02:11, 27/11/2003

Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng rong sụn

Do tình cờ mà cây rong sụn đã gắn với cuộc đời và sự nghiệp của ông Huỳnh Quang Năng - Phân viện Phó Phân viện Khoa học vật liệu Nha Trang, người có công đầu trong việc nghiên cứu và trồng rong thương phẩm có giá trị kinh tế cao. Theo thời gian, rong sụn có giá trị xuất khẩu, bây giờ đã có mặt khắp nơi.

Thu hoạch rong sụn ở xã Vạn Phước, Vạn Ninh.

Do tình cờ mà cây rong sụn đã gắn với cuộc đời và sự nghiệp của ông Huỳnh Quang Năng - Phân viện Phó Phân viện Khoa học vật liệu Nha Trang, người có công đầu trong việc nghiên cứu và trồng rong thương phẩm có giá trị kinh tế cao. Theo thời gian, rong sụn có giá trị xuất khẩu, bây giờ đã có mặt khắp nơi.

Khánh Hòa phát triển mô hình trồng rong sụn chưa nhiều, mới chỉ có khoảng 30 ha ở khu vực Sũng Ké, vịnh Vân Phong, Vạn Ninh. Các khu vực đầm, vịnh khác rất thích hợp với mô hình trồng rong sụn (đầm Nha Phu, vịnh Nha Trang, vịnh Cam Ranh) nhưng chưa được người dân chú ý. Mấy năm nay, hàng nghìn lồng nuôi ốc hương và tôm hùm ở Vạn Ninh đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường biển. Tưởng là khó có thể tái tạo lại sự trong sạch môi trường biển nơi đây, không ngờ lại xuất hiện cây rong sụn, vừa là đối tượng có thể nuôi chung với tôm hùm, ốc hương, vừa có tác dụng cải tạo môi trường. Được biết, mô hình trồng rong sụn mới phát triển được trên 2 năm đã nhanh chóng chiếm ưu thế, bởi vốn đầu tư cho cây rong rất ít nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Nếu điều kiện môi trường, nguồn nước thông thoáng, độ mặn phù hợp, thì 1kg giống sau 2 tháng nuôi trồng sẽ phát triển gấp 10 lần. Một số hộ trồng rong sụn ở Sũng Ké cho biết, chi phí đầu tư ban đầu để trồng rong sụn rất thấp, cả tiền đầu tư vật liệu, cọc, phao, dây… chỉ hết 15 triệu đồng, vụ thứ 2 trở đi khỏi đầu tư. Trồng rong sụn ít cực nhọc, thời gian thu hoạch nhanh, chỉ trong vòng 2 tháng, không phải tốn chi phí thức ăn, chỉ tốn công chăm sóc.

Ra Sũng Ké, chúng tôi đến mô hình trồng rong của anh Võ Đình Đàng. Không cam chịu cảnh cái nghèo cứ mãi đeo bám, anh rời Nha Trang ra khu vực này trồng rong sụn. Buổi ban đầu, năm 1991, anh trồng thử 5 tạ rong trên diện tích khoảng nửa héc-ta mặt nước. Chịu thương, chịu khó, lăn lộn với sóng gió đến nay anh đã nhân giống phát triển mô hình lên đến 3 ha. Dưới làn nước trong xanh, ta có thể nhìn thấy từng hòn đá xen cát nằm chênh vênh dưới đáy; từng chùm rong non mơn mởn bám vào dây căng đang đưa mình dưới nước. Anh cho biết, mỗi năm thu hoạch khoảng 4 lứa. Trồng 3 ha, mỗi lứa thu 30 tấn, một năm thu khoảng 120 tấn rong tươi. 10 tấn rong tươi phơi khô lấy được 1 tấn rong khô, bán ra thị trường khoảng 5,3 triệu đồng. Mỗi năm, anh thu lãi khoảng 50 triệu đồng.

Thấy vậy mà rất khó. Vụ rong vừa qua, trên 10 hộ trong vùng đã phải “điêu đứng” vì rong bỗng nhiên bị bệnh lủn thân. Theo ông Năng, căn bệnh trắng, lủn thân thường gặp trên cây rong sụn, mà nguyên nhân xảy ra dịch bệnh là do nhiệt độ nước cao (33 - 35oC), nguồn nước không lưu chuyển tốt, cường độ ánh sáng quá cao hoặc quá thấp, độ mặn của nước giảm xuống đột ngột. Biện pháp khắc phục duy nhất là nhanh chóng thu, cắt bỏ các phần bị bệnh, hạ dàn rong xuống cách mặt nước từ 0,6 - 0,8m, di chuyển dàn rong đến vùng có dòng chảy tốt, thường xuyên có gió và sóng.

Mới đây, Công ty cổ phần Rong biển Việt Nam xuất khẩu lô hàng 18 tấn rong khô đi Philippines. Đầu ra của rong sụn đã mở. Trong mục tiêu sắp tới, Vạn Ninh sẽ đưa mô hình trồng rong sụn lên khoảng 400 ha. Và Khánh Hòa với hàng trăm cây số đường biển, với nhiều vịnh, đầm đang có nhiều triển vọng khi phát triển mô hình này cũng phải tính đến việc quy hoạch, phân vùng trồng rong, để tránh thiệt hại, rủi ro cho người nuôi trồng.

VŨ TRUNG HÙNG