết tạm thời. Về lâu dài các NH phải có giải pháp cụ thể hơn”. Nhưng theo ông Đoàn Vĩnh Tường, Giám đốc NH Nhà nước tỉnh: “Đây lại là tiền đề cho việc phát triển các dịch vụ NH trong dân cư, cho phép tăng khối lượng và tỷ trọng thu phí cho các NH, thu hút nguồn vốn để mở rộng cho vay. Vì vậy, trong thời gian tới, các NH phải tích cực mở rộng và phát triển các dịch vụ tiện ích NH hiện đại đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế”.
Theo bà Đỗ Minh Hương, Giám đốc Chi nhánh NH Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long, trong tình hình hiện nay, để thu hút vốn TDH bên cạnh giải pháp lãi suất hấp dẫn, NH cần đa dạng hóa các hình thức huy động vốn nhằm tạo nhiều cơ hội cho khách hàng lựa chọn hình thức phù hợp với điều kiện thu nhập, nhu cầu tiết kiệm của khách hàng. Bên cạnh đó, phải có chính sách ưu đãi cho những khách hàng truyền thống, khách hàng có số dư lớn, có lượng tiền gửi ổn định. Mở rộng mạng lưới bằng cách thành lập các chi nhánh, phòng giao dịch trực thuộc, quỹ tiết kiệm, bàn tiết kiệm di động ở các khu vực, địa bàn trong tỉnh với mục đích phát triển thị trường cũ, thâm nhập thị trường mới. Ngoài ra, phong cách phục vụ tận tình, chu đáo, nhanh chóng cũng là yếu tố thu hút khách hàng đến với NH.
Có thể nói, các giải pháp trên trong thời điểm hiện tại đã và đang mang lại những hiệu quả nhất định. Nhưng về lâu dài để có thể cạnh tranh được, các NHTM phải có chiến lược huy động vốn dài hạn có tính độc đáo riêng, tạo sự đột phá trong hoạt động thanh toán và huy động vốn, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của khách hàng về gửi tiền lấy lãi và được cung cấp dịch vụ trọn gói.
NGUYỄN LÊ NGUYÊN