Khánh Hòa, cây buông phát triển chủ yếu ở địa bàn xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh. Theo đánh giá, cây buông có giá trị kinh tế cao hơn nhiều loại cây trồng khác. Đặc biệt, sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ lá buông là một trong những mặt hàng có giá trị cao, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Trước năm 1990, ở Khánh Hiệp có khoảng 1.400 ha buông, do khai thác chặt phá bừa bãi nên đến nay chỉ còn khoảng 240 ha. Khôi phục, bảo tồn và phát triển vùng nguyên liệu buông để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất là cơ hội lớn giúp người dân nơi đây xóa đói giảm nghèo…
Khánh Hòa, cây buông phát triển chủ yếu ở địa bàn xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh. Theo đánh giá, cây buông có giá trị kinh tế cao hơn nhiều loại cây trồng khác. Đặc biệt, sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ lá buông là một trong những mặt hàng có giá trị cao, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Trước năm 1990, ở Khánh Hiệp có khoảng 1.400 ha buông, do khai thác chặt phá bừa bãi nên đến nay chỉ còn khoảng 240 ha. Khôi phục, bảo tồn và phát triển vùng nguyên liệu buông để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất là cơ hội lớn giúp người dân nơi đây xóa đói giảm nghèo…
Cây buông này đã đủ tuổi để cho thu hoạch. |
Cây buông, còn gọi là cây sóng lá, thuộc họ cọ, phát triển tốt ở một số khu vực với những điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp ở vùng Đông Nam Á. Cây buông ưa nắng nhưng lại chỉ sống ở những nơi có độ ẩm tương đối cao (từ 80% trở lên) và rất khó nhân giống. Mặt khác, chu kỳ sinh trưởng của cây kéo dài, từ khi quả chín đến khi nảy mầm có thể từ 4 - 5 năm. Vì vậy, ngay ở Việt Nam, cây buông cũng chỉ mọc tập trung và phát triển tốt ở một số khu vực thuộc các tỉnh như Gia Lai, Đắc Lắc, Bình Thuận và Khánh Hòa. Riêng ở Khánh Hòa, cây buông phát triển chủ yếu ở xã Khánh Hiệp (Khánh Vĩnh). Tuổi thọ trung bình của cây buông thường kéo dài từ 15 - 25 năm. Hàng năm, mỗi cây buông có thể cho từ 4 - 8 búp lá (đây là sản phẩm chính của cây). Giai đoạn cho sản phẩm thường kéo dài từ 10 - 15 năm. Nếu bảo vệ và khai thác một cách hợp lý, thời gian cho sản phẩm có thể kéo dài đến 20 năm. Mỗi búp buông của một cây trưởng thành có thể nặng từ 10 - 20kg, dài từ 1 - 4m. Tại xã Khánh Hiệp hiện vẫn còn một số cây được nhân dân địa phương chăm sóc cho búp nặng đến 15kg. Cây buông cung cấp hai bộ phận có giá trị sử dụng độc đáo và giá trị kinh tế cao, đó là bẹ lá và búp lá. Bẹ lá là hai phần mép của một tàu lá buông trưởng thành, bề rộng từ 2 - 5cm, có độ cứng và độ đàn hồi tốt, bền với thời tiết, nhiệt độ và rất bền về cơ học. Bẹ buông có thể sử dụng để chế tác một số sản phẩm mỹ nghệ và gia dụng rất có giá trị như muỗng, đũa… Tuy nhiên, búp lá buông mới là bộ phận tạo ra sản phẩm có giá trị nhất. Các tàu lá non mới ra khoảng 3 - 4 tháng, khi tươi có màu xanh nhạt nõn chuối, khi phơi khô có màu trắng sữa, là nguyên liệu để sản xuất hàng trăm sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cao như chiếu, giỏ xách, mũ, khay, thảm…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có Hợp tác xã (HTX) Mây, tre, lá Vĩnh Phước Ninh Hòa đang sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm từ lá buông và đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Mỗi sản phẩm làm từ lá buông có giá trị gấp 12 lần chi phí nguyên liệu ban đầu. Tuy nhiên, hiện nay HTX đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu. Để đảm bảo cho sản xuất, HTX phải đi thu mua ở các vùng khác nên phải chịu cước phí vận chuyển rất cao. Hiện cây buông trên địa bàn xã Khánh Hiệp chỉ còn khoảng 240 ha, ước chừng 1 triệu cây, trong đó khoảng 10 ngàn cây đang ở độ tuổi khai thác được, còn lại là cây con. Thời gian qua, do quá trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, quy hoạch đất thổ cư tập trung và mở rộng diện tích canh tác cây lúa nước nên đã triệt phá phần lớn cây buông trên địa bàn. Mặt khác, do chưa có dự án và chương trình bảo vệ thiết thực, việc khai thác buông trái phép, bất hợp lý vẫn xảy ra thường xuyên, làm cho diện tích và số lượng buông đang ngày một giảm. Bên cạnh đó, các nguồn lợi tiềm năng và các tác động kinh tế - xã hội tích cực có thể khai thác được từ cây buông vẫn chưa được xem xét một cách nghiêm túc. Chị Lương Thị Bình Hải, ở thôn Ba Cẳng, xã Khánh Hiệp cho biết: Trước năm 1997, gia đình chị bình quân mỗi tháng thu hoạch được trên 50 tấn lá tươi, tương đương khoảng 12 - 15 tấn lá khô. Hiện nay, do nhiều người dân không am hiểu chu kỳ sinh trưởng của cây nên khai thác bừa bãi không theo định hướng và thời gian quy định nên cây buông đang có nguy cơ cạn kiệt dần.
Hiện nay, huyện Khánh Vĩnh đang xây dựng đề án bảo tồn và phát triển vùng lá buông nguyên liệu ở Khánh Hiệp. Qua đó vận động nhân dân tham gia giữ gìn, trồng và khai thác một cách hợp lý. Hy vọng một thời gian không xa, rừng buông sẽ hồi sinh, người dân nơi đây lại thêm một loại cây trồng có tiềm năng kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo.
ANH TUẤN