Nâng lãi suất tiền gửi để thu hút nguồn vốn huy động tiết kiệm từ dân cư là chiến lược "truyền thống" mà các ngân hàng thương mại thường sử dụng khi nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế tăng. Tuy nhiên, chiến lược này không đem lại nguồn vốn ổn định, xét về lâu dài, cho ngân hàng.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Chi nhánh Khánh Hòa. |
Nâng lãi suất tiền gửi để thu hút nguồn vốn huy động tiết kiệm từ dân cư là chiến lược "truyền thống" mà các ngân hàng thương mại (NHTM) thường sử dụng khi nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế tăng. Tuy nhiên, chiến lược này không đem lại nguồn vốn ổn định, xét về lâu dài, cho NH.
Thời gian qua, các NHTM đồng loạt tăng lãi suất huy động bởi nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng cao. Tính đến hết tháng 8-2003, tổng nguồn vốn huy động của các NHTM trên địa bàn tỉnh đạt 2.468 tỷ đồng, tăng 128 tỷ đồng so với đầu năm, và tăng 286 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2002. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm của dân cư đạt 1.677 tỷ đồng, chiếm 68% trong tổng nguồn vốn huy động, tăng 305 tỷ so với đầu năm, tăng 428 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Mới đây các NHTM đã đồng loạt cắt giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Song, động thái này có được giữ lâu hay không trong khi các NHTM đều biết rằng nhu cầu vốn từ nay đến cuối năm sẽ còn tiếp tục tăng cao?
Từ trước đến nay, để huy động được nguồn vốn dồi dào, mỗi NHTM có nhiều chiến lược khác nhau. Nhưng, chiến lược nâng lãi suất tiền gửi tiết kiệm được coi là chiến lược "truyền thống" mà các NHTM thường sử dụng. Bởi vì, nếu có vốn nhàn rỗi nhỏ, người dân chỉ có thể gửi tiết kiệm, mua đôla, mua vàng, chứ ít khi nghĩ đến các hình thức đầu tư ngắn hạn khác như mua tín phiếu kho bạc, chứng chỉ tiền gửi của NH. Trong tình hình hiện nay, với mức giá cao và không ổn định của vàng, có thể nói gửi tiết kiệm tại NH là lựa chọn cho phép dân chúng hưởng lãi suất chắc chắn nhất với mức độ an toàn cao. Vì vậy, mỗi khi nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng cao thì cuộc chạy đua tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm giữa các NHTM cũng không kém phần hấp dẫn. Nếu so sánh thì cuộc chạy đua giữa các NHTM để giành được nguồn vốn dồi dào cũng gay cấn như cuộc đua giữa các doanh nghiệp để thỏa mãn tối đa nhu cầu của khách hàng nhằm tiêu thụ được sản phẩm và dịch vụ.
Tuy nhiên, các NH đều thừa nhận rằng chiến lược tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm không phải là chiến lược tối ưu trong điều kiện thị trường tài chính Việt Nam hiện nay. Chiến lược này không đem lại nguồn vốn ổn định xét về lâu dài cho NH, kể cả khi NH kết hợp lãi suất cao với các phương thức khuyến mãi như gửi tiền được tham dự rút thăm trúng thưởng xe, nhà, vàng… Bởi chiến lược này không khác gì cuộc đua hạ giá bán để tăng doanh số của các doanh nghiệp sản xuất. Nó có thể hiệu quả nhưng không lâu dài. Vì khi có một NHTM khác thực hiện chiến lược tương tự nhưng mức lãi suất và phương thức khuyến mãi hấp dẫn hơn thì khách hàng sẵn sàng từ bỏ NHTM đang giao dịch để gửi tiền vào NHTM khác. Ngoài ra, việc tăng lãi suất huy động đồng nghĩa với tăng chi phí đầu vào, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh.
Từ nay đến cuối năm, nhu cầu vốn tín dụng chắc chắn sẽ tăng cao. Việc chạy đua tăng lãi suất huy động có tái diễn hay không còn phụ thuộc vào nguồn vốn của mỗi NHTM. Theo một số NHTM quốc doanh thì việc chạy đua tăng lãi suất huy động sẽ khó có thể tái diễn, bởi cuộc cạnh tranh giữa các NH không chỉ cạnh tranh về lãi suất mà còn cạnh tranh về chất lượng dịch vụ. Chính chất lượng dịch vụ là yếu tố quyết định sự thành bại trong kinh doanh NH. Trong hoạt động huy động vốn, ngoài công cụ lãi suất có thể thu hút khách hàng bằng việc tạo ra các tiện ích NH tiên tiến như: dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, rút tiền, dịch vụ NH tự động… Thông qua các dịch vụ này, vốn được huy động vào NH; tuy không trực tiếp nhưng hiệu quả hơn rất nhiều so với cách thu hút vốn trực tiếp bằng các tài khoản cho hưởng lãi truyền thống. Vì thông thường, để được sử dụng các dịch vụ thanh toán, khách hàng phải ký quỹ tại NH và được hưởng lãi suất tương xứng. Tuy mức lãi suất không cao nhưng khách hàng được sử dụng các tiện ích thanh toán hiện đại, rất thuận tiện và miễn phí. Thông qua tiền ký quỹ của khách hàng khi sử dụng các dịch vụ này, NH có được lượng vốn dồi dào, ổn định với lãi suất thấp. Ngoài ra, cái được đáng giá hơn của NH khi tạo ra các dịch vụ tiện ích này là có được lượng khách hàng ổn định và thân thiết. Bởi vì, khi đã được thuyết phục bởi các dịch vụ thuận tiện mà mình đã quen thuộc, khách hàng ít nghĩ đến việc chuyển sang sử dụng dịch vụ của một NH khác vì các chi phí chuyển đổi có thể phát sinh hoặc mất cơ hội hưởng các chính sách khách hàng thân thiết.
Hiện tại, một số doanh nghiệp trong tỉnh đã bắt đầu làm quen với dịch vụ chi trả lương nhân viên qua NH. Đây là cơ hội để các NHTM trên địa bàn có thể phát triển dịch vụ, đồng thời tạo ra một lượng khách hàng mới. Khi ấy, nhân viên của khối doanh nghiệp sẽ là khách hàng cung cấp vốn ổn định lâu dài cho NH và NH sẽ có thể thực hiện các dịch vụ thanh toán ở phạm vi và mức độ rộng lớn hơn. Tuy nhiên, chiến lược này đòi hỏi các NHTM phải có sự cam kết lâu dài, đó là liên tục tạo ra dịch vụ mới với chất lượng cao và luôn thoả mãn nhu cầu của khách hàng.
THU HIỀN