Vừa qua, Khánh Hòa đã rất chủ động trong việc phòng chống dịch cúm gia cầm, tiến hành cho tiêu hủy gà và các loại động vật lông vũ. Hiện nay, Chi cục Thú y tỉnh đang tiến hành kiểm tra vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, kiểm dịch các cơ sở giết mổ gia cầm. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng đang có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ vốn vay cho các chủ trang trại chăn nuôi gia cầm bị thiệt hại trong đợt cúm gà...
Vừa qua, Khánh Hòa đã rất chủ động trong việc phòng chống dịch cúm gia cầm, tiến hành cho tiêu hủy gà và các loại động vật lông vũ. Hiện nay, Chi cục Thú y tỉnh đang tiến hành kiểm tra vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, kiểm dịch các cơ sở giết mổ gia cầm. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng đang có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ vốn vay cho các chủ trang trại chăn nuôi gia cầm bị thiệt hại trong đợt cúm gà.
Trại gà của anh Phạm Đình Phùng ở phường Phước Tân, TP. Nha Trang đang vệ sinh chuồng gà, phun thuốc tiêu độc. |
Con số 51 tỉnh thành bị nhiễm dịch cúm gà, gần 38 triệu con gia cầm bị tiêu hủy không chỉ gây thiệt hại rất nặng nề cho người chăn nuôi mà còn ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế đất nước. Kể từ khi có dịch, giá cả các mặt hàng thực phẩm tăng vọt đến mức chóng mặt, đó là chưa kể đến tình trạng chăn nuôi gia cầm bị trì trệ, người chăn nuôi bị cụt vốn hoặc thiếu vốn sản xuất. Khánh Hòa tuy không bị thiệt hại nặng nề như các tỉnh khác nhưng sau đợt cúm thiệt hại về kinh tế cũng không phải là nhỏ. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 2, toàn tỉnh đã tiêu hủy trên 339 nghìn con gà, 248.060 con vịt, 498.050 con chim cút, chiếm khoảng 1/3 tổng đàn gia cầm trong tỉnh. Sau đợt cúm gà vừa qua, muốn khôi phục đàn gà như trước đợt dịch, ít nhất cũng phải 3 năm. Theo ước tính ban đầu, toàn tỉnh bị thiệt hại 17,8 tỷ đồng; trong đó ngân sách hỗ trợ cho người chăn nuôi đăng ký tiêu hủy khoảng 4,8 tỷ đồng, ngân sách phục vụ phòng chống dịch, kinh phí tiêu hủy là 3 tỷ đồng, người chăn nuôi bị thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng. Nuôi một con, một mô hình, không như các mô hình kinh tế tổng hợp VAC, VACR, nên sau khi thiệt hại trong chăn nuôi, các chủ trang trại bị thiếu vốn kinh doanh hoặc cụt vốn, khó khôi phục lại trang trại như hiện trạng ban đầu, muốn khôi phục lại cũng phải mất thời gian dài.
Tại cuộc họp mới đây của Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia cầm, ông Võ Lâm Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Bên cạnh công tác phòng chống dịch, kiểm tra các tụ điểm buôn bán tập trung, các điểm giết mổ gia cầm, kiểm tra việc lưu thông các loại động vật lông vũ, vấn đề bức xúc nhất hiện nay là các địa phương phải nhanh chóng hỗ trợ tiền tiêu hủy gà cho người chăn nuôi. Ngành ngân hàng, thuế cần có chính sách gia hạn nợ, giãn nợ, miễn thuế, ưu đãi trong việc cho vay vốn đối với các hộ chăn nuôi gia cầm bị thiệt hại vừa qua. Đây là một chủ trương sát với tình hình thực tế, tạo điều kiện cho người dân nhanh chóng khôi phục lại các đàn gia cầm. Chủ trương chính sách là vậy, nhưng mức độ thiệt hại của người dân rất lớn. Khu tập thể trại gà ở tổ 6, khóm Tây Nam 1, phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang là một ví dụ điển hình. Trong khu trại gà có gần 10 hộ chăn nuôi gà thịt, gà siêu trứng từ 400 con trở lên. Tiền con giống, chi phí thức ăn, chi phí làm chuồng trại cũng trên 50 triệu đồng/trại. Do thiếu vốn sản xuất nên nhiều chủ trang trại đã phải tìm mọi cách huy động vốn: Mượn người thân, vay nặng lãi, vay vốn từ ngân hàng. Mức độ hỗ trợ tiêu hủy của tỉnh chỉ cứu vớt phần nào chi phí đầu tư. Sau đợt tiêu hủy, anh Đinh Quang Khanh buồn rầu nói: “Chi phí bỏ ra để nuôi 1.000 con gà siêu trứng ít nhất cũng phải 30 triệu đồng. Sau đợt dịch, phải mất 6 tháng sau tôi mới dám nuôi lại vì phải vệ sinh chuồng trại, tiêu độc và phải mất ít nhất 1 năm sau mới khôi phục đàn gà siêu trứng như hiện trạng ban đầu. Tôi đã mất tất cả, bây giờ trong tay chỉ có 6 triệu đồng không biết có khôi phục nổi đàn gà hay không”. Còn gia đình anh Đinh Văn Chương đang phải đối mặt với nhiều khoản nợ chồng chất. 12 nghìn con gà siêu thịt của anh nuôi ở 5 trại, tổng vốn đầu tư lên đến gần nửa tỷ đồng, tiền hỗ trợ tiêu hủy chỉ có 72 triệu đồng. Với số tiền này nếu đầu tư trở lại, nhiều lắm cũng chỉ được 2 trại. Giá gà giống tăng cao, hiện lên đến 6.000 đồng/con, trong khi trước đợt dịch giá chỉ từ 3.500 đến 4.000 đồng/con. Gia đình anh rất muốn khôi phục nhanh đàn gà, nhưng khổ nỗi đang thiếu vốn!
Trong thời gian xảy ra dịch cúm gà, không chỉ các hộ đã đăng ký tiêu hủy cụt vốn, thiếu vốn sản xuất, mà các hộ không tiêu hủy cũng chẳng khá gì hơn. Không tiêu hủy, trại gà siêu trứng 10 nghìn con của ông Trần Văn Hiếu ở thôn Vạn Thuận, xã Ninh Ích, Ninh Hòa cũng đang trong tình trạng “khát” vốn. Tổng chi phí đầu tư cho trại gà này trên nửa tỷ đồng. Đầu đợt dịch, trứng tiêu thụ không được, chủ trại gà phải đập trứng cho gà ăn trở lại để đỡ tốn chi phí đầu tư. Từ giữa tháng 3 đến nay, trứng tiêu thụ rất chậm, chỉ bán lai rai vài trăm quả mỗi ngày, giá trứng bán ra thị trường khoảng 700 đồng/quả. Đợt dịch cúm gà vừa qua, trại gà siêu trứng của ông Hiếu thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. Do cho ăn cầm chừng, thiếu chất nên hiện nay số gà đẻ trứng chỉ đạt 50%. Cũng như nhiều trại gà khác, nỗi lo lớn nhất của ông Hiếu là thiếu vốn để tiếp tục đầu tư khôi phục đàn gà, bởi giá gà giống sau đợt dịch tăng lên đến 17 nghìn đồng/con (trước đợt dịch giá chỉ khoảng 14 nghìn đồng/con), mỗi ngày tốn trên 1 triệu đồng tiền thức ăn. Công tác phòng chống dịch được ông Hiếu đề ra hết sức nghiêm ngặt: Ngày nào cũng vệ sinh chuồng trại, phun thuốc tiêu độc (BKA, Biocide, Allcide), hạn chế người ra vào.
Con gà đã bắt đầu hồi sinh trên thị trường nhưng sức tiêu thụ trứng và sản phẩm của nó còn quá chậm. Sau đợt dịch, hậu quả phải gánh chịu lớn nhất vẫn là người chăn nuôi: Sản phẩm tiêu thụ khó khăn, thiếu vốn đầu tư, giá thành vật tư, gà giống có xu hướng ngày càng tăng… Tất cả đang dồn lên vai của người chăn nuôi. Mong sao người chăn nuôi sớm khôi phục lại đàn gà, sản phẩm tiêu thụ trên thị trường sống động lại như thời kỳ chưa xảy ra “đại dịch”.
VŨ TRUNG HÙNG
|