Đầu cầu Bình Tân, đối diện với khu dân cư Hòn Rớ I là Công ty Công nghiệp Tàu thủy (CNTT) Nha Trang (Nha Trang SICO), thuộc Tổng Công ty CNTT Việt Nam. Được thành lập từ năm 1985 với tên gọi Xí nghiệp Tàu thuyền Khánh Hòa, có lúc doanh nghiệp tưởng như đứng bên bờ vực thẳm của sự phá sản. Thế nhưng vài năm gần đây liên tiếp có tin vui: Nhà máy được đầu tư dây chuyền công nghệ composite thuộc loại tiên tiến; lần đầu tiên đóng mới tàu biển từ 1.200 đến 2.000 tấn và một ngày không xa sẽ có thêm Nhà máy đóng tàu quy mô lớn với vốn đầu tư 595 tỷ đồng sẽ được xây dựng tại phường Cam Phú, thị xã Cam Ranh.
Tàu Thái Bình 16 trọng tải 1.000 tấn vừa được hạ thủy. |
Đầu cầu Bình Tân, đối diện với khu dân cư Hòn Rớ I là Công ty Công nghiệp Tàu thủy (CNTT) Nha Trang (Nha Trang SICO), thuộc Tổng Công ty CNTT Việt Nam. Được thành lập từ năm 1985 với tên gọi Xí nghiệp Tàu thuyền Khánh Hòa, có lúc doanh nghiệp tưởng như đứng bên bờ vực thẳm của sự phá sản. Thế nhưng vài năm gần đây liên tiếp có tin vui: Nhà máy được đầu tư dây chuyền công nghệ composite thuộc loại tiên tiến; lần đầu tiên đóng mới tàu biển từ 1.200 đến 2.000 tấn và một ngày không xa sẽ có thêm Nhà máy đóng tàu quy mô lớn với vốn đầu tư 595 tỷ đồng sẽ được xây dựng tại phường Cam Phú, thị xã Cam Ranh.
Ngày 21-4-1997, Thủ tướng Chính phủ có quyết định chuyển Xí nghiệp Tàu thuyền Khánh Hòa về Tổng Công ty CNTT Việt Nam và đổi tên thành Nhà máy Đóng tàu Nha Trang.
Ngay từ đầu, chủ trương của Tổng Công ty là đầu tư mạnh để nâng cao năng lực sản xuất cho Nhà máy. Năm 1998 - 1999, Nhà máy được giao triển khai nạo vét lòng sông cửa Bé, đảm bảo cho các loại tàu thuyền trọng tải lớn ra vào dễ dàng. Năm 2000, Tổng Công ty quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất tàu vỏ nhựa composite theo công nghệ Ba Lan; xây mới đường triền 600 - 1.000 tấn; xây mới cầu cảng, hệ thống đường nội bộ, điện nước… với vốn đầu tư 27 tỷ đồng. Bộ mặt của Nhà máy thay đổi hẳn và năng lực sản xuất cũng tăng lên. Năm 2001 doanh thu 23 tỷ đồng, năm 2002 đạt xấp xỉ 30 tỷ, kế hoạch năm 2003 Tổng Công ty giao 35 tỷ. Điều đáng nói là Nhà máy cho ra đời một loạt sản phẩm mang thương hiệu Nha Trang SICO như: Sà lan tự hành 200 tấn; tàu hút bùn 300m3/giờ; các loại tàu vỏ nhựa đánh bắt xa bờ từ 17 đến 20m, ca nô cao tốc, tàu du lịch; sửa chữa các loại tàu vỏ sắt, vỏ composite và cả đóng mới lẫn sửa chữa các loại tàu cá vỏ gỗ. Lần đầu tiên Nhà máy có những khách hàng đến hợp đồng đóng tàu vận tải loại lớn như Công ty Bình Dương tỉnh Thái Bình, đóng tàu 1.000 tấn; Công ty Vũ Long, Khánh Hòa đóng tàu 1.200 tấn và cũng đã có khách hàng khác hợp đồng đóng tàu 1.700, 2.000 tấn. Ngày 30-10-2003, Nhà máy cho hạ thủy chiếc tàu Bình Dương 16 vỏ thép, trọng tải 1.000 tấn đầu tiên được đóng mới. Và cũng là lần đầu tiên, Công ty thực hiện hợp đồng đóng mới 2 đầu kéo công suất 1.200CV cho Công ty Ship Marine TP. Hồ Chí Minh.
Thêm một tin vui lớn: Đầu năm 2003, Tổng Công ty CNTT Việt Nam quyết định đầu tư giai đoạn 2 cho Nhà máy Đóng tàu Nha Trang với số vốn 595 tỷ đồng. Ban Giám đốc Nhà máy lập dự án và đã đượïc UBND tỉnh thông báo giao đất tại phường Cam Linh, thị xã Cam Ranh. Để có đủ điều kiện triển khai thực hiện nhiệm vụ mới, tháng 10-2003, Tổng Công ty CNTT Việt Nam ra quyết định đổi tên Nhà máy Đóng tàu Nha Trang thành Công ty CNTT Nha Trang. Đồng thời để mở rộng hoạt động kinh doanh, đa dạng hóa mô hình sản xuất và sản phẩm, Công ty CNTT Nha Trang còn thành lập thêm Công ty Xây dựng Bình Tân. Riêng Nhà máy Đóng tàu Cam Ranh sẽ có khả năng đóng mới tàu 15.000 tấn và sửa chữa các loại tàu có trọng tải 50.000 tấn. Để chuẩn bị cho Nhà máy ra đời, đi vào hoạt động, hiện tại Công ty đã liên kết với trường Đào tạo nghề miền Trung tổ chức đào tạo nghề cho 60 quân nhân xuất ngũ, trong đó có 18 đảng viên.
Điều đáng mừng là năng lực sản xuất, uy tín và triển vọng của Công ty ngày càng có hướng mở rộng. Tuy nhiên, Ban Giám đốc Công ty thấy còn có nhiều việc phải làm. Điều băn khoăn trước tiên là dây chuyền composite chưa phát huy hết hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân: Do khách hàng chưa quen sử dụng composite, do giá cả còn cao, do mẫu mã chưa thật phù hợp… Nhà máy đang và sẽ tập trung tháo gỡ từng vấn đề nhằm nhanh chóng đưa mặt hàng composite trở nên quen thuộc đối với khách hàng… Riêng Nhà máy Đóng tàu Cam Ranh, Giám đốc Bùi Hữu Sỹ cũng rất cẩn trọng: Chưa nói trước được điều gì, song hy vọng tương lai của Nhà máy là bước đột phá cho sự phát triển kinh tế khu vực Cam Ranh.
Có thể hy vọng như vậy, bởi sự định hướng của Tổng Công ty CNTT Việt Nam đang thực sự mở ra bước phát triển mới cho Công ty CNTT Nha Trang. Trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng với niềm vui, niềm hy vọng, cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật của Công ty hơn bao giờ hết đang ra sức đoàn kết phấn đấu, để sớm đi đến thời kỳ mới của Công ty.
NGUYỄN XUÂN