08:02, 10/02/2004

Đổi mới doanh nghiệp Nhà nước - Giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động ở doanh nghiệp

Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2010 là thời gian tập trung tiến hành đổi mới doanh nghiệp Nhà nước. Đây là một hướng đi mới nhằm tăng quyền quyết định hoạt động sản xuất kinh doanh đối với đại diện trực tiếp chủ sở hữu tại doanh nghiệp. Nhìn toàn diện, Khánh Hòa là một trong những địa phương đã có sự chuyển biến trong việc chuyển đổi DNNN.

Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2010 là thời gian tập trung tiến hành đổi mới doanh nghiệp Nhà nước(DNNN). Đây là một hướng đi mới nhằm tăng quyền quyết định hoạt động sản xuất kinh doanh đối với đại diện trực tiếp chủ sở hữu tại doanh nghiệp. Nhìn toàn diện, Khánh Hòa là một trong những địa phương đã có sự chuyển biến trong việc chuyển đổi DNNN.

Lợi ích kinh tế từ việc đổi mới DNNN

Từ khi chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, Tổng Công ty Khánh Việt đã đầu tư nhiều máy móc hiện đại để tăng hiệu quả trong hoạt động sản xuất.

Từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, Thường trực Tỉnh ủy đã giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành có liên quan xây dựng phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tỉnh. Nhờ có những biện pháp thực hiện đồng bộ các bước tiến hành chuyển đổi, khả năng quan sát kiểm tra hoạt động cụ thể từng DN và định hướng phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh nên phương án tổng thể để đổi mới và phát triển DNNN của Khánh Hòa được các ngành Trung ương đánh giá là tích cực và triệt để. Theo phương án đã được Chính phủ phê duyệt, đến 2005, tỉnh chỉ giữ lại 24 DN có 100% vốn Nhà nước; còn lại 30 DN chuyển đổi hình thức sở hữu.

Theo lộ trình đó, từ năm 2001 đến nay, tỉnh đã thực hiện sắp xếp lại 26 DNNN với tổng vốn Nhà nước tại thời điểm chuyển đổi hơn 119,1 tỷ đồng. Hiện tại, các DNNN đã chuyển đổi từ trên một năm đều hoạt động có hiệu quả. Chỉ tính riêng các công ty cổ phần, doanh thu đã tăng lên 28% so với thời điểm trước chuyển đổi. Đồng thời đã đưa lợi nhuận tăng lên gần 2,4 lần, thu nhập bình quân của người lao động tăng 25%, cổ tức bình quân đạt 19,24%/năm (trong đó có những DN cổ tức đạt đến 49%). Chính vì vậy, nhận thức về sự cần thiết phải sắp xếp, đổi mới để nâng cao hiệu quả của DNNN đã được nâng lên một bước trong đội ngũ lãnh đạo các DN, thể hiện ở chỗ đã nghiêm chỉnh thực hiện kế hoạch chuyển đổi mà UBND tỉnh đã định hướng; việc quản trị trong các công ty cổ phần đã có nhiều thuận lợi, tiến bộ, thông thoáng và chủ động hơn so với DNNN nên chi phí quản lý tại các DN được chuyển đổi giảm bình quân 25%, thậm chí có DN giảm đến 50%.

Song hành trên lộ trình đổi mới DNNN, tỉnh đã thành lập mới 2 DNNN hoạt động công ích về dịch vụ công cộng; đồng thời thí điểm thành lập Tổng Công ty Khánh Việt hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Qua thời gian bỡ ngỡ với hình thức hoạt động mới, đến nay, các DN đã có những bước tiến vững chắc và đạt hiệu quả cao trong lĩnh vực của mình.

Cần tiếp tục đổi mới nhận thức của nhiều thành phần

Sở dĩ đạt những hiệu quả trên là nhờ sự thay đổi trong nhận thức của lãnh đạo các DN khá triệt để. Nhìn lại những ngày mới có chủ trương chuyển đổi hình thức sở hữu các DNNN, hầu như từ lãnh đạo các sở, ban ngành cho đến DN đều không mấy “mặn mà” với chủ trương này. Bởi lẽ, các sở, ban ngành muốn có về mình càng nhiều DNNN càng tốt; được quyền giám sát, quản lý các DN trong lĩnh vực ngành nghề chuyên môn của mình được xem như là một vinh dự lớn. Nhưng hoạt động trong môi trường như thế chưa chắc đã thuận lợi cho DN. Về phía mình, các DN cũng vừa ngại và vừa sợ: Sợ mất đi quyền lợi được Nhà nước bao cấp vốn dĩ vẫn tồn tại từ rất lâu trong nền kinh tế của đất nước. Nhiều lãnh đạo DN cũng sợ mất đi quyền quản lý của mình, vì khi chuyển đổi hình thức sở hữu DNNN sẽ chuyển đổi từ hình thức bổ nhiệm người quản lý sang hình thức bầu ra người quản lý.

Sự sắp xếp lại hoạt động của DNNN diễn ra chậm do rất nhiều nguyên nhân khách quan. Theo ông Vương Đình Nuôi - Phó Ban Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển DN tỉnh: “Để một DNNN hoàn tất hình thức chuyển đổi phải qua rất nhiều khâu. Từ kiểm kê, xây dựng phương án, xây dựng điều lệ đều cần có thời gian nhất định. Ngoài ra, giữa các đơn vị quản lý và DN phải họp đi họp lại nhiều lần mới thống nhất được theo phương châm: Nhà nước không bị thiệt mà DN có thể chấp nhận được. Mặt khác, tâm lý các DN đã xác định chuyển đổi thường lấy thời gian vào cuối năm để làm mốc tài chính cho hoạt động của DN mới, nên quy trình chuyển đổi có thể không liên tục như định hướng”. Cũng theo ông Nuôi: Bây giờ rất nhiều DNNN muốn cổ phần hóa, vì họ đã nhận thức được việc tự chủ trong quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh. Còn người lao động tại các DN thì muốn cổ phần hóa để được hưởng ưu đãi và được tham gia quản lý vào DN.

Một khi các thủ tục đều thuận lợi thì việc chuyển đổi hình thức hoạt động DN sẽ được nhanh chóng. Nhưng nếu có một “sự cố” nào đó nảy sinh trong quá trình hoàn tất các quy trình thì hầu như mọi việc lại phải làm lại từ đầu; từ đó sẽ mất rất nhiều thời gian để Ban Đổi mới và Phát triển DN tỉnh hoàn thành kế hoạch đúng như dự kiến. Vì vậy, khi tiến hành chuyển đổi hình thức hoạt động ở các DNNN rất cần sự khẩn trương và đồng bộ từ trong nhận thức của tất cả các đơn vị hữu quan chứ không chỉ riêng gì bản thân DN.

LÊ HOÀNG TRIỀU