07:02, 16/02/2004

Khởi nghiệp với tre

40 tuổi, làn da rám nắng và nụ cười rộng mở, Hồ Nhật Tấn cho biết anh bắt đầu sự nghiệp với tre như một sự tình cờ khi thấy ở làng quê của mình có nhiều tre trúc, giá thành rẻ trong khi những mặt hàng từ tre đang ngày càng chiếm lĩnh được thị trường, đặc biệt khi những mặt hàng mỹ nghệ từ tre được nhiều du khách Nhật yêu thích. Thế là từ tháng 3-2003, anh bắt đầu khởi nghiệp với tre và giờ đây những mặt hàng của anh đã được nhiều du khách biết đến.

Anh Hồ Nhật Tấn.

40 tuổi, làn da rám nắng và nụ cười rộng mở, Hồ Nhật Tấn cho biết anh bắt đầu sự nghiệp với tre như một sự tình cờ khi thấy ở làng quê của mình có nhiều tre trúc, giá thành rẻ trong khi những mặt hàng từ tre đang ngày càng chiếm lĩnh được thị trường, đặc biệt khi những mặt hàng mỹ nghệ từ tre được nhiều du khách Nhật yêu thích. Thế là từ tháng 3-2003, anh bắt đầu khởi nghiệp với tre và giờ đây những mặt hàng của anh đã được nhiều du khách biết đến.

Con đường làng dẫn vào tận điểm cuối của thôn Thái Thông, xã Vĩnh Thái (Nha Trang) bây giờ khang trang và rộng rãi khiến chúng tôi không mất nhiều thời gian để tìm ngôi nhà của anh như chúng tôi đã tưởng tượng. Ngắm cơ ngơi, xưởng sản xuất nho nhỏ của anh, chúng tôi biết rằng anh chỉ mới bắt đầu nhưng khi nghe anh say sưa nói về những mẫu mã và dự định của mình, chúng tôi hiểu rằng anh đã chọn đúng hướng đi. “Điều quan trọng nhất là phải có được những sản phẩm mình cảm thấy ưng ý thì khách hàng mới có thể chấp nhận được”, anh nói.

Các sản phẩm của anh được bày bán tại shop Ấn tượng.

Một sản phẩm ra đời mất khá nhiều công đoạn: Chặt tre, vót nan, đánh bóng, mài nhẵn, phết màu… Điều quan trọng nhất là ngâm bùn và phun thuốc để sản phẩm có thể tồn tại lâu dài theo thời gian mà không bị mọt. Tùy theo từng loại sản phẩm mà chọn tre, lồ ô, trúc cho phù hợp. Anh cho biết loại tre anh thường mua nhất là loại tre nhỏ, thẳng ở Diên Khánh, Khánh Vĩnh. Đây là loại tre phù hợp với nhiều loại mặt hàng. Một sản phẩm từ khi định hình cho đến khi ra đời mất khá nhiều thời gian. Từ việc nghĩ ra mẫu mới và hoàn thiện sản phẩm cho đến ngày xuất hiện trên thị trường là một quá trình suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo. Hiện nay, cơ sở của anh có khoảng vài chục mặt hàng từ chiếc gạt tàn, hộp đựng hạt dưa hình quả cam nhỏ xíu, đèn ngủ, khung hình, khay, giỏ xách, kệ đĩa nhạc cho đến dụng cụ văn phòng như hộp đựng danh thiếp, hộp đựng tạp chí… Không chỉ có mặt tại các shop hàng lưu niệm khá nổi tiếng tại TP. Nha Trang như Ấn Tượng, Trí Thành, những mặt hàng của anh đã vươn tới các shop lưu niệm tại Hồ Chí Minh. Mỗi tháng một lần anh vào TP. Hồ Chí Minh để liên hệ với khách hàng, nhận đặt hàng, nắm bắt mức độ tiêu thụ các sản phẩm của mình cũng như thu thập những mẫu mã mới. Khi chúng tôi đến, anh đang chuẩn bị xuất đi lô khung hình bằng tre mấy trăm chiếc. Chị Hạnh ở shop Ấn Tượng cho biết, tại cửa hàng của chị, các mặt hàng do anh làm ra đang được bán chạy nhất và rất được du khách Nhật yêu thích. Chị Hạnh cũng cho biết những mặt hàng này không thua kém về chất lượng và mẫu mã mà trước đây chị vẫn đặt mua hàng tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các cơ sở mỹ nghệ từ Bến Tre, Kiên Giang. Riêng mặt hàng những chiếc xách tay bằng tre lại được rất nhiều bạn trẻ chọn mua.

Anh cho biết, vừa qua có Việt kiều Pháp muốn mua những vật dụng bằng tre để tạo không gian Việt, nhất là những vật dụng trên bàn thờ tổ tiên. Anh đang suy nghĩ tìm tòi những mẫu mới để đáp ứng nhu cầu của khách.

Những mặt hàng của anh mới bắt đầu ra mắt thị trường nhưng đã có những dấu hiệu khả quan. Công tác tiếp thị và mở rộng thị trường đang được anh rất quan tâm. Theo anh, tạo một thị trường là quan trọng nhưng điều quan trọng hơn là phải tạo được niềm tin nơi khách hàng.

KIM TRANG