02:09, 19/09/2003

Cà phê ơi! Hãy mở ra…

Những cơn mưa giữa thu ở núi rừng Khánh Sơn như tô điểm cho những vườn cà phê vừa chín bói thêm tươi đỏ. Từ trong các nách lá, những quả cà phê còn non như cố sức lớn lên, bung ra đón lấy ánh sáng mặt trời. Chúng có ngờ đâu rằng người trồng ra chúng đang sống dở chết dở. Mọi người đã cạn kiệt cả trí lẫn lực chỉ vì cây cà phê.

Thu hoạch cà phê chín bói.

Những cơn mưa giữa thu ở núi rừng Khánh Sơn như tô điểm cho những vườn cà phê vừa chín bói thêm tươi đỏ. Từ trong các nách lá, những quả cà phê còn non như cố sức lớn lên, bung ra đón lấy ánh sáng mặt trời. Chúng có ngờ đâu rằng người trồng ra chúng đang sống dở chết dở. Mọi người đã cạn kiệt cả trí lẫn lực chỉ vì cây cà phê.

Thời vàng son nay còn đâu!

Khoảng từ năm 1994, mọi người đổ xô nhau đi tìm mua giống, mua đất ở những vùng có điều kiện thích hợp để trồng cà phê. Trong thời gian đó, ở Khánh Sơn, ngoài một vài người địa phương, có thêm một số người dân từ các địa phương khác đổ về đây mua đất lập vườn trồng cà phê, nâng diện tích cà phê toàn huyện lên 44,5 ha. Thời kỳ vàng son những năm 1996 - 1997, cây cà phê sinh trưởng và phát triển tốt đã không phụ lòng mong đợi của nông dân. Giá cà phê tăng vọt (từ 38.000 - 42.000 đồng/kg) nên nhiều người đã có lãi hàng trăm triệu đồng trên mảnh vườn chỉ vài ba héc-ta. So với các vùng khác, một huyện miền núi nghèo như Khánh Sơn, thu nhập như thế đã là quá đủ để người nông dân vươn lên làm giàu chính đáng.

Xuất phát từ cây cà phê có giá, lãnh đạo huyện đã tiến hành nghiên cứu địa hình, thổ nhưỡng để quy hoạch vùng trồng, lập kế hoạch đề xuất cho vay vốn phát triển loại cây này. Nghị quyết HĐND huyện lần thứ 11 ghi rõ: Phấn đấu phát triển cây cà phê, nâng tổng diện tích đất trồng cà phê toàn huyện lên 1.000 ha. Chủ trương đã có; vả lại, người dân cũng khát khao được vươn lên làm giàu trên mảnh đất màu mỡ của mình nên họ tiến hành vay tiền ngân hàng để đầu tư mở rộng diện tích cây cà phê. Người ít cũng 10 triệu đồng, còn những người đầu tư lớn cũng vay đến vài chục triệu đồng (chủ yếu là người Kinh). Những năm đó, cây cà phê được mọi người chú ý hàng ngày hàng giờ, có nhiều người phất lên trông thấy. Nhưng cũng không ai lường hết được chữ “ngờ”. Sau khi mọi người, mọi nhà mạnh dạn lao vào đầu tư canh tác, họ đem cả gia tài của mình đi “đánh đổi” vay vốn Ngân hàng, đặt hết niềm tin vào rẫy cà phê thì diễn biến thị trường lại không như những gì họ mong muốn. Cà phê liên tục rớt giá, rớt đến thê thảm, nhất là từ năm 1999 trở đi. Thậm chí cà phê chín cũng chẳng mấy ai buồn ngó tới; vì có thu hoạch bán đi cũng không đủ tiền trả công cho người hái quả. Không ai thiết tha đến việc chăm sóc cây cà phê nữa.

Thoáng buồn trên gương mặt của nông dân được mùa.

Dọc Tỉnh lộ 9 từ trung tâm thị trấn Tô Hạp đến xã Sơn Lâm, dường như không còn "mát mắt" như trước, bởi những vườn cà phê ngày ấy giờ đây hầu như đã xen lẫn những trảng cỏ cao gần bằng tầm người.

Đến Sơn Lâm - nơi được coi là dẫn đầu phong trào trồng cà phê của huyện, chúng tôi được biết: Năm 1996, Sơn Lâm có 95 hộ canh tác cây cà phê với diện tích 123,9 ha; đến năm 2000, đã có 256 hộ canh tác với diện tích 218,4 ha. Con số đó phần nào nói lên hy vọng làm giàu chính đáng của người dân Sơn Lâm. Thế nhưng đến giờ phút này, mọi hy vọng của họ đã bị tan biến. Với bộ mặt méo xệch, ông Huỳnh Thu (thôn Du Oai) cho hay: "Bây giờ, tôi nợ Ngân hàng vốn gốc đã 40 triệu nhưng không trả nổi. Đem gán đất trừ nợ thì Ngân hàng cũng không dám nhận vì không biết phải giải quyết thế nào". Trước đây, ông Thu là một trong những người có tiếng tăm trong xã về diện tích đất trồng cây cà phê. Trong thời kỳ cà phê có giá, ông đã có 2,5 ha; nhờ đó ông mạnh dạn vay 40 triệu đồng để đầu tư thêm 2 ha nữa, đến năm 2000 cà phê có thu hoạch thì rớt giá nên nợ nần dính chùm…

Từ thu nợ, khoanh nợ đến trả nợ - Ngân hàng và nhân dân cùng ngắc ngoải

Hiện nay, Khánh Sơn có đến 806 ha cà phê nhưng số còn được chăm sóc chỉ khoảng hơn 50 ha; trong đó mức độ chăm sóc vừa phải cũng chỉ từ 30 - 50%. Những người trồng trước năm 1996, trúng vụ thu được vốn mới có thể bỏ tiền ra phục hồi. Còn phần lớn đều thu hoạch sau khi cà phê đã bị rớt giá, lâm vào cảnh nợ nần chồng chất nên không có khả năng chăm sóc tiếp. Bây giờ, nông dân muốn phá bỏ trồng cây khác cũng không dám. Nếu Ngân hàng kiểm tra phát hiện được sẽ xử lý mà không xem xét cho khoanh vốn vì không thấy có cây cà phê. Còn để lại thì cũng chẳng trồng xen được cây gì khác. Vì vậy, trong khi cây cà phê bị bỏ hoang, mặc cho cỏ mọc thì 355 hộ vay vốn ở Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NHNo - PTNT) Khánh Sơn lại không có tư liệu để tiếp tục sản xuất. Ông Huỳnh Thu than thở: “Chúng tôi, từ những người có vốn, có đất sản xuất bây giờ lại chẳng còn gì. Vốn hết, đất phải để cây cà phê làm "lá bùa" đi khoanh nợ, còn các chương trình hỗ trợ miền núi thì không có chế độ chính sách cho mình…".

Chúng tôi mang nỗi đau của những người trồng cà phê đến Chi nhánh NHNo - PTNT Khánh Sơn; nhưng nơi đây cũng chẳng ai có thể giúp gì được cho họ. Ông Nguyễn Bá Lộc - Giám đốc Chi nhánh cho biết: “Nông dân vay vốn trồng cây cà phê từ rất nhiều nguồn, vốn nội tệ và cả vốn của ngân hàng thế giới. Theo tình hình chung, vốn trong nước có thể Chính phủ sẽ có chủ trương xóa nợ được, chứ còn vốn từ nước ngoài thì rất khó. Để giải quyết những bức xúc trước mắt, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1127/QĐ-TTg về xử lý vay nợ ngân hàng đối với người trồng cà phê và Thông tư số 10/2001/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện việc khoanh nợ đối với những người vay vốn trồng cà phê; thời gian khoanh nợ là 3 năm (từ 1-8-2001 đến 31-7-2004). Ngành Ngân hàng cũng đã tiến hành xóa nợ cho các hộ quá đói nghèo nhưng số đó cũng chẳng được bao nhiêu. Giải pháp chính vẫn là khoanh nợ cho tất cả các hộ trồng cà phê. Hiện nay, tổng số tiền khoanh nợ đã lên đến 3,32 tỷ đồng”.

Thực chất việc khoanh nợ chỉ là giải pháp tình thế, vì muốn nói gì đi nữa thì tiền vay bắt buộc phải trả. Nhưng với tình hình cây cà phê như thế, thử hỏi tiền đâu ra để mà người dân dành dụm đến hàng chục triệu đồng trong 3 năm. Trong khi đó, thời gian khoanh nợ chỉ còn không đầy 1 năm nữa. Vậy mà hiện nay, NHNo - PTNT Việt Nam đã có công văn số 2631/NHNo-XLRR về việc “Chuyển nợ khoanh đã hết thời hạn sang nợ thông thường” để tiếp tục thu nợ. Điều này không chỉ làm khó cho nông dân mà còn khó cho cả các Chi nhánh ngân hàng chịu trách nhiệm đi thu nợ. Ông Lộc cho biết: “Đến nhà dân thu nợ mà họ không trả cũng chẳng có gì để mà cưỡng chế, vì tài sản ở đây ngoài căn nhà xập xệ và mảnh vườn thì chẳng còn gì có giá trị. Xuất phát điểm của người trồng cà phê ở Khánh Sơn không giống như các tỉnh khác, họ đi từ con số 0, khi có một ít vốn lại bị mất trắng thì tiền đâu còn mà trả". Thực chất người nông dân cũng có ý thức trả nợ chứ không phải chây ỳ, chỉ ngặt một nỗi họ không còn gì cả ngoài hai bàn tay trắng. Chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Trí Dũng - người trồng cà phê ở xã Sơn Bình trên đường đến UBND huyện để xác nhận lại diện tích đất trồng cà phê của mình, nét mặt buồn bã, ông cho biết: "Năm 1997, tôi vay 10 triệu đồng để trồng cà phê, ai ngờ khi có thu hoạch cà phê lại rớt giá thê thảm quá. Bây giờ nghe nói đến lại giật cả mình. Trả nợ là trách nhiệm của người đi vay, không thể trốn tránh mãi được, nhưng tôi mong Nhà nước có chính sách khoanh nợ dài hạn hơn, có như vậy người dân mới đủ thời gian làm để trả nợ". Ngoài số tiền gốc không trả nổi, ông còn nợ lãi đến hơn 7 triệu đồng.

Đa số vườn cà phê ở Khánh Sơn giờ đây là nơi chăn thả trâu bò.

Chuyện khoanh nợ sau 3 năm mới trả đối với những người ăn nên làm ra thì rất đơn giản nhưng đối với người trồng cà phê lại là khoảng thời gian cam go. Nếu hết thời hạn trên, mà họ không thể đủ điều kiện để trả thì các cơ quan chức năng sẽ xử lý ra sao? Đó là một vấn đề nóng bỏng. Ông Ngô Hữu Giác - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn tiết lộ: "Hiện nay, các ngành cũng chỉ mới có hướng khoanh nợ chứ chưa có hướng xử lý dứt điểm. Nếu hết hạn 3 năm mà dân không trả được, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục có đề nghị lên cấp trên xin khoanh nợ. Hiện nay, vay vốn ngân hàng để phát triển cây cà phê đã có tổng dư nợ lên đến 4,28 tỷ đồng. Huyện chưa có chủ trương xóa bỏ cây cà phê nhưng nông dân nên ngầm hiểu cần chuyển đổi dần sang trồng xen cây gì để có thể phục hồi kinh tế được”.

Thực tế tình hình giá cà phê cứ kéo dài như hiện nay thì người nông dân sẽ không bao giờ có tiền để trả cho ngân hàng. Người trồng cà phê - người đi thu vốn đều đứng trước cánh cửa giá cả thị trường. Câu thần chú “Cà phê ơi! Hãy mở ra" liệu có linh nghiệm, có mở cửa cho nông dân Khánh Sơn?

ĐẠI HẢI