Nhiều năm trước đây, không khí lao động sản xuất đầu năm ở Nhà máy Đóng tàu Nha Trang (nay là Công ty Công nghiệp Tàu thủy Nha Trang) thường trầm lắng, thiếu sôi nổi, nhưng những năm gần đây, điều đó đã có nhiều đổi khác. Xuân Giáp Thân nay, từ mùng 6 Tết, các phân xưởng của Công ty đã bước vào sản xuất với sự nhộn nhịp khẩn trương chưa bao giờ có...
Nhiều năm trước đây, không khí lao động sản xuất đầu năm ở Nhà máy Đóng tàu Nha Trang (nay là Công ty Công nghiệp Tàu thủy Nha Trang) thường trầm lắng, thiếu sôi nổi, nhưng những năm gần đây, điều đó đã có nhiều đổi khác. Xuân Giáp Thân nay, từ mùng 6 Tết, các phân xưởng của Công ty đã bước vào sản xuất với sự nhộn nhịp khẩn trương chưa bao giờ có.
Đóng mới tàu trọng tải 2.000 tấn ở Công ty Công nghiệp Tàu thủy Nha Trang. |
Ông Bùi Hữu Sỹ, Giám đốc Công ty cho biết: Không khí lao động ở Công ty sôi nổi khẩn trương ngay từ những ngày trước Tết. Cụ thể là sau khi hạ thủy tàu Bình Dương 16 trọng tải 1.000 tấn, lắp máy 650 CV đóng cho Công ty Vận tải Bình Dương, tỉnh Thái Bình, ngày 30-11-2003, cán bộ, kỹ sư, công nhân Công ty lại triển khai một loạt công việc: Tiếp tục hoàn tất lắp đặt các bộ phận và thiết bị còn lại của tàu Bình Dương để kịp bàn giao trước Tết theo hợp đồng; triển khai đặt ky đóng mới chiếc tàu dài 60,47m; rộng 9,7m; cao 4,3m; trọng tải 1.200 tấn cho Công ty TNHH Vũ Long - Nha Trang; đóng mới cho Công ty Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn 2 tàu kéo công suất 600 CV và 1.200 CV; sửa chữa tàu vỏ thép, vỏ composite cho Bộ đội Biên phòng, Bộ đội Hải quân, các đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh cũng như khách nước ngoài. Ngày 13-1-2004 (tức 22 Tết Giáp Thân), tàu Bình Dương 16 đã rẽ sóng vượt biển ra Quy Nhơn nhận chuyến hàng đầu tiên chở về Thái Bình, phục vụ nhân dân địa phương vui Tết đón Xuân trong niềm vui của cán bộ công nhân Công ty Bình Dương và của cán bộ công nhân Công ty Công nghiệp Tàu thủy Nha Trang. Ngày 15-1-2004, đặt ky đóng mới tàu Hải Thịnh 45, trọng tải 2.000 tấn cho Công ty TNHH Hải Thịnh, Diên Điền, Thái Thụy, Thái Bình. Thời điểm đó, tàu 1.200 tấn của Công ty Vũ Long cũng đã ở giai đoạn hoàn thiện chi tiết phần vỏ. Vẫn áp dụng phương án đóng mới tổng đoạn, có sự hỗ trợ phần mềm Autoship nên tuy mặt bằng của Công ty không rộng lắm, nhưng tiến độ thi công vẫn được đảm bảo. Chẳng những vậy, ngày 28-1-2004, tức mồng 7 Tết, Công ty còn lên đà sửa chữa tàu Hoàng Hóa - Thanh Hóa trọng tải 700 tấn. Từ trước Tết, dây chuyền composite cũng nhộn nhịp với việc đóng 10 chiếc ca nô cho Công ty Du lịch Quảng Ninh (kích thước 5,4 đến 6,4m, lắp máy 115 đến 200 CV) và 20 chiếc khác cho đồng bằng sông Cửu Long. Theo kế hoạch, ngày 10 - 2, Công ty sẽ làm lễ đặt ky đóng tiếp tàu 2.000 tấn, dài 69m, rộng 10,8m, cao mạn 5,4m, công suất máy 816 CV cho một khách hàng tại Nha Trang.
Chưa bao giờ không khí lao động sản xuất ở Công ty Công nghiệp Tàu thủy Nha Trang lại rộn ràng như những ngày đầu Xuân Giáp Thân này. Đó là nhận xét của nhiều cán bộ công nhân của Công ty. Quả thật, hiện tại toàn bộ mặt bằng của Công ty cả ở ngoài trời lẫn trong xưởng đã kín chỗ với những con tàu vỏ thép đồ sộ, những chiếc ca nô vỏ composite trắng bóng… Suốt ngày, tiếng cọ xát của sắt thép vang lên chan chát, ánh lửa hàn sáng chói. Bên cạnh đó, là công nhân đóng những chiếc ghe đánh cá vỏ gỗ, mặc dù việc đóng tàu vỏ gỗ ở Công ty bây giờ đã là chuyện thi thoảng. Ông Phan Thành Hóa, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật của Công ty cho biết: Với công việc hiện nay, Công ty đang thiếu lao động, kể cả cán bộ kỹ thuật và công nhân. Dự kiến, Công ty sẽ hợp đồng với một số thợ từ ngoài Bắc vào tăng cường thêm. Phó Giám đốc Phan Thành Hóa còn tiết lộ: Chỉ tiêu pháp lệnh sản xuất năm 2003 với sản lượng 30 tỷ đồng, Công ty đã hoàn thành xuất sắc. Chỉ tiêu pháp lệnh sản xuất năm 2004 Tổng Công ty giao sản lượng 40 tỷ đồng, doanh thu 50 tỷ đồng, tăng hơn gấp rưỡi so với năm ngoái. Ngay từ những ngày đầu Xuân này, toàn bộ kế hoạch đó đã được triển khai thực hiện trên mặt bằng của Công ty. Tất cả đang chạy theo thời gian và chất lượng sản phẩm. Anh Phan Văn Thanh, quê Quảng Nam vào học nghề hàn và làm việc ở nhà máy từ năm 1986, nay là thợ bậc 6/7, một trong 4 tổ trưởng tổ hàn phần vỏ vui mừng tâm sự: Từng gắn bó với nhà máy lâu năm, đã trải qua những giai đoạn thăng trầm, nay thấy Công ty phát triển, anh em rất phấn khởi, càng ra sức sản xuất, góp phần xây dựng Công ty. Anh Nguyễn Văn Thành, 41 tuổi, quê Thanh Hóa vào nhà máy từ năm 1987, trước đây ở phân xưởng mộc, sau đó chuyển sang phân xưởng triền đà, năm 2000 được lãnh đạo nhà máy cho sang Ba Lan học kỹ thuật nhựa composite, nay là Phó Quản đốc phân xưởng, cho biết: Dây chuyền công nghệ sản xuất tàu vỏ composite của Công ty hiện thuộc loại lớn trong cả nước. Mặc dù chưa phát huy hết khả năng do tập quán sử dụng composite của nhân dân ta chưa quen, giá thành lại cao, anh vẫn tin tưởng trong thời gian tới khi yêu cầu bảo vệ rừng ngày càng nghiêm ngặt thì công nghệ composite sẽ chiếm lĩnh thị trường tàu cá và các loại phương tiện nổi khác. Cán bộ công nhân kỹ thuật nhựa composite của Công ty đã và đang sẵn sàng phục vụ.
Những ngày đầu Xuân ở Công ty Công nghiệp Tàu thủy Nha Trang càng rộn rã hơn khi ngày 3-2-2004, đúng ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, UBND tỉnh Khánh Hòa và Tổng Công ty Tàu thủy Việt Nam chính thức thông qua dự án mặt bằng Nhà máy Đóng tàu Cam Ranh với vốn đầu tư giai đoạn I 595 tỷ đồng, có năng lực đóng mới tàu vỏ thép 10.000 tấn và sửa chữa tàu 50.000 tấn. Hy vọng Nhà máy Đóng tàu Cam Ranh sẽ mở ra tương lai mới đầy hứa hẹn cho Công ty Công nghiệp Tàu thủy Nha Trang cũng như ngành Công nghiệp tàu thủy Khánh Hòa.
NGUYỄN XUÂN