Hơn một tháng nay, Tỉnh lộ 9 nối liền Khánh Sơn và thị xã Cam Ranh ngày đêm nhộn nhịp xe tải, xe khách vận chuyển mía tím đi tiêu thụ khắp nơi. Thế là, vị ngon ngọt, vừa thơm vừa mềm của mía tím đã làm sống lại mảnh đất tưởng chừng như khô cằn này. Người dân rất vui mừng, đã có không ít hộ làm giàu từ cây mía.
Vận chuyển mía tím từ Khánh Sơn đi tiêu thụ khắp nơi.
|
Hơn một tháng nay, Tỉnh lộ 9 nối liền Khánh Sơn và thị xã Cam Ranh ngày đêm nhộn nhịp xe tải, xe khách vận chuyển mía tím đi tiêu thụ khắp nơi. Thế là, vị ngon ngọt, vừa thơm vừa mềm của mía tím đã làm sống lại mảnh đất tưởng chừng như khô cằn này. Người dân rất vui mừng, đã có không ít hộ làm giàu từ cây mía. Thế nhưng, nếu cứ để phát triển tự phát, không có sự quản lý, quy hoạch thì trong tương lai, cây mía tím dễ trở thành… chua!
Nhộn nhịp mùa mía tím
Từ năm 1993, cây mía tím bắt đầu xuất hiện trên mảnh đất Khánh Sơn. Theo một số người trồng mía lâu năm, mía tím đi lên Khánh Sơn từ Cam Ranh, do một người tên Nhật mang lên trồng thí điểm 1 ha ở thị trấn Tô Hạp. Cây mía trồng nơi này rất mượt, phát triển nhanh, thân to, ngọt lịm. Mía đã không phụ công anh. Vụ thu hoạch đầu tiên, chỉ bán trong vùng và những khu vực lân cận, với giá 1.000 đồng/cây, vườn mía của gia đình anh Nhật sau khi trừ đi các khoản chi phí lãi khoảng 10 triệu đồng. Tiếng lành đồn xa, thế là cây mía tím được đồng bào dân tộc Raglai và người dân biết đến, trồng nhân rộng ra khắp nơi.
Năm nay Khánh Sơn được mùa mía tím. Tháng 8, trên các ngả đường về thị trấn Tô Hạp, nhiều ruộng mía đang và sắp đến thời kỳ thu hoạch nối tiếp nhau trải dài một màu xanh xen lẫn màu tím trông rất đẹp mắt. Không khí vào vụ thu hoạch mía rất sôi động. Tôi đến thăm vườn mía tím của gia đình anh Nguyễn Bá Chiến, Phó Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn. Anh rất vui mừng vì mía năm nay bán rất nhanh và được giá. Nguyên vườn mía tím khoảng 8 sào của anh trước trồng cà phê. Thấy cà phê mất giá, từ năm 2000, anh quyết định chuyển sang trồng mía tím. Sau hơn 2 năm trồng mía, anh thấy hiệu quả kinh tế từ cây mía cao hơn nhiều so với cây trồng khác. Muốn mía thu hoạch phải trồng, chăm sóc mất 10 tháng. Mỗi sào mía đầu tư không cao lắm, cộng cả tiền giống mía, cày bừa, phân lạc, công bóc lá, công chăm sóc… chỉ tốn khoảng 2,5 triệu đồng. Trong khi mỗi bó mía 12 cây bán ngay tại ruộng giá trung bình khoảng 10.000 đồng, có lúc cao giá lên đến 12.000 đồng, tính ra mỗi sào mía thu vào từ 5 - 6 triệu đồng, lãi ròng trên 2 triệu đồng. Nếu mía bán chạy, năng suất cao, mỗi ha thu từ 3.000 bó mía trở lên, với giá như hiện nay (khoảng 1.000 đồng/cây), sau khi trừ chi phí, người trồng mía ở Khánh Sơn thu lãi trên 25 triệu đồng.
Hiện Khánh Sơn đã phát triển được 171 ha mía tím, với giá mía như hiện nay thì số tiền lãi thu về cho Khánh Sơn khoảng 4 tỷ đồng. Nhiều hộ trồng mía cho biết, không chỉ ở đầu vụ, đến cuối vụ, thị trường mía Khánh Sơn rất “nóng”, nhiều lúc tư thương thiếu hàng phải ra mua mía tại đám hoặc mua nguyên đám. Gần cuối vụ, trên Tỉnh lộ 9, từng đoàn xe tải, xe khách nối đuôi nhau chở mía tím đi tiêu thụ khắp nơi, có lúc đi xa tận Quy Nhơn, Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh.
Làm gì để mía ngọt, không chua?
Theo anh Phan Văn Sửu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn thì cây mía tím rất thích hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng nơi đây. Do tiêu thụ mạnh trên thị trường nên mỗi năm huyện phát triển thêm được khoảng 60 ha mía tím. Hiện Khánh Sơn có diện tích gieo trồng cây hàng năm là 2.300 ha, trong đó 246 ha cây lúa nước. Diện tích đất canh tác còn lại phát triển kinh tế vườn tạp và trồng các cây trồng khác, nếu chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì phát triển cây mía tím sẽ lên đến 600 ha. Vậy là Khánh Sơn còn khả năng phát triển được trên 300 ha mía tím! Và, nếu như Khánh Sơn tận dụng triệt để quỹ đất, người dân chuyển diện tích đất trồng cây cà phê sang thì diện tích mía tím sẽ cao hơn nhiều. Có điều, khi phát triển mạnh mía tím, đến một giai đoạn nào đó sợ rằng cung vượt quá cầu! Điều này không xa lạ gì đối với các mặt hàng nông nghiệp trong thời gian gần đây.
Hiện cây mía Khánh Sơn vẫn phát triển trong tình trạng tự phát, chưa có sự điều tiết hợp lý. Các vùng đất không thích hợp với cây mía, xa nguồn nước tưới đang được người dân khai thác triệt để. Nhà nhà đổ xô trồng mía. Năm nay, giá thuê đất trồng mía tím ở Khánh Sơn tăng vọt, 1 ha đất canh tác thuê với giá từ 1,5 - 2 triệu đồng. Đến khi nào cây mía tím mới có sự quản lý, quy hoạch?
Năm nay, mía tím được mùa, nhưng nỗi lo về tiêu thụ đang ngày một lớn thêm.
MINH TUẤN