07:12, 02/12/2003

Xây dựng Vân Phong thành vùng kinh tế trọng điểm

Vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) là điểm gần đường hàng hải quốc tế nhất của nước ta, có đủ điều kiện thuận lợi về tự nhiên, kinh tế xã hội để hình thành nên một trung tâm kinh tế, trong đó lấy việc trung chuyển hàng hóa là trung tâm. Điều này sẽ trở thành hiện thực vào cuối năm 2005.

Một góc Vịnh Vân Phong.
Ảnh: PHẠM QUANG SÁNG

Vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) là điểm gần đường hàng hải quốc tế nhất của nước ta, có đủ điều kiện thuận lợi về tự nhiên, kinh tế xã hội để hình thành nên một trung tâm kinh tế, trong đó lấy việc trung chuyển hàng hóa là trung tâm. Điều này sẽ trở thành hiện thực vào cuối năm 2005.

Trên bản đồ địa lý thương mại quốc tế, Việt Nam có vị trí tương tự như một chợ đầu mối nằm ở ngã ba đường hàng hải quốc tế. Từ châu Âu về Đông Bắc Á; từ châu Âu qua châu Á, tiếp tới Bắc Mỹ; tuyến Bắc Á đi Nam Á, tới châu Úc và ngược lại. Nơi đây có mật độ tàu bè qua lại khá cao chuyên chở một lượng hàng hóa lớn đi các châu lục. Vì vậy nảy sinh những yêu cầu khách quan về dịch vụ trung chuyển hàng hóa, về cung cấp hậu cần, về dịch vụ hàng hải và cần có một khu vực thuận tiện để tránh gió bão... Khu vực vịnh Vân Phong - Khánh Hòa là điểm cực Đông về đất liền của Tổ quốc, gần đường hàng hải quốc tế nhất của nước ta, có đủ điều kiện thuận lợi về tự nhiên, kinh tế xã hội để hình thành nên một trung tâm kinh tế lấy việc trung chuyển hàng hóa là trung tâm, tạo tiền đề thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển theo.

Xét về xu thế thương mại hàng hải trên thế giới và khu vực thấy rằng Đông Nam Á hiện nay được đánh giá là khu vực phát triển kinh tế đầy tiềm năng và năng động nhất thế giới. Mới đây, Thái Lan đã lập một dự án đào kênh Kra nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương với chiều dài khoảng 102 km, dự định khởi công năm 2005 và hoàn thành năm 2020. Khi đó đường hàng hải quốc tế từ Ấn Độ Dương phía Đông sang Thái Bình Dương phía Tây không phải vòng xuống Singapore và Malaysia mà sẽ đi qua vịnh Thái Lan tiến gần hơn vào phía Nam mũi Cà Mau rồi chập vào đường hàng hải quốc tế Bắc - Nam chạy gần sát vùng biển Vân Phong - Khánh Hòa.

Trong tổng lượng hàng hóa vận chuyển qua đường biển trên các tuyến đường hàng hải quốc tế có tới 50% đi qua vùng biển Đông Á, đồng thời có tới 65% lượng hàng vào Mỹ cũng qua khu vực này nên các tuyến hàng hải trên đều hoạt động khá nhộn nhịp. Hơn thế nữa, Đông Á là khu vực phát triển kinh tế năng động nhất thế giới hiện nay và còn tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới, dẫn tới tăng trưởng về thương mại và giao lưu hàng hóa bằng đường biển tại khu vực cũng mạnh hơn. Những yếu tố đó tạo nên một thời cơ thuận lợi mà ít nơi nào có được để Việt Nam hình thành nên một trung tâm kinh tế hàng hải tại Vân Phong.

Vì đặc điểm hàng hóa tập trung trong khu vực, nên các hãng vận tải lớn đều chọn khu vực Đông Á làm khu trung chuyển và phân phối hàng hóa, và hệ quả là sự thiếu hụt về cảng trung chuyển trong khu vực. Hiện khu vực Đông Nam Á mới chỉ có Singapore và Hồng Công có cảng trung chuyển tầm cỡ quốc tế. Trong khi một số nước khác, dù có tiềm năng về kinh tế, nhưng không hội đủ điều kiện địa lý tự nhiên và điều kiện địa lý kinh tế chính trị hàng hải để xây dựng cảng trung chuyển quốc tế như Việt Nam.

Ngoài yếu tố vị trí thuận lợi trên bản đồ chính trị - kinh tế - thương mại hàng hải quốc tế, vịnh Vân Phong còn có nhiều yếu tố khách quan về tự nhiên như địa hình, địa chất, thủy văn rất thuận lợi để hình thành cảng trung chuyển quốc tế. Điều tra khảo sát của các cơ quan tư vấn cho thấy:

Về địa hình, Vân Phong là một vịnh lớn với diện tích khu nước khoảng 30.000 ha được che chắn tự nhiên tốt bởi bán đảo Hòn Gốm nên tránh được sóng lớn và hoàn toàn kín gió, rất an toàn cho tàu bè ra vào và cập cảng. Độ sâu khu nước khá lý tưởng và không bị bồi lấp. Độ sâu trung bình khu vực là 16m. Độ sâu khu vực Hòn Gốm dự kiến xây dựng cảng đạt 18-20m rất phù hợp cho các tàu cỡ lớn hiện nay.

Luồng vào cảng có 2 tuyến ra vào, chiều dài ngắn khoảng 15-20km, độ sâu từ 18-27m, chiều rộng nhỏ nhất cũng đạt 700m được che chắn tốt rất thuận lợi cho tàu hàng hải. Đường bờ có tính ổn định cao, ít sa bồi.

Điều kiện địa chất của vịnh tốt, thuận lợi cho việc xây dựng công trình. Vì thế, ngày 5-6-2003, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GT-VT đã giao cho Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam làm chủ đầu tư để tiến hành công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi "Dự án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong” cho giai đoạn khởi động để sao cho tới cuối năm 2005 bắt đầu đi vào khai thác với 2 bến đầu tiên.

Do đây là một dự án lớn có mức đầu tư cao cần huy động mọi nguồn lực của các đơn vị tổ chức khác nhau, nhà nước cần có những chính sách thích hợp để kêu gọi đầu tư, đóng góp tài chính từ các chủ hàng, chủ tàu lớn trong nước và nước ngoài, từ các ngân hàng thương mại, các công ty bảo hiểm, các tổ chức tài chính lớn trên thế giới. Ngoài chức năng là một cảng trung chuyển quốc tế, việc đầu tư xây dựng này còn góp phần thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế khác nhau của tỉnh Khánh Hòa cũng như cả nước như du lịch, thủy sản, công nghiệp đóng tàu, dịch vụ…

Theo quy hoạch chi tiết đang trình Chính phủ, dự án cảng Vân Phong sẽ được nghiên cứu với khả năng trung chuyển container cho giai đoạn cuối cùng đạt 17 triệu TEUs với cỡ tàu tới 15.000 TEUs (tàu Mega Container Ships) và được chia ra nhiều giai đoạn đầu tư:

Giai đoạn khởi động tới năm 2005: Có tổng lượng hàng thông qua là 0,5 triệu TEUs và cỡ tàu có trọng tải 4.000 TEUs (tàu Panamax), bao gồm: xây dựng 2 bến dài 600m với các hệ thống công trình hoàn chỉnh và hệ thống cơ sở hạ tầng đầy đủ phục vụ cho hoạt động của cảng. Tổng diện tích toàn cảng khoảng 36 ha. Tổng mức đầu tư khoảng trên 100 triệu USD.

* Giai đoạn 1 tới năm 2010: Quy hoạch cho lượng hàng 1 triệu TEUs và tàu có trọng tải 4.000 TEUs (tàu Panamax), bao gồm: 4 bến cho tàu lớn và 3 bến cho tàu nhỏ với tổng chiều dài 1.680m. Tổng diện tích khu đất là 118 ha. Tổng mức đầu tư 209 triệu USD.

* Giai đoạn 2 tới năm 2020: Quy hoạch cho lượng hàng 2 triệu TEUs và 4,5 triệu TEUs với tàu có trọng tải 4.000 - 6.000 TEUs (tàu Panamax, Post Panamax), bao gồm: 9 bến cho tàu lớn và 6 bến cho tàu nhỏ với tổng chiều dài 3.790m. Tổng diện tích khu đất là 254 ha. Tổng mức đầu tư 418 triệu USD.

Nếu kênh đào Kra của Thái Lan được thực hiện theo đúng kế hoạch thì phương án xây dựng cho lượng hàng 4,5 triệu TEUs sẽ được quy hoạch với chỉ tiêu sau: 15 bến cho tàu lớn và 6 bến cho tàu nhỏ với tổng chiều dài 5.710m. Tổng diện tích khu đất là 405ha. Tổng mức đầu tư 941 triệu USD.

* Giai đoạn tiềm năng sau năm 2020: Quy hoạch cho lượng hàng 17 triệu TEUs với tàu có trọng tải tới 15.000 TEUs (tàu Mega Container Ships), bao gồm: 35 bến cho tàu lớn và 6 bến cho tàu nhỏ với tổng chiều dài 5.710m. Tổng diện tích khu đất là 746ha. Tổng mức đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD.

TRẦN VĂN ON 

 (Theo báo Sài Gòn giải phóng ngày 27-11-2003)