Về Ninh Hòa hôm nay, màu xanh của lúa trải dài khắp các cánh đồng. Hàng trăm cây số kênh mương loại 2, loại 3 mới được xây dựng, các công trình thủy lợi luôn được nâng cấp, tu bổ cùng với chương trình nâng cấp giống lúa, làm cho bộ mặt nông thôn nơi đây có nhiều đổi thay...
Về Ninh Hòa hôm nay, màu xanh của lúa trải dài khắp các cánh đồng. Hàng trăm cây số kênh mương loại 2, loại 3 mới được xây dựng, các công trình thủy lợi luôn được nâng cấp, tu bổ cùng với chương trình nâng cấp giống lúa, làm cho bộ mặt nông thôn nơi đây có nhiều đổi thay.
Nông dân huyện Ninh Hòa được mùa lúa. |
Địa hình tương đối băng phẳng, ít đồi núi, có nền đất thịt màu mỡ, là những yếu tố thuận lợi giúp Ninh Hòa phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là thâm canh cây lúa. Hàng năm, cùng với phát triển mạnh kinh tế thủy sản, huyện đã đề ra các chủ trương, biện pháp nâng cao hiệu quả kinh tế cây lúa, cụ thể là nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng thương phẩm hạt gạo để từng bước chiếm lĩnh thị trường. Để đạt được mục tiêu đó, Ninh Hòa xác định: Bên cạnh chủ động nguồn nước tưới, có chế độ thâm canh hợp lý theo IPM, công tác cải tạo và nâng cấp giống lúa là vấn đề hết sức quan trọng, là tiền đề để xây dựng các vùng lúa cao sản và cơ cấu các loại giống lúa theo mùa vụ phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.
Anh Tống Trân, Trưởng Phòng Nông nghiệp - Địa chính huyện cho biết: “Mỗi vụ sản xuất, diện tích canh tác cây lúa của huyện khoảng 6.000 ha. Từ năm 1999, Ninh Hòa bắt đầu triển khai chương trình cải tạo giống lúa vì những bộ giống lúa cũ (TH330, Việt Hương Chiếm, Q5…) bắt đầu có hiện tượng thoái hóa, cây sinh trưởng và phát triển chậm, hiện tượng nhiễm bệnh bắt đầu xuất hiện. Do sử dụng giống cũ, năng suất lúa giảm, hiệu quả kinh tế thâm canh cây lúa không cao. Thấy được vấn đề này, Phòng Nông nghiệp kiến nghị với huyện nhanh chóng triển khai chương trình cấp 1 hóa giống lúa. Những giống lúa đưa vào sản xuất khảo nghiệm phải là giống lúa mới, có năng suất và độ “thuần” cao, không bị phân ly làm 2 - 3 tầng. Từ đó, các giống lúa mới dần được tuyển chọn, đến tay bà con nông dân”. Quy trình cải tạo và nâng cấp giống lúa ở Ninh Hòa trong những năm gần đây theo một dây chuyền khép kín, từ huyện đến xã và có sự phối hợp với bà con nông dân trong khâu sản xuất giống lúa và bao tiêu sản phẩm. Mỗi năm, sau khi UBND huyện có chủ trương cấp 1 hóa giống lúa, Trạm Khuyến nông có nhiệm vụ sưu tầm những giống lúa mới từ các tỉnh phía Nam phù hợp với điều kiện tự nhiên, có năng suất, sản lượng ổn định, kháng bệnh tốt, ít bị thoái hóa, chất lượng gạo tốt đưa vào sản xuất khảo nghiệm. Sau khi sản xuất khảo nghiệm, hội thảo đầu bờ, Trạm Khuyến nông huyện xác định được những ưu, khuyết điểm của từng loại giống lúa, đặc điểm sinh trưởng và chu kỳ sinh trưởng phát triển, sau đó thông báo rộng rãi cho bà con nông dân để chọn lọc và đưa vào sản xuất. Trực tiếp sản xuất, nhân giống lúa mới vẫn là các hợp tác xã (HTX) phối hợp với bà con nông dân. Riêng với chương trình nâng cấp giống lúa, huyện yêu cầu tất cả các xã, HTX nông nghiệp đều phải tiến hành tổ chức nhân giống và phải xem chương trình nâng cấp giống lúa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đều đưa vào nghị quyết và chương trình hành động của cấp ủy. Mỗi xã phải quy hoạch vùng nhân giống, phân công cán bộ chuyên trách chịu trách nhiệm thực hiện chương trình với diện tích đất khảo nghiệm khoảng 6% diện tích lúa sản xuất 2 vụ của địa phương. Do chi phí thực hiện cấp 1 hóa giống lúa rất cao, huyện hỗ trợ 25% giá giống lúa nguyên chủng, ngân sách xã 25%, còn lại là vốn đầu tư của nông dân. Tránh thất thoát giống sau khi nâng cấp, cải tạo, đối với giống lúa cấp 1, người nông dân được UBND xã và Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm ký hợp đồng sản xuất. Trước khi thu hoạch lúa, Hội đồng nghiệm thu công nhận giống lúa sau khi nâng cấp đạt tiêu chuẩn. Sau đó, người sản xuất nếu bán lúa ngay tại địa phương theo giá thị trường thì được hỗ trợ thêm 20% theo giá thóc thịt cùng thời điểm. Quy trình sản xuất, nhân giống lúa cấp 2 cũng tương tự như sản xuất lúa cấp 1, nhưng khác là mức hỗ trợ cho người sản xuất bán ra trên thị trường chỉ được 10%. Từ chủ trương này, người dân rất phấn khởi với chương trình nâng cấp, cải tạo giống lúa, sản xuất lúa giống có lãi, nguồn lúa giống không bị thất thoát mà được đưa vào sản xuất ngay.
Sau một thời gian chọn lọc, khảo nghiệm các bộ giống lúa cao sản, thuần chủng, Ninh Hòa cơ bản đã xác định được một số giống lúa tốt phục vụ sản xuất trên 2 vụ lúa. Các giống lúa mới: Hương thơm 1, DT212 là những giống lúa có nhiều triển vọng, thể hiện thời gian sinh trưởng ngắn, ít bị nhiễm sâu bệnh, năng suất nhiều vùng ở Ninh Thân, Ninh An, Ninh Quang, Ninh Đa đạt trên 60 tạ/ha. Các giống lúa này sau khi sản xuất khảo nghiệm được đánh giá là cơm thơm ngon, tiêu thụ mạnh trên thị trường. Các giống lúa: DV108, AIT 77, Việt Hương Chiếm có thời gian sinh trưởng từ 100 đến 115 ngày, được đánh giá là ít bị sâu bệnh, đẻ nhánh tốt, chịu hạn, ít bị thoái hóa, dễ thâm canh theo chương trình dịch hại tổng hợp IPM. Bà con nông dân ở Ninh Phụng, Ninh Trung sau khi gieo sạ hai vụ lúa Đông - Xuân và Hè - Thu vừa qua cho biết các giống lúa này có năng suất cao, bình quân đạt khoảng 60 tạ/ha, nếu thâm canh tốt sẽ đạt đến 70 tạ/ha. Giống lúa lai Trang Nông 15, là giống lúa ngắn ngày, thời gian sinh trưởng ngắn (từ 85 - 100 ngày), sau khi sản xuất đại trà ở các xã cánh Tây tuy năng suất cao (70 tạ/ha nếu thâm canh tốt) nhưng đã biểu hiện sự thoái hóa, dễ bị nhiễm sâu bệnh, do vỏ trấu mỏng, khép không kín, dễ bị nhiễm bệnh hoa cúc và bệnh vàng lụi. Giống lúa này ít được đưa vào sản xuất trong 2 vụ chính. Giống lúa IR17494 là giống lúa dài ngày, có thời gian sinh trưởng từ 115-120 ngày, nhưng được bà con nông dân đánh giá là rất dễ canh tác, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương, ít sâu bệnh, ít bị thoái hóa, chất lượng thương phẩm tốt, năng suất lúa nhiều vùng có thể lên tới 80 tạ/ha.
Giống lúa tốt đã góp phần không nhỏ trong nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, thâm canh lúa nước ở Ninh Hòa. Nhiều vùng trước đây chỉ thâm canh 1 đến 2 vụ lúa, nay đã hình thành các vùng lúa cao sản thâm canh 3 vụ. Hiện 70% diện tích lúa nước ở Ninh Hòa là giống lúa mới. Sản lượng lúa hàng năm của huyện đạt từ 75 - 80 nghìn tấn, năng suất lúa nhiều nơi đạt đến 70 tạ/ha. Với chương trình cải tạo, nâng cấp giống lúa, hy vọng những cánh đồng lúa ở Ninh Hòa có năng suất ngày càng cao hơn, nông dân gặt hái ngày càng nhiều hơn những mùa vụ bội thu.
VŨ TRUNG HÙNG