Mấy năm nay, Khánh Hòa rất chú trọng đến công tác đào tạo nghề, hướng nghiệp, đáp ứng tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thế nhưng, vấn đề đào tạo nghề đang gặp rất nhiều khó khăn, tay nghề, chất lượng đội ngũ lao động sau khi đào tạo còn quá thấp, trong khi nhu cầu tuyển dụng thì cao. Làm thế nào khắc phục được tình trạng này?
Giờ thực hành của học viên trường Trung học Kỹ thuật và Nghiệp vụ Khánh Hòa. |
Mấy năm nay, Khánh Hòa rất chú trọng đến công tác đào tạo nghề, hướng nghiệp, đáp ứng tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thế nhưng, vấn đề đào tạo nghề đang gặp rất nhiều khó khăn, tay nghề, chất lượng đội ngũ lao động sau khi đào tạo còn quá thấp, trong khi nhu cầu tuyển dụng thì cao. Làm thế nào khắc phục được tình trạng này?
“Thợ” có thiếu?
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 rất chú trọng công tác đào tạo nghề, hướng nghiệp, xác định phải tạo ra bước đột phá, cung cấp đội ngũ công nhân có tay nghề cao phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ông Phan Thông, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nhận xét: “Sau hơn 2 năm thực hiện công tác này, các trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp trong tỉnh đã có sự chuyển biến. Điều này thể hiện ở chỗ mô hình đào tạo đa dạng hơn, ngành học phong phú hơn. Hiện nay, không chỉ chú trọng các ngành nghề phổ thông, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, các trung tâm hướng nghiệp còn mở ra các ngành nghề đào tạo mới, thiết thực: Du lịch, điện tử dân dụng, điện xí nghiệp, tiện phay bào, kỹ nghệ sắt… So với trước, đội ngũ công nhân, thợ lành nghề bây giờ “thực tế”, năng động hơn. Công nhân sau khi tốt nghiệp ra trường tự tìm việc làm, tự tìm khoản thu nhập phù hợp với công sức của mình”. Hơn 2 năm qua, 46 trung tâm hướng nghiệp và dạy nghề trong tỉnh đã đào tạo 32.159 công nhân, cung cấp cho các nhà máy, xí nghiệp, các đơn vị sản xuất trong tỉnh. Theo thống kê, số học viên sau khi đào tạo tỷ lệ tìm được việc làm là 60%. Số công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ học nghề dài hạn có tỷ lệ tìm việc làm đạt 86%. Hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tỉnh mới chỉ chiếm khoảng 17%.
Bây giờ, quan điểm của giới trẻ đã thay đổi. Ngưỡng cửa đại học không còn là mối quan tâm duy nhất, mà học ngành nào, nghề nào ổn định, có thu nhập cao, dễ tìm việc làm mới là mối quan tâm. Thực tế đã chứng minh mấy năm gần đây, xu thế học sinh sau khi tốt nghiệp PTTH đăng ký thi vào các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp ngày càng tăng. Vậy là sự bất hợp lý về nghề nghiệp trong xã hội dần được khắc phục, “thầy” dần giảm, “thợ” tăng lên. Đó cũng là quy luật tất yếu của cơ chế thị trường. Cũng từ quy luật ấy, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp (DN) ngày càng khắt khe hơn. Người lao động được tuyển dụng, sau khi có bằng về chuyên môn, phải còn hội đủ các yếu tố khác: Kinh nghiệm thực tế, ngoại ngữ … Thế nhưng, từ thực tế đào tạo, sinh viên, các thợ lành nghề vẫn chưa đáp ứng đủ các chỉ tiêu mà các nhà đầu tư, sản xuất đề ra. Do đội ngũ công nhân lành nghề trong các nhà máy, xí nghiệp còn quá thiếu nên nhiều DN tuyển dụng đã phải “nhắm mắt lấy đại”, lấy rồi về lại đào tạo tiếp. Nhiều công ty, DN lớn trong tỉnh muốn tìm khoảng 1.000 thợ lành nghề, thế nhưng không dễ, có ngành cần tìm nhưng ít người học. Bởi vậy, một thời gian Nhà máy Tàu biển Hyundai - Vinashin phải chạy đôn chạy đáo đi tìm nhân công từ các tỉnh khác. Rồi hơn 30 DN chế biến thủy sản trong tỉnh không thể nào tìm ra được hàng trăm công nhân lành nghề. Một biện pháp duy nhất có thể thực hiện là đào tạo công nhân ngay tại DN. Ngành du lịch trong tỉnh hiện đang rất cần, nhưng đội ngũ hướng dẫn viên được đào tạo đúng chuyên môn, có bài bản, vẫn chưa đáp ứng đủ. Đó là những bất cập mà nhiều nhà sản xuất, các DN rất trăn trở.
Chất lượng đào tạo ra sao?
Ở Khánh Hòa, nhu cầu tuyển dụng lao động rất cao, nhưng người lao động có tay nghề cao vẫn còn thiếu, chất lượng đào tạo chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu. Vì sao có tình trạng này?
Trước hết, kinh phí đào tạo đối với các trường trung học, hướng nghiệp, dạy nghề còn quá thấp. Ông Lê Ngọc Hộ, Phó Hiệu trưởng trường Trung học Kỹ thuật và Nghiệp vụ Khánh Hòa, cho biết: “Hiện nay, quy định khung học phí của các học viên còn quá thấp, không quá 220.000 đồng/tháng, trong khi đó mặt bằng chung của cả nước là 350.000 đồng/tháng đối với dạy nghề ngắn hạn. Đối với trường chúng tôi, rất nhiều nghề có mức học phí quá cao như kỹ thuật hàn điện phải từ 400.000 đồng/tháng, điện lạnh 300.000 đồng/tháng. Trong khi đó, cũng đào tạo các ngành này, Hyundai - Vinashin có kinh phí đào tạo lên đến 1,5 triệu đồng/tháng. Do thiếu kinh phí nên các học viên chủ yếu học lý thuyết, ít có thực hành, chất lượng đào tạo còn nhiều hạn chế”. Về máy móc, trang thiết bị cho các học viên thực hành hiện nay còn nhiều bất cập. Đa số các máy móc, thiết bị trong các trường hướng nghiệp, dạy nghề đều quá cũ kỹ, sản xuất từ những năm 1945, có mới cũng chỉ những năm 60, nên các học viên sau khi ra trường tay nghề còn quá non kém, không đáp ứng được nhu cầu của người tuyển dụng. Nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên hiện nay trong các trường hướng nghiệp, đào tạo nghề còn nhiều hạn chế. Toàn tỉnh có 239 giáo viên, duy nhất chỉ có 1 người được đào tạo trên đại học, còn lại 154 người đã đào tạo qua đại học, cao đẳng. Hiện có 39 người đang bồi dưỡng về tin học, ngoại ngữ. Đây chính là những nguyên nhân dẫn đến chất lượng đào tạo đội ngũ “thợ”chưa cao.
Thực hiện mục tiêu đến năm 2005, toàn tỉnh đạt 25% lao động qua đào tạo nghề, và đến năm 2010, tỷ lệ này nâng lên 30%, hiện có rất nhiều vấn đề cần phải tháo gỡ, giải quyết: Nâng cao chất lượng đào tạo, kinh phí đào tạo, đào tạo gắn với thực tiễn, đầu tư trang thiết bị máy móc thực hành… Có như vậy, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn lao động, đào tạo một đội ngũ thợ lành nghề đáp ứng với tình hình thực tế mới được giải quyết một cách căn bản.
VŨ TRUNG HÙNG