Mấy năm gần đây, xã Diên Thọ (Diên Khánh) xuất hiện một nghề mới: nghề nuôi dê. Một số bà con nông dân thấy được hiệu quả kinh tế của việc chăn nuôi dê đã phát triển đàn dê đông tới cả trăm con. Nghề nuôi dê bước đầu mở ra hướng xóa đói giảm nghèo (XĐGN) có hiệu quả.
Mấy năm gần đây, xã Diên Thọ (Diên Khánh) xuất hiện một nghề mới: nghề nuôi dê. Một số bà con nông dân thấy được hiệu quả kinh tế của việc chăn nuôi dê đã phát triển đàn dê đông tới cả trăm con. Nghề nuôi dê bước đầu mở ra hướng xóa đói giảm nghèo (XĐGN) có hiệu quả.
Là người mới định cư ở thôn Phú Thọ (Diên Thọ) mười năm trở lại đây, với những kinh nghiệm sẵn có về nghề nuôi dê, anh Cao Bá Nghĩa (42 tuổi) người gốc Nghệ An đã quyết định nuôi dê ở đây. Anh Nghĩa cho biết: Gia đình anh có nghề nuôi dê cha truyền con nối, nên khi vào đây lập nghiệp thấy khí hậu và đồng cỏ phù hợp với việc phát triển đàn gia súc đặc biệt là con dê nên đã quyết định đầu tư nuôi dê. Dê sinh sản 1 năm 1 lứa, mỗi lứa trung bình 2 con. Với giá cả như hiện nay cho lãi khá so với chăn nuôi các loại gia súc khác. Năm 2001, năm đầu tiên đầu tư nuôi dê, anh Nghĩa mua dê giống của một hộ dân ở đèo Rù Rì, TP. Nha Trang. Với số vốn có được, anh chọn mua 31 con gồm 20 dê cái và 11 dê đực (bình quân 700.000 đồng/con), trong đó có một số con có thể sinh sản ngay. Dê giống mua về thuộc loại dê lai giữa giống dê cỏ địa phương và dê bách thảo nên có giá rẻ hơn dê thuần bách thảo. Sau đó anh bắt tay vào làm chuồng trại, chuồng dê nhất thiết phải làm sàn cách mặt đất chừng 1m, có lối đi lên, xung quanh rào bằng lưới B40, anh nhốt riêng dê lớn với dê nhỏ. Dê là loại phàm ăn, hầu hết các loại lá cây đều là thức ăn của dê. Tuy vậy, dê không bao giờ ăn lúa nên có thể chăn thả ở gần vùng ruộng lúa. Vùng Phú Thọ với địa hình bán sơn địa, có nhiều ngọn đồi chạy dọc đến tận Lâm trường Khánh Vĩnh, thức ăn dồi dào. Vì vậy, mới hơn 2 năm mà đàn dê của anh Nghĩa đã phát triển lên tới 96 con. Hàng ngày, anh phải thuê 2 người chăn dắt với mức thù lao 600.000 đồng/người/tháng. Giá cả hiện nay khá hấp dẫn (24.000 đồng/kg dê hơi, nếu là dê cái giống giá đến 2,8 triệu đồng/con).
Còn ông Trần Quang Trung (64 tuổi) người mới quyết định nuôi dê thì cho biết: Ở Diên Thọ có nhiều đồi núi, đồng cỏ hoang nhưng chưa được khai thác tốt. Sau khi đi xem các nơi nuôi dê đều phát triển tốt và có hiệu quả nên gia đình ông quyết định nuôi dê. Ông đi rất nhiều nơi để tìm hiểu cách nuôi và quyết định đầu tư 22 triệu đồng để làm chuồng và mua 12 con giống, trong đó có 5 dê cái. Ông mua dê giống tận Phan Rang (Ninh Thuận) và cũng là giống lai dê cỏ và dê bách thảo. Để phòng bệnh cho dê, hàng ngày ông Trung phải dùng nước muối khử chuồng và không thả dê khi sương còn đọng trên lá cây. Kinh nghiệm của những hộ nuôi dê cho thấy, dê rất dễ nuôi, ít bệnh, nếu có thường gặp chỉ là bệnh lở mồm long móng và bệnh chướng hơi như trâu bò.
Diên Thọ nói riêng và Diên Khánh nói chung với địa hình bán sơn địa hội đủ điều kiện để phát triển đàn dê đông tới hàng ngàn con. Dê có ưu điểm dễ nuôi, dễ bán, sinh sản nhanh, không kén chọn thức ăn, ít bệnh, là đối tượng nuôi đang được sự chú ý của nhiều nông dân. Hiện nay, dê được nuôi tập trung ở Diên Thọ, Diên Tân và Suối Cát, có hộ phát triển ở quy mô trang trại.
Nuôi dê không phải là nghề mới nhưng để có hiệu quả cao, người chăn nuôi rất cần được hướng dẫn kỹ thuật cụ thể từ các ngành chức năng. Sản phẩm từ dê khá đa dạng và phong phú. Thịt dê và sữa dê chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Thịt dê là món ăn khoái khẩu của nhiều người, nhất là khách du lịch và từ lâu trở thành đặc sản. Phát triển nghề nuôi dê chắc chắn là hướng XĐGN hiệu quả cần được các cấp, các ngành quan tâm nghiên cứu và nhân rộng.
QUANG VIÊN