Cuộc sống của đồng bào dân tộc Raglai ở Khánh Sơn bây giờ khá hơn trước nhiều. Nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nạn phá rừng, đốt rẫy, du canh du cư giờ đây không còn, đồng bào đã biết trồng cây lúa nước, phát triển kinh tế vườn nhà, vườn rừng. Tiếng đàn đá Khánh Sơn ngày nào vẫn cất lên những làn điệu du dương…
Cuộc sống của đồng bào dân tộc Raglai ở Khánh Sơn bây giờ khá hơn trước nhiều. Nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nạn phá rừng, đốt rẫy, du canh du cư giờ đây không còn, đồng bào đã biết trồng cây lúa nước, phát triển kinh tế vườn nhà, vườn rừng. Tiếng đàn đá Khánh Sơn ngày nào vẫn cất lên những làn điệu du dương…
Từ dồn sức cho miền núi…
Một vườn sầu riêng ở Khánh Sơn đang ra trái bói. |
Ông Hoàng Văn Trường, Q.Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Lãnh đạo huyện xác định muốn kinh tế - xã hội (KT - XH) Khánh Sơn đi lên phải nhanh chóng đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, phải tiến hành sản xuất luân canh, xen canh, trồng tăng vụ, chọn giống cây trồng vật nuôi có năng suất và hiệu quả kinh tế cao”. Muốn Khánh Sơn đi lên, trước mắt huyện xác định phải giải quyết số hộ đói nghèo, những gia đình đói giáp hạt. Mà biện pháp duy nhất là chú trọng sản xuất nông nghiệp, trực tiếp vẫn là trồng lúa nước. Vấn đề này không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai, vì thâm canh lúa nước ngoài yếu tố kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác còn phải có nguồn nước thủy lợi - yếu tố hàng đầu. Mấy năm gần đây, đồng bào đã biết áp dụng, đưa dần những tiến bộ KHKT vào sản xuất, chọn các loại giống cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế để phát triển kinh tế hộ gắn với kinh tế vườn đồi, vườn rừng. Điển hình như năm 2002, huyện đã cứu đói bằng cách cung cấp cho đồng bào 14 tấn bắp giống TSB1 và 7 tấn giống lúa Trang Nông 15 kèm với 12 tấn lúa giống cho năng suất, sản lượng cao (ML48, ML49, TH330…). Nhờ vậy, những vùng trọng điểm lúa của huyện (Sơn Trung, Sơn Hiệp, Sơn Bình, Sơn Lâm, Ba Cụm Bắc…) đã có năng suất cao, có nơi đạt trên 40 tạ/ha.
Từ năm 1999 đến nay, Khánh Sơn đã xây dựng 974 ngôi nhà cho đồng bào, trong đó tỉnh hỗ trợ 916 ngôi nhà. Nét nổi bật là các gia đình thương binh, liệt sĩ, bệnh binh nghèo, già làng, trưởng bản, các gia đình có công với cách mạng được có huân, huy chương đều được giải quyết về chỗ ở. Mạng lưới điện đã phủ gần như 100% thôn, bản. Thôn 4, xã Thành Sơn, một nơi có địa hình dốc, núi non hiểm trở nhưng đồng bào cũng đã được dùng lưới điện quốc gia. Theo ngành Điện, Khánh Sơn hiện nay có số hộ dùng lưới điện quốc gia rất cao, nếu không kể những vùng lõm, số hộ có điện đã lên đến 80%. Ông Trường cho biết: “Đối với những hộ đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, huyện đã hỗ trợ kinh phí khoảng 130 triệu đồng mua 40 con bò cấp phát cho 80 gia đình có điều kiện chăn nuôi, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp trước mắt, muốn đời sống người dân Khánh Sơn dần cải thiện, thoát nghèo, cần phải có chiến lược, biện pháp lâu dài, đúng hướng, gắn với kinh tế hàng hóa”.
Đến phát triển kinh tế vườn nhà, vườn rừng
Thu hoạch mía ở Khánh Sơn. |
Theo chương trình phát triển KT - XH miền núi giai đoạn 2001 - 2005, dự án phát triển kinh tế vườn nhà, vườn rừng được xem là mấu chốt cho sự phát triển của Khánh Sơn. Chương trình phát triển kinh tế này sẽ giúp đồng bào xóa dần tập quán du canh du cư, nên khi thực hiện, các cấp, các ngành đã đặc biệt quan tâm, hỗ trợ kinh phí ban đầu, đó là ngoài việc được hỗ trợ về cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu… một héc-ta vườn nhà sẽ được nhận kinh phí nhân công 1 triệu đồng, kinh phí nhân công cho đất trồng rừng là 2,5 triệu đồng. Thế là, bước đầu người dân phát triển kinh tế hộ đã thật sự gắn được với rừng. Chủ trương của huyện là sẽ khảo sát, thiết kế đo đạc 170ha đất vườn nhà cho 117 hộ đồng bào dân tộc Raglai, tập trung ở các xã Sơn Bình, Sơn Trung, Sơn Hiệp, Thành Sơn, Ba Cụm Bắc, phát triển mạnh các loại cây ăn quả thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng, đang được thị trường ưa thích. Qua khảo sát, dự kiến Khánh Sơn bỏ ra hàng tỷ đồng để mua hàng chục nghìn giống cây ăn quả chủ lực (chôm chôm, bưởi, sầu riêng) cấp phát cho đồng bào. Muốn phát triển kinh tế vườn, huyện đề ra chủ trương vừa tổ chức tập huấn kỹ thuật, vừa cử cán bộ đến từng thôn, bản hướng dẫn cho đồng bào cách trồng, chăm sóc cây. Đối với kinh tế vườn rừng, Khánh Sơn chú trọng phát triển 150 ha keo lai tại 2 xã Sơn Bình và Ba Cụm Nam. Kinh tế vườn rừng ở Khánh Sơn đang là bước đột phá trong tư duy của người dân đối với mô hình kinh tế nông - lâm kết hợp.
Trồng cây ắt sẽ đến ngày hái quả. Khi gắn với thị trường, giá trị nông sản sẽ tăng lên rất cao. Cây mía tím là một thí dụ. Hiện Khánh Sơn đã phát triển được trên 100 ha mía tím, khả năng còn phát triển khoảng 600 ha. Năm nay, mía tím Khánh Sơn tiêu thụ khắp nơi, được người tiêu dùng ưa thích. Mỗi năm người dân thu lãi trên 25 triệu đồng/ha mía tím. Những mầm xanh từ mảnh đất Khánh Sơn đang chớm nở. Cùng với cây mía tím, trong tương lai không xa, các khu rừng keo lai, đàn bò hướng nạc, chôm chôm, măng cụt, bưởi, sầu riêng… vừa là đặc sản, vừa giúp đồng bào Raglai thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu.
MINH TUẤN