Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2004 là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP từ 11 - 12%. Để đạt được yêu cầu này, nguồn vốn đầu tư của toàn xã hội phải huy động trong năm là trên 3.500 tỷ đồng, tăng 27,3% so với năm 2003. Một trong những kênh huy động vốn quan trọng là từ nguồn tiền nhàn rỗi trong xã hội thông qua hệ thống ngân hàng thương mại…
° Không khuyến khích các doanh nghiệp tự huy động vốn đầu tư trong nội bộ cán bộ, công nhân viên.
Nguồn vốn vay của ngân hàng đã tạo điều kiện cho Xí nghiệp Chế biến hạt điều xuất khẩu Diên Phú thu mua đủ nguyên liệu để sản xuất trong cả mùa vụ. |
Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2004 là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP từ 11 - 12%. Để đạt được yêu cầu này, nguồn vốn đầu tư của toàn xã hội phải huy động trong năm là trên 3.500 tỷ đồng, tăng 27,3% so với năm 2003. Một trong những kênh huy động vốn quan trọng là từ nguồn tiền nhàn rỗi trong xã hội thông qua hệ thống ngân hàng thương mại…
Năm 2003, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 11,1%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh sang dịch vụ và công nghiệp, giá trị sản xuất của các ngành tăng cao so với năm trước. Thu ngân sách tăng 23,3% so với dự toán. Thắng lợi của phát triển kinh tế tạo tiền đề phấn khởi để toàn tỉnh hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT - XH) do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 đề ra.
Sự phát triển toàn diện của KT - XH tỉnh có sự nỗ lực của mọi ngành, mọi cấp, trong đó đặc biệt phải kể đến vai trò huy động nội lực của hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, vốn được coi như nguồn “tiếp máu” phục vụ tăng trưởng kinh tế.
Năm qua là một năm hệ thống ngân hàng phát triển khá toàn diện và vững chắc. Trong năm, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 3.313,2 tỷ đồng, trong đó huy động từ khu vực dân cư đạt 1.750,6 tỷ đồng. Mức độ tăng trưởng đạt 28,27% so với năm trước. Về đầu tư tín dụng, trong năm tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng là 4.621,3 tỷ đồng, tăng 26,27%. Điều đáng nói là cơ cấu dư nợ phân theo thành phần kinh tế đã có những chuyển biến rõ rệt, các ngân hàng đã hướng mạnh đầu tư vốn đến các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh (NQD). Tỷ trọng cho vay đối với các thành phần kinh tế NQD trong năm chiếm 57,45% so với 42,55% của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Tỷ lệ tăng trưởng của tổng dư nợ cho vay cao xấp xỉ với tỷ lệ tăng trưởng vốn huy động (Lần đầu tiên trên địa bàn, tốc độ tăng trưởng vốn huy động cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ), có thể thấy sự phát triển vững chắc của hệ thống ngân hàng trên địa bàn, mặc dù trong năm còn không ít những biến động phức tạp, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế cả nước và trên địa bàn tỉnh.
Năm 2004, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đề ra những mục tiêu KT - XH ở mức cao nhằm hoàn thành thắng lợi những chỉ tiêu mà Hội nghị Tỉnh ủy giữa nhiệm kỳ đã điều chỉnh đến năm 2005. Để đạt được những chỉ tiêu trong năm như tốc độ tăng trưởng GDP 11 - 12%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 20%, dịch vụ du lịch tăng 20%, nông nghiệp tăng 3,5 - 4%… nguồn vốn đầu tư phải huy động của toàn xã hội phải đạt trên 3.500 tỷ đồng. Nhiệm vụ này đặt ra cho ngành Ngân hàng vừa phải chủ động tiếp cận và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN thuộc các thành phần kinh tế vay vốn kinh doanh, vừa phải gắn tăng trưởng với chất lượng, đảm bảo cho hệ thống phát triển an toàn và giữ ổn định cho nền kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, từ nay đến 2005, UBND tỉnh sẽ tăng cường tốc độ sắp xếp lại DN, đẩy mạnh cổ phần hóa các DNNN nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng sức phát triển cho các DN. Song song với quá trình đó, tỉnh sẽ phân tích tình hình tài chính hàng năm đối với các DN vốn 100% Nhà nước và DNNN giữ cổ phần chi phối, phân loại theo A, B, C. Đây sẽ là chỗ dựa để các ngân hàng căn cứ quyết định mức độ đầu tư tín dụng cho các DN. Đồng chí cũng lưu ý ngành Ngân hàng trong thời gian qua, tuy đã có sự dịch chuyển cơ cấu đầu tư, hướng mạnh đến các thành phần kinh tế NQD, song tốc độ như vậy là chưa đạt yêu cầu. Ngân hàng vẫn còn tâm lý bao cấp trong tín dụng, thích đầu tư cho các DNNN (năm 2003, tỷ trọng cho vay đối với các DNNN vẫn lớn nhất, chiếm 42,55% so với các thành phần khác) để bớt rủi ro…
Trong các hoạt động tài chính hiện nay, có một thực tế rất đáng quan tâm, đó là tình tình các DN tự huy động vốn đầu tư trong nội bộ cán bộ, công nhân viên. Hiện tượng này có thể cho thấy đã xuất hiện những khả năng mà ngành Ngân hàng nên tìm hiểu nguyên nhân: Hoặc là hệ thống ngân hàng còn có những khó khăn, phiền phức trong thủ tục cho DN vay, không đáp ứng được yêu cầu vốn của DN; hoặc là lãi suất của ngân hàng chưa hấp dẫn nên DN muốn dành phần lời cho nội bộ… nhưng dù là khả năng nào, đây cũng là cách làm tiềm ẩn nhiều rủi ro mà tỉnh không khuyến khích. Riêng đối với DNNN, cách làm này càng không được phép, bởi như vậy sẽ không thể quản lý tài chính được, DN sẽ có một hệ thống kế toán riêng. Trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều bài học đắt giá về DN tự huy động vốn. Bình thường thì DN tự chia, khi có rủi ro, người lao động góp vốn lãnh đủ, kiện tụng đến các cơ quan Nhà nước kéo dài, khiến cho tình hình rất phức tạp…
Năm 2004 mở đầu bằng trận đại dịch cúm gà trên quy mô cả nước mà thiệt hại chưa thể lường hết được. Điều đó có nghĩa là phía trước chúng ta còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong quá trình phát triển KT - XH. Bằng những bước đi vững chắc của năm trước, chúng ta có thể tin tưởng các ngành, các cấp sẽ nỗ lực hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu mà tỉnh đề ra, trong đó trước hết là các chỉ tiêu về huy động vốn - nguồn sinh lực cho nền kinh tế.
TRẦN DUY