Tháng 10, Khánh Vĩnh thường có mưa chiều. Đến hẹn lại lên, mùa trồng rừng đã đến. Tất bật với công việc, công nhân Lâm trường Bắc Khánh Vĩnh khẩn trương trồng rừng, để những mầm xanh của núi rừng ngày càng sinh sôi nảy nở. Những cánh rừng thuần chủng keo lai, dầu rái, sao đen… có giá trị kinh tế, đang mang lại màu xanh cho những vùng đất bạc màu ở Khánh Vĩnh.
Công nhân Lâm trường Bắc Khánh Vĩnh chăm sóc rừng trồng (dầu, sao) đã khép tán tại xã Khánh Trung. |
Tháng 10, Khánh Vĩnh thường có mưa chiều. Đến hẹn lại lên, mùa trồng rừng đã đến. Tất bật với công việc, công nhân Lâm trường Bắc Khánh Vĩnh khẩn trương trồng rừng, để những mầm xanh của núi rừng ngày càng sinh sôi nảy nở.
Mùa mưa năm nay đến với Khánh Vĩnh sớm hơn so với mọi năm. Đến Lâm trường Bắc Khánh Vĩnh, chúng ta sẽ thấy ngay không khí náo nức của cán bộ, nhân viên Lâm trường trong công tác trồng rừng. Tất cả đều khẩn trương. Công nhân Lâm trường cho biết, tranh thủ trời hửng nắng phải đào gốc ngay, xuống cây kịp thời, bởi thời gian trồng rừng trước mùa mưa không nhiều, chỉ 1 tháng. Nếu trồng chậm, mưa xuống, trồng rừng dưới mưa, không gì khổ bằng!
Công nhân Lâm trường rất vui khi đến thời điểm này đã trồng được hơn một nửa diện tích rừng theo kế hoạch. Mùa khô vừa qua, tuy công tác phòng chống cháy rừng thực hiện khá chu đáo, nhưng Khánh Vĩnh cũng không tránh khỏi nạn cháy rừng. Tuy không nhiều, nhưng hàng chục hecta rừng trồng chủ yếu ở 3 xã Khánh Hiệp, Khánh Trung, Khánh Bình “đội nón ra đi” theo mây khói. Thế là mùa mưa này phải trồng lại. Hiện Lâm trường vừa phải lo khôi phục, trồng lại diện tích rừng đã mất, vừa phải trồng rừng theo kế hoạch được giao theo đúng tiến độ. Theo chỉ tiêu, mùa mưa năm nay Lâm trường trồng 200ha rừng có giá trị kinh tế cao: Sao, dầu… Xung quanh các vành đai rừng trồng, giống cây keo lai được trồng phổ biến, do nhanh thu hoạch, có tác dụng bảo vệ vành đai rừng trồng.
Từ năm 2001 trở đi, Lâm trường chuyển sang hạch toán kinh doanh. Đi giữa khu rừng sao, dầu xanh mướt ở xã Khánh Trung đã khép tán, cao trên 4m, thẳng tắp, trồng rất đẹp mắt, Giám đốc Lâm trường Bùi Phước Kiệt không giấu được niềm vui: “Vùng đất này xưa kia hoang hóa, bị đồng bào vùng cao phát dọn làm nương rẫy, hàng trăm ha rừng hiện nay xưa kia vốn là đất trống, đồi núi trọc. Lâm trường vào cuộc, mảnh đất này “đổi đời”. Những vùng đất tưởng chừng như hoang hóa, nay được thay tấm áo mới bằng những khu rừng sao, dầu thuần chủng, có giá trị kinh tế cao”. Đối với những loại rừng này, thời gian càng dài càng có giá trị. Từ năm 1987 đến nay, Lâm trường đã trồng 3.068ha rừng kinh tế (sao, dầu), riêng 3 năm trở lại đây Lâm trường trồng mới trên 1 nghìn ha rừng. Rừng sau khi trồng được Lâm trường phối hợp với đồng bào tại địa phương có biện pháp chăm sóc, bảo vệ nghiêm ngặt nên những cánh rừng sinh trưởng rất nhanh.
Kinh nghiệm trồng rừng đã được Lâm trường rút ra: Rừng sau khi trồng phải phối hợp với người dân địa phương trong công tác trồng, bảo vệ, chăm sóc là điều hết sức cần thiết. Thời gian qua, Lâm trường đã làm tốt công tác này. Với những chính sách khuyến khích, làm tốt công tác vận động nhân dân địa phương tham gia trồng rừng nên những cánh rừng trồng và rừng tự nhiên của Lâm trường không bị tàn phá. Mùa trồng rừng đến, đồng bào dân tộc Raglai nơi đây rất vui vì có công ăn việc làm, thu nhập từ trồng rừng. Nhiều hộ đã thoát khỏi đói nghèo từ rừng, nhiều hộ nhận giao khoán rừng sống được với rừng, biết làm kinh tế từ rừng. Anh Hung - Phó Giám đốc Lâm trường, nhẩm tính: Lâm trường chỉ thực hiện những khâu quan trọng, có liên quan đến kỹ thuật, còn lại các khâu phát dọn thực bì, đào lỗ, vận chuyển, trồng rừng… đều do đồng bào thực hiện. Tùy theo từng địa hình, mỗi ngày công trồng rừng dao động từ 25 - 30 nghìn đồng. Mùa mưa đến, công tác trồng rừng thu hút khoảng 600 đồng bào tham gia. Rồi công chăm sóc trên 9 nghìn ha rừng tự nhiên và rừng trồng đã khép tán, mỗi ha được 50 nghìn đồng. Vừa tiền trồng rừng, cộng với khoản thu nhập khoanh nuôi bảo vệ rừng, trung bình mỗi đồng bào nơi đây có thu nhập khoảng 450 nghìn đồng/tháng. Nếu hộ nào vừa tham gia trồng rừng, vừa nhận giao khoán rừng từ 20ha rừng trở lên, mỗi năm thu nhập khoảng 4 triệu đồng. Dưới tán rừng trồng, nhiều hộ đồng bào đã biết phát triển kinh tế từ rừng qua các mô hình chăn nuôi, khai thác dây mây, lồ ô… Chính từ những điều này, Lâm trường không chỉ giải quyết được nguồn lao động tại chỗ, mà còn gắn đồng bào với rừng, tránh được tình trạng đốt nương, làm rẫy như trước đây. Cũng từ công tác dân vận tốt, giao khoán quản lý và bảo vệ rừng đến từng hộ dân, những cánh rừng trồng ở Khánh Vĩnh đã thật sự có chủ.
Mùa trồng rừng năm nay, Lâm trường Bắc Khánh Vĩnh phấn đấu hoàn thành kế hoạch sớm. Một tin vui: Từ năm nay trở đi, Lâm trường Bắc Khánh Vĩnh sẽ không còn ươm giống keo lai bằng hạt mà chuyển sang ươm bằng hom. Khi trồng, chất lượng cây và hiệu quả kinh tế từ những khu rừng keo lai ươm bằng hom sẽ được nâng lên. Những cánh rừng thuần chủng keo lai, dầu rái, sao đen… có giá trị kinh tế, đang mang lại màu xanh cho những vùng đất bạc màu ở Khánh Vĩnh.
VŨ TRUNG HÙNG