Khắc phục khó khăn về nguyên liệu chế biến, chú ý đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu, trang thiết bị phục vụ sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm… các doanh nghiệp chế biến thủy sản (CBTS) trong tỉnh đã vươn lên, đứng vững trên thị trường. Thời điểm cuối năm, tin vui đến với ngành Thủy sản Khánh Hòa: Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) thủy sản đạt 153 triệu USD (năm 2002 đạt 140 triệu USD), đã có 38 doanh nghiệp (DN) tham gia CBTS, tăng 4 DN so với năm ngoái, sản phẩm thủy sản xuất khẩu tiêu thụ mạnh trên các thị trường: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… Tuy nhiên, việc CBTS cũng đang gặp không ít khó khăn, trắc trở.
Khắc phục khó khăn về nguyên liệu chế biến, chú ý đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu, trang thiết bị phục vụ sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm… các doanh nghiệp chế biến thủy sản (CBTS) trong tỉnh đã vươn lên, đứng vững trên thị trường. Thời điểm cuối năm, tin vui đến với ngành Thủy sản Khánh Hòa: Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) thủy sản đạt 153 triệu USD (năm 2002 đạt 140 triệu USD), đã có 38 doanh nghiệp (DN) tham gia CBTS, tăng 4 DN so với năm ngoái, sản phẩm thủy sản xuất khẩu tiêu thụ mạnh trên các thị trường: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… Tuy nhiên, việc CBTS cũng đang gặp không ít khó khăn, trắc trở.
Từ nguồn nguyên liệu chế biến dồi dào…
Chế biến các mặt hàng thủy sản đông lạnh xuất khẩu tại Công ty Chế biến thủy sản xuất khẩu Nha Trang. |
Khánh Hòa có bờ biển dài hàng trăm cây số, có nhiều cơ quan trực thuộc Trung ương nghiên cứu về môi trường biển, nuôi trồng thủy sản (NTTS). Những yếu tố thuận lợi ấy đã tạo đà cho ngành NTTS phát triển. Các loại hải sản, đối tượng nuôi mới cũng dần được đưa vào sản xuất đại trà: Tôm sú, tôm hùm, cá mú, ốc hương, ghẹ, hải sâm, bào ngư… làm đa dạng hóa các loại mặt hàng thủy sản xuất khẩu. Nghề nuôi tôm sú của Khánh Hòa có mức độ “thâm niên” vào bậc nhất trong khu vực Nam Trung bộ. Hiện nay, diện tích đìa nuôi tôm sú đã phát triển lên đến trên 5 nghìn ha, sản lượng nuôi trồng hàng năm đạt khoảng từ 6 đến 7 nghìn tấn. Cùng với nuôi trồng, các đội tàu đánh bắt thủy sản ven biển, xa bờ cũng phát triển không kém. Với hàng nghìn con tàu có công suất từ 50 CV trở lên, ngư cụ, trang bị phương tiện đánh bắt hiện đại (máy bộ đàm, máy tầm ngư…), đã đưa sản lượng đánh bắt hải sản hàng năm của tỉnh lên khoảng 65 nghìn tấn. Đây chính là những điều kiện rất thuận lợi cho Khánh Hòa phát triển ngành CBTS.
Thuận lợi sẵn có. Tuy nhiên, những năm gần đây, NTTS gặp nhiều rủi ro, chịu sức cạnh tranh gay gắt của thị trường. Đây chính là những khó khăn, thách thức lớn đối với hoạt động CBTS. Để tồn tại, đứng vững trước sức cạnh tranh của thị trường, các DN CBTS phải tự “cứu lấy mình”: Chủ động tìm nguồn nguyên liệu sạch phục vụ chế biến, đưa trang thiết bị, công nghệ hiện đại vào sản xuất (hệ thống đông rời, hệ thống kho cấp đông -20oC) với mức độ đổi mới 75%, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến nơi tiêu thụ, không ngừng cải tiến mẫu mã và chiếm lĩnh thị trường. Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Sở Thủy sản Khánh Hòa, cho biết: “Giá tôm năm nay ít biến động so với năm ngoái. Ngay từ đầu vụ, Sở Thủy sản chỉ đạo các đơn vị CBTS phải tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc thu mua tôm nguyên liệu để thúc đẩy ngành NTTS phát triển. Đầu năm, giá tôm sú nguyên liệu rất cao, tôm loại 1 (30 con/kg) có lúc lên đến 110 nghìn đồng/kg. Vào thời điểm đầu vụ nuôi, do cạnh tranh khốc liệt, các DN CBTS không đủ tôm nguyên liệu phục vụ chế biến, phải thu mua tôm từ các tỉnh khác. Cuối vụ, từ tháng 7 trở đi, mối lo thiếu tôm sú nguyên liệu như năm ngoái không còn. Giá tôm cuối vụ tuy có giảm đôi chút, khoảng 90 nghìn đối với tôm loại 1. Với giá này, nếu tôm không bị dịch bệnh, năng suất đạt từ 4 tấn tôm/ha nuôi trồng trở lên, người nuôi tôm vẫn có lãi. Vùng tôm sú nguyên liệu năm nay vừa đủ phục vụ chế biến. Mặt hàng cá đông lạnh xuất khẩu năm nay gặp nhiều khó khăn do mất mùa, nhiều DN phải chuyển sang chế biến các mặt hàng thủy sản khác: Ghẹ đông lạnh, cá ngừ đại dương, tôm khô, mực tẩm, ruốc khô, cá cơm săn… Do vậy, KNXK thủy sản của Khánh Hòa năm nay vẫn ổn định, giữ vững. Đến cuối năm, các DN đã chế biến và xuất khẩu được 24 nghìn tấn hải sản các loại, trong đó tôm sú đông lạnh chế biến 7 nghìn tấn, tổng KNXK thủy sản đạt 153 triệu USD. Đây là một thành công và cố gắng lớn của ngành Thủy sản và các DN CBTS”.
Đến khó khăn đầu ra sản phẩm
Tôm hùm Sủng Ké. |
Năm 2004 sẽ là một năm khó khăn, thách thức lớn đối với CBTS Khánh Hòa, bởi Bộ Thủy sản giao cho ngành Thủy sản Khánh Hòa phải đạt KNXK 160 triệu USD. Muốn đạt KNXK thủy sản cao, bên cạnh việc bảo đảm nguồn nguyên liệu chế biến, đòi hỏi phải mở rộng quy mô, hiệu quả sản xuất, tăng cường tiếp thị sản phẩm, chiếm lĩnh thị trường. Vụ kiện cá tra, cá basa của Việt Nam vừa qua đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm đắt giá: Trong CBTS không chỉ chú trọng thị trường ngoài nước mà phải chú ý đến thị trường trong nước, vấn đề nghiên cứu thị trường, sức “hút” của thị trường, để từ đó điều tiết sản phẩm thủy sản xuất khẩu phù hợp. Trong tình hình hiện nay, để bảo đảm việc sản xuất, kinh doanh, 38 DN CBTS trong tỉnh phải tự vươn lên, không ngừng đổi mới trang thiết bị, đưa chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, chú ý các hệ thống quản lý chất lượng (QLCL) HACCP, ISO, code EU. Tiêu chuẩn HACCP rất quan trọng, là tiêu chuẩn về điểm giới hạn của mối nguy đối với hệ thủy sản, tất cả tiêu chuẩn vệ sinh vượt qua giới hạn đều bị hủy bỏ. Tiêu chuẩn này áp dụng ở nhiều nước, được Bộ Thủy sản chỉ đạo tất cả các DN CBTS phải tuân theo. Hiện Khánh Hòa đã có 6 DN đạt tiêu chuẩn hệ thống QLCL quốc tế ISO. Riêng đối với tiêu chuẩn QLCL theo code EU, Khánh Hòa đã có 4 DN đạt được: Công ty CBTS xuất khẩu Nha Trang, Công ty Cổ phần Hải sản Nha Trang, Công ty TNHH Trúc An, Công ty TNHH Thủy sản Nha Trang. Do bị ràng buộc bởi các hệ thống QLCL nên hàng thủy sản xuất khẩu phải trải qua nhiều “rào cản”, bị kiểm định ngày càng khắt khe. Đây là cơ hội và cũng là thách thức lớn đối với các DN. Khó khăn nối tiếp khó khăn. Từ trước đến nay, thị trường Mỹ rất ưa chuộng mặt hàng tôm sú của Khánh Hòa. Thị trường này năm ngoái “ăn” khoảng 25% sản lượng tôm sú đông lạnh của tỉnh. Năm nay, mức độ tiêu thụ đã tăng lên khoảng 40%.
Trước thềm năm mới, ngành CBTS Khánh Hòa đã để lại nhiều “dấu ấn” khó quên, đạt KNXK cao nhất từ trước tới nay. Điều này khẳng định sản phẩm sau chế biến đã thật sự chiếm lĩnh thị trường, chất lượng bảo đảm theo các hệ thống QLCL, vượt qua sự kiểm định của những nước được đánh giá là “khó tính”. Sang năm mới, chắc chắn ngành CBTS Khánh Hòa sẽ gặp nhiều thử thách mới. Với tất cả những cố gắng, kết quả đạt được, hy vọng mục tiêu KNXK 160 triệu USD trong lĩnh vực NTTS sẽ nằm trong tầm tay.
MINH TUẤN